Tổng Giám đốc CII Lê Quốc Bình: "Quá xấu hổ khi trả lời cổ đông về các mốc thời gian"
"Từ ĐHĐCĐ năm ngoái đến nay, cái gì hứa với cổ đông về hồ sơ pháp lý cần hoàn thành thì chưa hoàn thành được cái gì. Tôi cũng bắt đầu lo lắng với kế hoạch", Tổng Giám đốc CII Lê Quốc Bình phân trần với cổ đông tại ĐHĐCĐ thường niên 2020.
Ngày 2/6/2020, Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Tp.HCM (CII) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2020 (lần 2, tiếp nối lần đầu vào ngày 27/3/2020). Ban lãnh đạo cho biết, năm nay bất động sản sẽ là mảng đóng góp lợi nhuận chính cho Công ty, chủ yếu đến từ các dự án của Năm Bảy Bảy (NBB) và dự án 152 Điện Biên Phủ. Ngoài ta, mảng nước dự kiến sẽ không lỗ và mảng cầu đường đóng góp khoảng 300 tỷ đồng.
ĐHCĐ CII cũng thông qua nhiều nội dung về phát hành trái phiếu kèm chứng quyền, mua 53 triệu cổ phiếu quỹ của CII. Theo kế hoạch còn lại năm 2020, CII còn cần huy động gần 3.700 tỷ đồng nữa. Trong đó từ đầu năm đến nay Công ty đã huy động khoảng 4.500 tỷ đồng.
Năm 2020, với kịch bản thận trọng, CII đặt mục tiêu doanh thu 5.800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 808 tỷ đồng. Trong kịch bản khả quan thì doanh thu 6.600 tỷ đồng và lợi nhuận có thể đạt 1.608 tỷ đồng. Sự chênh lệch này chủ yếu do tác động bởi tiến độ phê duyệt thủ tục pháp lý từ các cơ quan chức năng.
Bất động sản đóng góp phần lớn doanh thu CII giai đoạn 2018-2019, năm nay sẽ tiếp tục như vậy
Chi tiết về kinh doanh, ông Lê Quốc Bình, Tổng Giám đốc CII cho biết, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ 2019 tăng 19%, tổng tài sản tăng gần 10.000 tỷ đồng, đạt 23.900 tỷ đồng. Chưa năm nào giá trị tổng tài sản CII tăng đột biến như vậy, trong đó, chủ yếu từ M&A NBB, đầu tư vào công ty BOT Trung Lương – Mỹ Thuận, và từ việc tăng chi phí xây dựng cơ bản dở dang hơn 625 tỷ đồng, đại diện CII lạc quan cho hay.
Mảng bất động sản đã đóng góp tỷ trọng lớn trong 2018-2019 trong doanh thu, lợi nhuận của CII, và dự kiến năm 2020 cũng như vậy. Tuy nhiên, trong 3 năm qua, CII gặp 2 vấn đề về dự án ở Thủ Thiêm và vấn đề pháp lý dự án, nhiều dự án đóng băng, và phần đất xen cài được xem là đất công không có hướng giải quyết. Giờ phải chờ quyết định của Chính Phủ, cho phép đối với đất xen cài thì chỉ định và giao cho Nhà đầu tư thực hiện.
Riêng với Thủ Thiêm, CII vẫn đang theo đuổi, dù có lúc nhiều hi vọng cũng có lúc bị chùng xuống. Còn với mảng hạ tầng nước, dù đã hoạt động được 4-5 năm, nhưng chi phí đầu tư rất lớn nên chưa đi vào điểm hoài vốn.
"Quá xấu hổ khi trả lời cổ đông về các mốc thời gian"
Theo ông Bình, năm 2020, Công ty có 3 chuyện lớn phải làm, gồm:
Thứ nhất, thu phí tuyến Xa Lộ Hà Nội. Theo thông báo từ UBND Tp.HCM, từ 31/12/2019, đồng ý cho CII thu phí, giao các sở ngành kiểm tra để xác định giá thu phí và kế hoạch thu phí. Đến ngày 20/2/2020, các sở ngành phải trình UBND TP. Nhưng cho đến tuần trước, CII mới lấy được phê chuẩn của các sở ngành. "5 tháng trời để đeo bám để lấy được quyết định về thẩm định giá thu phí’, ông Bình nói.
Vẫn còn một số công đoạn tiếp theo mà CII phải theo đuổi, và trong kỳ vọng sớm nhất của CII là 1/8 sẽ được tiến hành thu phí Xa Lộ Hà Nội. "Quá xấu hổ khi trả lời cổ đông về các mốc thời gian", ông Bình chia sẻ.
Thứ hai, đưa dự án BOT Trung Lương – Mỹ Thuận về đích vào cuối năm nay. CII dự kiến bắt đầu từ quý 2/2020 sẽ khai thác và hoàn vốn.
Thứ ba, với mảng bất động sản, phải khai thác cho được quỹ đất của NBB, và Thủ Thiêm, tạo tiền đề hạch tóan và phân bổ lợi nhuận trong năm 2021.
Ngoài ra, hoạt động vốn sẽ tập trung vào các thương vụ lớn. Đầu năm 2020 đến nay, CII đã làm 2 deal lớn, giá trị 2.500 tỷ đồng và 2.000 tỷ đồng. Năm 2020, CII còn 3 thương vụ huy động vốn nữa, gồm thương vụ 1.600 tỷ đồng, thương vụ 800 tỷ đồng và thương vụ 1.200 tỷ đồng.
Chia sẻ thêm về kế hoạch kinh doanh 2020, CII xây dựng cuối năm 2019, kỳ vọng 5 tháng đầu năm sẽ thực hiện nhiều hồ sơ pháp lý. Thực tế, do Covid-19, gần như giải quyết hồ sơ pháp lý chưa có gì nhiều. "Từ ĐHĐCĐ năm ngoái đến nay, cái gì hứa với cổ đông về hồ sơ pháp lý cần hoàn thành thì chưa hoàn thành được cái gì. Tôi cũng bắt đầu lo lắng với kế hoạch", ông Bình báo cáo. Dù vậy, vị này vẫn tin tưởng đạt được kế hoạch trình cổ đông.
"Từ ĐHCĐ năm ngoái đến nay, cái gì hứa với cổ đông về hồ sơ pháp lý cần hoàn thành thì chưa hoàn thành được cái gì. Tôi cũng bắt đầu lo lắng với kế hoạch", ông Bình báo cáo tại ĐHĐCĐ ngày 2/6/2020.
Việc huy động vốn gặp khó giữa quan ngại dịch Covid-19, CII phải thiết kế phương án mới và hấp dẫn nhà đầu tư
Liên quan đến dịch Covid-19, dịch đã tác động trực tiếp đến khả năng huy động vốn của nhiều donah nghiệp, trong đó có CII. Cụ thể, nguồn tín dụng nước ngoài đang bị thu hẹp do quan ngại về ảnh hưởng của dịch bệnh lên kinh tế toàn cầu. Từ đó, các nhà đầu tư và quỹ ngoại ưu tiên duy trì tiền mặt cao thay vì tìm kiếm cơ hội đầu tư mới.
Nguồn tín dụng trong nước cũng được siết chặt nhằm giảm thiểu khả năng nợ xấu phát sinh do dịch bệnh, cũng như ưu tiên hỗ trợ khó khăn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Do đó, việc huy động vốn của các công ty thuộc lĩnh vực bất động sản, cầu đường vốn cần nguồn vốn lớn, bị hạn chế đến mức tối đa thời gian qua.
Trước bối cảnh này, CII khẳng định cần một phương án huy động vốn mới hấp dẫn hơn với nhà đầu tư và phù hợp với lợi ích cổ đông, cũng như nhu cầu vốn cho các dự án dở dang của Công ty. Theo đó, HĐQT CII có tờ trình phát hành riêng lẻ trái phiếu kèm chứng quyền.
CII cho biết, thời gian qua, CII đã thực hiện đàm phán bước đầu với nhà đầu tư về việc phát hành trái phiếu kèm chứng quyền. Theo đó, nhà đầu tư sẽ đầu tư trái phiếu kèm chứng quyền do CII phát hành và được cấp quyền mua tối đa 62 triệu cổ phiếu CII.
Trái phiếu sẽ được phát hành thành 2 đợt, đợt 1 chào bán rộng rãi trái phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 200:1 (cổ đông sở hữu 200 cổ phiếu CII được quyền mua 1 trái phiếu). Số lượng trái phiếu dự kiến phá hành 1,24 triệu trái phiếu. Tổng giá trị phát hành hơn 1.239 tỷ đồng.
Nếu tổng giá trị chào bán đợt 1 không đạt 800 tỷ đồng thì CII sẽ tiến hành phát hành đợt 2 là chào bán riêng lẻ 1.600 tỷ đồng trái phiếu kèm chứng quyền cho NĐT, thông qua đại lý phát hành. Đối tượng phát hành là quỹ đầu tư, ngân hàng, nhà đầu tư chiến lược… Kỳ hạn trái phiếu 5 năm, lãi suất dự kiến 11%/năm.
Kế hoạch nguồn để thanh toán lãi, gốc trái phiếu lấy từ nguồn tiền mặt và nguồn thu hợp pháp từ hoạt động kinh doanh và các nguồn thu khác của CII.
Đồng thời, CII sẽ phát hành tối đa 160 triệu cổ phiếu ra công chúng, giá 10.000 đồng/cp nhằm dự phòng nguồn trả nợ khi xảy ra các trường hợp sau:
(i) Xảy ra sự kiện bất khả kháng ảnh hưởng đến nguồn thu hoạt động kinh doanh của công ty không đủ để hoàn thành nghĩa vụ trả nợ Trái phiếu; và
(ii) Nhà đầu tư không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ quyền mua cổ phiếu CII theo chứng quyền của Trái phiếu; và
(iii) 6 tháng trước ngày đến hạn Trái phiếu, nếu CII không chứng minh được nguồn trả nợ chắc chắn cho Trái Chủ hoặc nguồn trả nợ không được trái chủ chấp nhận.
Theo điều kiện và điều khoản của chứng quyền, mỗi trái phiếu được nhận một chứng quyền, một chứng quyền được mua 38,75 cổ phần CII với giá mua cổ phần khi thực hiện chứng quyền theo công thức định sẵn.
Đáng chú ý hơn, CII có tờ trình mua thêm tối đa 53 triệu cổ phiếu CII làm cổ phiếu quỹ để làm nguồn cổ phiếu cho trái chủ thực hiện quyền.
Cụ thể, CII cho rằng, nguyên nhân là dịch Covid-19 đã tác động đến toàn thị trường, qua đó cổ phiếu CII cũng chịu đà giảm sâu về mức 19.500 đồng/cp những ngày cuối tháng 4/2020. Theo CII, đây là mức giá đang bị định giá thấp mà không dựa trên hoạt động kinh doanh của công ty, dù Covid không ảnh hưởng đến các hoạt động kinh doanh cốt lõi của CII.
Đồng thời, CII cần chuẩn bị ít nhất 62 triệu cổ phiếu để khi trái chủ thực hiện Chứng quyền trong thời gian tới. Hiện tại, CII đã hoàn thành việc mua lại 9 triệu cổ phiếu quỹ vào đầu tháng 5/2020 và cần bổ sung thêm 53 triệu cổ phiếu.
Theo đó, HDQT CII đề nghị mua tối đa 53 triệu cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ trong 5 năm tới. Việc mua lại cổ phiếu sẽ được thực hiện theo phương thức khớp lệnh trên thị trường. Nếu tính với giá cổ phiếu hiện nay của CII, 19.450 đồng/cp, ước tính CII cần chi khoảng 1.030 tỷ đồng.
Tại ĐHCĐ 2019 tổ chức ngày 27/3, CII chỉ mới lấy ý kiến cổ đông phê duyệt 2 tờ trình liên quan đến việc chuyển đổi trái phiếu, đáo hạn trái phiếu CII41401 và phương án phát hành thêm cổ phiếu để dự phòng nguồn trả nợ cho trái phiếu, và đều đã được thông qua.
Thảo luận tại Đại hội
1. CII thường huy động vốn bằng phát hành trái phiếu đổi và đã thực hiện nhiều lần, nhưng năm nay có phương án chuyển đổi kèm chứng quyền. Vì sao, có sự khác nhau gì về 2 phương án?
Ông Bình cho biết, theo quan điểm cá nhân ông thì CII phát hành trái phiếu chuyển đổi. Thực tế, sau khi làm việc với các cơ quan chức năng, một khúc mắc hiện nay là trên HoSE chưa có giao dịch trái phiếu kèm chứng quyền – tức sẽ có rủi ro cho các nhà đầu tư cá nhân vì tính thanh khoản không có. Còn với nhà đầu tư tổ chức, thường giao dịch lô lớn thông qua thoả thuận sẽ không bị ảnh hưởng.
Xuất phát từ đó, trên vai trò là một cổ đông của CII, ông Bình có kiến nghị thay đổi phần phát hành cho cổ đông hiện hữu thành trái phiếu chuyển đổi.
Còn phần phát hành cho tổ chức thì phát hành kèm chứng quyền, vì họ là nhà đầu tư tài chính, họ muốn tách rõ ràng là trái phiếu và chứng quyền để họ muốn giao dịch phần nào thì họ giao dịch.
2. Trong nghị quyết ĐHCĐ diễn ra hôm 27/3/2020, có nội dung chia cổ tức 32%, trong đó có 16% bằng tiền mặt là của 2 năm 2018-2019. Nhưng trong tờ trình lần này, cổ tức năm 2019 chỉ còn 12%, cụ thể là thế nào?
Ông Bình cho biết, cổ tức thực hiện chi trả dựa trên KQKD của Công ty. Nhưng số liệu trước kiểm toán và sau kiểm toán của CII hụt cả hơn 500 tỷ đồng lợi nhuận, trong đó chi phí ghi nhận tăng hơn 80 tỷ. Trong khi, thực hiện xong thương vụ và tiền mang về rồi, nhưng vì ngày thực hiện là 2/1 nên kiểm toán đưa qua năm 2020.
Thay vì lợi nhuận 970 tỷ đồng thì sẽ trả cổ tức 32%, thì nay chỉ còn hơn 490 tỷ đồng thì chỉ chi trả được cổ tức 12%. Tuy nhiên, cổ đông yên tâm, tiền đã về Công ty, không chia năm 2019 thì sẽ xin ý kiến cổ đông chia trong năm 2020.
3. Cổ tức năm 2019 dự kiến khi nào chi trả, và năm 2020 có phương án chia tiền hay cổ phiếu chưa?
Hiện CII phấn đấu trong quý 3 năm nay sẽ trả cổ tức 2019. Năm 2020 CII dự kiến chi trả bằng tiền mặt.
4. Về tờ trình trái phiếu, nếu 2 thời điểm phát hành khác nhau, sử dụng cùng công thức, thì giá cổ phiếu đi xuống sẽ được xử lý ra sao, khi đó sẽ thiệt hại cho cổ đông hiện hữu?
Ông Bình cho biết, theo tờ trình hiện nay, giá phát hành cho cổ đông hiện hữu bằng 110% giá bình quân 10 phiên giao dịch trước ngày nộp hồ sơ phát hành trái phiếu đến UBCK. Việc phát hành ở thời điểm khác nhau nên giá sẽ khác nhau.
Trong trường hợp giá xuống, cổ đông hiện hữu thiệt thòi hơn, giá lên thì nhà đầu tư chiến lược mua cao hơn.
"Tôi cho rằng, có lẽ kiến nghị chủ toạ đoàn sửa lại rằng: Giá phát hành cho nhà đầu tư chiến lược cũng bằng 110% bình quân 10 phiên giao dịch trước ngày nộp hồ sơ phát hành trái phiếu đến UBCK và không thấp hơn giá phát hành cho cổ đông hiện hữu, và không quá 26.000 đồng", ông Bình nói.
5. Hai dự án BOT lớn sắp tới CII đưa vào thu phí là mở rộng Xa Lộ Hà Nội và Trung Lương - Mỹ Thuận thì doanh thu ước tính mỗi dự án là bao nhiêu. Ước tính tăng trưởng lưu lượng như thế nào?
Trả lời, phía CII cho biết với trạm xa lộ Hà Nội, lấy trên lưu lượng xe hiện hữu. Tốc độ tăng trưởng lưu lượng sử dụng số thống kê bình quân qua nhiều năm các trạm thu phí.
Với Trung Lương – Mỹ Thuận, điểm may mắn là sau khi cao tốc Sài Gòn- Trung Lương không thu phí thì 90% lưu lượng xe trên Quốc lộ 1 đã chuyển đi cao tốc, và hết cao tốc, tới ngã ba Trung Lương sẽ ưu tiên đi cao tốc, thay vì chạy xuống Quốc Lộ 1 hay bị kẹt xe.
Doanh thu Xa lộ Hà Nội ước tính 1.000 tỷ đồng/năm, doanh thu Trung Lương – Mỹ Thuận ước tính 1.400 tỷ đồng/năm cho năm thu phí đầu tiên, qua mỗi năm tăng giá 10%, riêng với Trung Lương – Mỹ Thuận qua 3 năm tăng giá 18%.
Tổ Quốc