Tổng Giám đốc Thép Nam Kim đăng ký bán 15 triệu cổ phiếu NKG khi thị giá liên tục lập đỉnh
Thị giá NKG chốt phiên 17/9 tại mức đỉnh lịch sử 45.100 đồng/cổ phiếu với giá trị giao dịch đạt hơn 8,8 triệu đơn vị. So với đầu năm 2021, giá cổ phiếu đã tăng 261%.
Cập nhật mới nhất, ông Võ Hoàng Vũ, Tổng Giám đốc CTCP Thép Nam Kim (HoSE: NKG) vừa đăng ký bán ra 15 triệu cổ phiếu NKG từ ngày 27/9 đến 25/10 theo phương thức thỏa thuận.
Mục đích đưa ra là do nhu cầu tài chính cá nhân. Hiện ông Vũ đang sở hữu hơn 22,8 triệu cổ phần NKG, tương ứng 10,45% vốn. Nếu thoái vốn thành công, vị CEO này sẽ còn lại hơn 7,8 triệu cổ phiếu NKG thuộc sở hữu, ứng với 3,58% vốn điều lệ, chính thức "rời ghế" cổ đông lớn tại Thép Nam Kim.
Ước tính theo giá thị trường, ông Vũ có thể thu về số tiền lên tới 676 tỷ đồng.
Hoạt động thoái bớt cổ phần của Tổng Giám đốc diễn ra ngay sau khi NKG vừa hoàn tất phát hành cổ phiếu trả cổ tức và cổ phiếu thưởng với tổng tỷ lệ 20%, kết quả đã phân phối hơn 36 triệu cổ phần mới. Theo đó, ông Vũ đã nhận về khoảng 3,8 triệu cổ phần từ đợt phát hành này.
Trước đó hồi tháng 8/2021, bà Nguyễn Thị Ngọc Liên, Phó Tổng Giám đốc Thép Nam Kim đã hoàn tất bán ra 250.000 cổ phiếu NKG, giảm tỷ lệ sở hữu về còn 0,06% vốn (116 nghìn cổ phần).
Diễn biến trên thị trường chứng khoán, đà tăng của cổ phiếu NKG vẫn chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt", tiếp tục xô đổ loạt mốc mới. Sau phiên 16/9 có sự điều chỉnh nhẹ, thị giá NKG đã trở lại tăng 3,3% trong phiên 17/9 lên mức đỉnh lịch sử 45.100 đồng/cổ phiếu với giá trị giao dịch đạt hơn 8,8 triệu đơn vị. So với đầu năm 2021, giá cổ phiếu đã tăng 261%.
Có thể thấy, sự lạc quan về xuất khẩu các doanh nghiệp tôn mạ như NKG đã và đang phản ánh vào giá cổ phiếu, giúp hút dòng tiền mạnh. Sản lượng xuất khẩu của NKG đạt 62.000 tấn trong tháng 7, ổn định so với mức 63.500 tấn trong tháng 6.
Trong báo cáo mới nhất, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng sản lượng xuất khẩu tôn mạ sang châu Âu sẽ ổn định ở mức cao cho đến cuối năm 2022, trong khi đó chi phí sản xuất thấp hơn ở Việt Nam có thể hỗ trợ lợi nhuận xuất khẩu tôn mạ trong trung hạn. Về mặt ngắn hạn, VDSC cho rằng, chênh lệch giá thép cán nóng (HRC) giữa EU và Việt Nam ở mức cao khoảng 300-550 USD/tấn có thể mang lại biên lợi nhuận gộp 19-22% trong 2 quý cuối năm 2021.
Doanh Nghiệp Tiếp Thị