MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tổng kiểm toán Nhà nước: 'Có dấu hiệu vi phạm' mới kiểm toán sẽ bỏ lọt BT, BOT

13-10-2019 - 10:30 AM | Xã hội

Tổng KTNN Hồ Đức Phớc cho rằng, việc đưa thêm khái niệm “có dấu hiệu vi phạm” là chưa hợp lý, bởi nếu KTNN chưa được tiếp cận hồ sơ, đối chiếu kiểm tra thì không có cơ sở xác định “dấu hiệu vi phạm”.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán sẽ được trình Quốc hội và thông qua tại kỳ họp thứ 8, diễn ra vào cuối tháng 10 này. Mặc dù vậy, quy định “cơ quan, tổ chức có liên quan đến hoạt động kiểm toán” vẫn đang là vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, đặc biệt là việc bổ sung quy định phải “có dấu hiệu vi phạm” mới kiểm toán.

Để làm rõ hơn khái niệm trong Dự luật, cơ quan thẩm tra, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã bỏ một số điểm, đồng thời, bổ sung vào phần giải thích thuật ngữ để làm rõ “khái niệm cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán là các cơ quan, tổ chức, cá nhân được kiểm toán viên xác định trong quá trình kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán là có dấu hiệu vi phạm liên quan đến việc quản lý sử dụng tài chính, tài sản công của đơn vị được kiểm toán”.

Lý giải về điều này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải khẳng định, việc quy định rõ “có dấu hiệu vi phạm” là cần thiết và có thể thực hiện được khi kiểm toán viên kiểm tra, xem xét hồ sơ tài liệu tại đơn vị được kiểm toán.

Nhất trí việc giải thích khái niệm về “cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán”, tuy nhiên Tổng KTNN Hồ Đức Phớc cho rằng, việc đưa thêm khái niệm “có dấu hiệu vi phạm” là chưa hợp lý. Bởi trong bối cảnh KTNN chưa được tiếp cận hồ sơ, đối chiếu kiểm tra thì không có cơ sở xác định “dấu hiệu vi phạm”.

Đồng tình với lập luận trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga phân tích, với vị thế của một thiết chế Hiến định độc lập, chúng ta kỳ vọng rất nhiều ở KTNN. Vì vậy, khi sửa đổi Luật này quy định về phạm vi kiểm toán cần đảm bảo là không “bó” cho cơ quan kiểm toán đồng thời cũng tránh việc lạm dụng.

“Nếu sửa như thế thì quá bó. Tôi đồng ý quan điểm của Tổng Kiểm toán Nhà nước, nếu quy định các cơ quan, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm mới được vào kiểm toán thì không hợp lý, không thể làm được”, bà Nga cho hay.

Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng đặt vấn đề, nếu có hoạt động liên quan đến kiểm toán thì nên cho phép KTNN có thể thực hiện việc kiểm tra. Nếu “có dấu hiệu vi phạm” mới kiểm toán thì chặt chẽ quá, chưa kiểm toán thì sao xác định được dấu hiệu vi phạm?

Đặc biệt theo ông Hiển, nếu quy định có thêm điều kiện “có dấu hiệu vi phạm” thì KTNN sẽ không thể thực hiện kiểm tra đối với các dự án BT, BOT, kiểm tra việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia do tổ chức ngoài Nhà nước thực hiện... như lâu nay vẫn làm.

Tổng KTNN đề nghị được giải thích lại nội dung này theo hướng đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan là những đơn vị đang sử dụng tài chính công, tài sản công và có liên quan trực tiếp đến đơn vị đang được kiểm toán. Bởi việc xác định đối tượng kiểm toán liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài sản công đã được thông qua từ đầu năm.

Nếu đoàn kiểm toán nào hoạt động ngoài kế hoạch sẽ phải chịu trách nhiệm và quy định này cũng tránh để xảy ra trùng lặp. “Từ khi phát hiện ra đối tượng cần kiểm toán cho đến khi công bố kết quả phải trải qua 4 khâu trong đó có việc đánh giá những chứng cứ liên quan nên rất chính xác và khoa học”, Tổng KTNN lý giải.

Theo Luân Dũng

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên