Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đề xuất tăng 8% lương tối thiểu vùng năm 2019
Mức tăng 220.000 - 330.000 đồng/tháng được đại diện người lao động đưa ra đã tính tới trượt giá, tăng năng suất lao động, chênh lệch giữa mức lương tối thiểu và nhu cầu sống tối thiểu. Trong khi khi đó, đại diện người sử dụng lao động không muốn tăng lương tối thiểu vùng trong năm 2019.
Chiều ngày 09/7/2018, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã họp bàn về mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2019.
Mức 8% dựa trên cơ sở nào?
Khảo sát trên 30.000 phiếu tại 150 doanh nghiệp trên 4 vùng lương cho thấy, mức lương của người lao động đã được cải thiện, đặc biệt trong năm 2017. Số lượng công nhân lao động có tích luỹ tăng từ 15% lên 20%. Số công nhân lao động trả lời lương vừa đủ chi tiêu tăng lên.
Tuy nhiên, số người cho rằng lương không đủ chi tiêu ít thay đổi. Ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn cho biết, đây là nhóm người mà Tổng Lên đoàn Lao động Việt Nam muốn hướng đến.
"Tình hình kinh tế có nhiểu khởi sắc, tăng trưởng cao, số lượng doanh nghiệp mới nhiều hơn số lượng doanh nghiệp "chết đi". Đây là tín hiệu cho thấy tình hình kinh tế khả quan, có điều kiện để tăng lương tối thiểu vùng. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng không thể dưới 8%. Đây là mức đã được tính toán, cộng phần trăm trượt giá, tăng năng suất lao động, chênh lệch giữa mức lương tối thiểu và nhu cầu sống tối thiểu" - ông Vũ Quang Thọ nói.
8% tương đương tăng thêm từ 220.000 - 330.000 đồng/tháng. Theo Tổng Liên đoàn, phương án này đáp ứng được 95,4% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.
Doanh nghiệp không muốn tăng lương
"Đa số ý kiến của các hiệp hội doanh nghiệp đều cho rằng, chưa nên điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trong năm 2019" – ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Đại diện chủ sử dụng lao động muốn có nguồn lực để bồi dưỡng, nâng cao tay nghề cho người lao động. Từ đó, tăng năng suất lao động trước khi nâng lương.
Phía Tổng Liên đoàn cho rằng, đề xuất của doanh nghiệp là "rất vô lý". Nếu không tăng mức lương tối thiểu vùng, không bù đắp phần chênh lệch về lương tối thiểu so với nhu cầu sống tối thiểu thì vẫn phải tính phần năng suất lao động tăng lên (3,5%), phần trượt giá (4%). Mức tăng của 2 phần này là khoảng 7%.
Theo Nghị quyết 27 về cảu cách tiền lương ban hành sau Hội nghị Trung ương 7 (5/2018), mức lương tối thiểu vùng phải đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu vào năm 2020. Trong khi đó, mức lương hiện nay chỉ đáp ứng 93%. Khoảng chênh lệch này sẽ phải được bù đắp trong 2 năm tới.
"Dựa vào nhu cầu lương thực thực phẩm, chỉ số giá tiêu dùng có thể tăng 8,4-14% từ nay đến năm 2020. Như vậy, lộ trình tăng lương tối thiểu vùng phải được chia đều hoặc bây giờ tăng nhanh và năm sau tăng chậm hơn,… để đảm bảo thực hiện mục tiêu" – ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nói.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp là đại diện của Chính phủ tham dự buổi họp Hội đồng tiền lương quốc gia. "Không can thiệp thô bạo" là quan điểm của Chính phủ trong buổi họp. Mức điều chỉnh lương tối thiểu vùng phải được quyết định thông qua thảo luận giữa lao động và chủ sử dụng lao động.
Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.
Dự kiến, 2 tuần nữa, Tổng Liên đoàn (đại diện người lao động) và VCCI (đại diện chủ sử dụng lao động) sẽ họp vòng tiếp theo, trước khi đồng thuận đưa ra kết luận cuối cùng.