MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tổng Sông Đà đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa, vốn điều lệ tương đương FLC Faros, Vinaconex

Theo phương án được phê duyệt, Nhà nước sẽ nắm giữ 51% cổ phần Sông Đà đến hết năm 2019 và sẽ giảm tỷ lệ sở hữu xuống dưới 50% vào năm 2020.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Sông Đà (Sông Đà) với vốn điều lệ 4.500 tỷ đồng, tương đương 450 triệu cổ phần lưu hành. Vốn điều lệ của Sông Đà lớn hơn một loạt các doanh nghiệp trong ngành xây dựng tại Việt Nam như Vinaconex (4.417 tỷ đồng), FLC Faros (4.300 tỷ đồng), Hòa Bình (954 tỷ đồng), Coteccons (770 tỷ đồng)…

Theo phương án được phê duyệt, Nhà nước sẽ nắm giữ 51% cổ phần Sông Đà đến hết năm 2019 và sẽ giảm tỷ lệ sở hữu xuống dưới 50% vào năm 2020. Ngoài ra, Sông Đà sẽ bán 135 triệu cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược (30% vốn), bán đấu giá công khai (IPO) 84,77 triệu cổ phần (18,82% vốn) và bán cho người lao động 822 nghìn cổ phần (0,18% vốn).

Thủ tướng Chính phủ ủy quyền Bộ trưởng Bộ Xây dựng quyết định mức giá khởi điểm bán đấu giá cổ phần lần đầu theo quy định của pháp luật, điều chỉnh cơ cấu vốn điều lệ khi không bán được cho các nhà đầu tư theo Phương án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thủ tướng Chính phủ ủy quyền Bộ trưởng Bộ Xây dựng quyết định tiêu chí, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược và tỷ lệ cổ phần cụ thể bán cho nhà đầu tư chiến lược, bảo đảm theo đúng quy định tại Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần và quy định pháp luật có liên quan.

TCT Sông Đà thực hiện xử lý đất đai, thuê đất của Nhà nước, trả tiền thuê đất hàng năm, thực hiện việc quản lý, sử dụng đất theo đúng quy định của Luật đất đai và pháp luật có liên quan.

Trong năm 2016, Sông Đà đạt doanh thu 13.599 tỷ đồng, vượt 8% chỉ tiêu được giao (12.600 tỷ đồng). Lợi nhuận trước thuế đạt 370 tỷ đồng, vượt 72% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm mà ĐHCĐ giao phó.

Minh Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên