MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tổng thống Trump luôn nhắc đến thâm hụt thương mại nhưng lẽ ra khái niệm này đã biến mất cách đây 40 năm

23-06-2018 - 08:09 AM | Tài chính quốc tế

Nếu năm 1976 các chuyên gia kinh tế cương quyết hơn, có lẽ bây giờ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ rất khác.

Các chuyên gia kinh tế không ghét cay ghét đắng thâm hụt thương mại như ông Trump

"Thâm hụt thương mại" là vấn đề mà Tổng thống Mỹ Donald Trump quan tâm đặc biệt và chính là 1 nguyên nhân thường xuyên được ông viện dẫn trước những tuyên bố hùng hồn về các chính sách thuế quan đe dọa sẽ thổi bùng lên cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Tuy nhiên, trong thế giới hàn lâm của các nhà kinh tế học, "thâm hụt thương mại" là thước đo không hề hữu dụng và các Chính phủ nên ngừng ngay việc theo dõi chỉ số này.

Hầu hết các nhà kinh tế học không cho rằng thâm hụt thương mại đồng nghĩa với quốc gia của họ mất tiền cho nước khác. Nguyên nhân là vì cán cân thương mại – chênh lệch giữa kim ngạch xuất khẩu và kim ngạch nhập khẩu – sẽ bị ảnh hưởng bởi một loạt các yếu tố vĩ mô như tốc độ tăng trưởng tương đối của các nền kinh tế, giá trị đồng nội tệ và đặc biệt là tốc độ tiết kiệm và đầu tư.

Ví dụ, trong suốt thời kỳ Đại suy thoái, tiêu dùng của nước Mỹ giảm sút và thâm hụt thương mại cũng vì thế mà thu hẹp đáng kể. Rõ ràng thâm hụt thương mại giảm không đồng nghĩa với nền kinh tế khỏe mạnh.

Các chuyên gia về thương mại cũng cho rằng thâm hụt thương mại song phương không phải là một thước đo tốt để đánh giá liệu quốc gia đó có thực hiện đúng cam kết về mở cửa thị trường hay xuất sắc trong việc đàm phán các hiệp định thương mại hay không.

Nước Mỹ từng có ý định loại bỏ khái niệm thâm hụt thương mại

Trong thời kỳ đầu những năm 1970, nước Mỹ đối mặt với tình trạng thâm hụt dòng chảy đôla – tức là lượng USD chảy ra khỏi biên giới nước Mỹ thông qua các kênh thương mại và đầu tư lớn hơn lượng USD chảy vào nước Mỹ. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, từ việc tăng nhập khẩu hàng hóa châu Âu đến giá dầu (nhập khẩu từ các nước Trung Đông) tăng cao.

"Thâm hụt" (deficit) là 1 từ mang sắc thái tiêu cực. Năm 1974, Chính phủ Mỹ đã lập 1 ủy ban gồm 9 nhà kinh tế học hàng đầu. Ưu tiên trước nhất của ủy ban này là làm sao để người dân Mỹ không hiểu sai và phát đi thông tin sai về các "cán cân". "Hãy tập trung vào 1 hoặc một vài cán cân tổng thể" sẽ dẫn dắt đến những kết luận sai lệch về sức khỏe nền kinh tế, 1 báo cáo năm 1976 có đoạn.

Ủy ban này cũng khuyến nghị hãy tránh sử dụng những từ ngữ dễ gợi ra ấn tượng tiêu cực hoặc tích cực, do đó nên tránh 2 từ "thặng dư" và "thâm hụt". "Những từ này thường xuyên được sử dụng trong các ngữ cảnh miêu tả diễn biến tốt hoặc xấu. Do đó sử dụng chúng dễ gây hiểu lầm".

Nhóm 9 nhà kinh tế học cho rằng Bộ Thương mại Mỹ nên loại bỏ các cán cân dễ gây nhầm lẫn này ra khỏi các báo cáo hàng tháng, nhưng cuối cùng 2 chỉ số phụ đã được giữ lại: cán cân thương mại (chênh lệch hàng hóa dịch vụ xuất khẩu với nhập khẩu) và cán cân tài khoản vãng lai (bằng tổng cán cân thương mại cộng với cán cân đầu tư và chuyển khoản).

Đó là cách để giải quyết tình thế tiến thoái lưỡng nan mà Chính phủ Mỹ gặp phải khi đó: thông tin sai lệch dễ gây hiểu nhầm rõ ràng không phải là 1 lựa chọn có thể chấp nhận, nhưng cũng không thể không công bố bất cứ thông tin gì. Dựa vào các số liệu lịch sử thì công bố cán cân tài khoản vãng lai trở thành 1 lựa chọn hợp lý hơn cả, vì đây cũng là thước đo được sử dụng phổ biến ở các nước là đối tác thương mại với Mỹ cũng như OECD.

Sau đó Văn phòng Ngân sách Hoa Kỳ (OMB) đã gạt bỏ lời đề nghị xóa bỏ hoàn toàn cụm từ cán cân thương mại hàng hóa (tức chỉ tính riêng hàng hóa, không tính dịch vụ). Ủy ban đã lo lắng rằng 2 yếu tố hàng hóa và dịch vụ sẽ bị nhầm lẫn khi phân tích cán cân thanh toán của 1 quốc gia cũng như phân tích sức khỏe của cả nền kinh tế. Nhưng OMB hi vọng rằng cụm từ được sử dụng phổ biến sẽ không bị công chúng hiểu nhầm.

Hơn 40 năm sau, Tổng thống Trump giờ đây đang phác họa thâm hụt thương mại chính là 1 biểu tượng cho sự thất bại về chính sách thương mại của nước Mỹ, đồng thời ông chỉ tập trung vào chủ nghĩa bảo hộ và hàng rào thuế quan mà chưa quan tâm đúng mức đến các vấn đề sâu xa hơn như cam kết mở cửa thị trường hay thực trạng Trung Quốc ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ.

Có lẽ các thành viên của ủy ban đang cảm thấy hối hận vì họ đã từng có cơ hội xóa bỏ hoàn toàn khái niệm cán cân vãng lai nhưng lại không làm điều đó.

Thu Hương

WSJ

Trở lên trên