MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tổng thống Trump rút khỏi hiệp định Paris, nước Mỹ lợi hay thiệt?

02-06-2017 - 11:59 AM | Tài chính quốc tế

Quyết định ngày hôm nay có thể thúc đẩy các ngành sản xuất thải nhiều khí CO2 như than đá hoặc công nghiệp nặng, đồng thời giảm nhu cầu về những nhiên liệu sạch như năng lượng mặt trời hay điện gió.

Như vậy là đúng như những gì đã cam kết trong chiến dịch tranh cử, Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Theo Tổng thống Trump, quyết định của ông nhằm bảo vệ nền kinh tế Mỹ khỏi hiệp định đã khiến người Mỹ mất đi 2,7 triệu việc làm.

Tuy nhiên, điều này sẽ không thể xảy ra ngay lập tức. Phía trước sẽ là tiến trình kéo dài nhiều năm và vì ông Trump đã nói Mỹ sẽ bắt đầu đàm phán lại, không ai có thể biết trước điều gì sẽ xảy ra.

Dưới đây là câu trả lời cho một số câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Hiệp định Paris là gì?

Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu là hiệp định có phạm vi rộng hơn bất kỳ thỏa thuận về khí hậu nào. Nó kêu gọi giảm lượng khí thải CO2 với kỳ vọng có thể hạn chế hiện tượng trái đất nóng lên, giới hạn mức nhiệt tăng lên so với thời kỳ trước Cách mạng công nghiệp chỉ ở quanh mức 2 độ C. Đây là ngưỡng mà các nhà khoa học cho rằng sẽ giúp trái đất tránh được những thảm họa thiên nhiên như lũ lụt, hạn hán nặng, nước biển dâng và bão lớn.

Với gần 200 nước tham gia, quyết định của ông Trump khiến Mỹ gia nhập nhóm chỉ gồm 2 nước là Syria và Nicaragua hiện đang đứng ngoài.

Hiệp định này đặc biệt ở chỗ các nước đã đi đến thống nhất rằng những nước có nền kinh tế chậm hoặc đang phát triển khó có thể đảm đương nghĩa vụ, do đó những nước giàu hơn sẽ hỗ trợ về mặt tài chính và công nghệ.

Có phải Tổng thống Trump đã “giết chết” hiệp định Paris?

Không. Ông chỉ vừa khởi động quá trình rút Mỹ khỏi hiệp định. Vẫn còn gần 200 quốc gia tham gia hiệp định này và nó vẫn có hiệu lực dù Mỹ rút. Và, Trump còn nói ông sẵn sàng đàm phán về 1 phiên bản mới hoặc thậm chí là 1 hiệp định hoàn toàn mới, miễn là đem về những điều tốt hơn cho người lao động Mỹ và buộc các nước khác phải chịu trách nhiệm nhiều hơn.

Cũng về biến đổi khí hậu, thay vì hiệp định Paris, Tổng thống Trump có thể rút khỏi hiệp định khí hậu Liên hợp quốc đã được ký bởi cựu Tổng thống George H.W. Bush (Thượng viện Mỹ đã thông qua).

Tuy nhiên, quyết định này là 1 sự tụt lùi đáng kể về mặt chính trị. Các nước khác có thể theo chân Mỹ hoặc suy nghĩ lại về cam kết cắt giảm khí thải, khiến việc đạt được mục tiêu kiểm soát biến đổi khí hậu khó khăn hơn rất nhiều.

Hơn nữa, điều này có nghĩa là Mỹ - nền kinh tế lớn nhất, năng động nhất thế giới – đang từ bỏ vai trò dẫn đầu nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Dưới thời Obama, Mỹ đã cam kết đóng góp 3 tỷ USD cho 1 quỹ quốc tế tài trợ cho những đất nước bị ảnh hưởng nặng nhất. Tính đến thời điểm Trump bước chân vào Nhà Trắng, mới chỉ có 1 tỷ USD được chuyển đi và ông đã tuyên bố sẽ không tiếp tục chi tiền (dù quyết định cuối cùng là do Quốc hội Mỹ).

Điều gì xảy ra tiếp theo?

Theo các điều khoản của hiệp định, ông Trump sẽ phải đợi đến tháng 11/2019 mới có thể chính thức nộp đơn xin rút. Sau đó nước Mỹ phải chờ thêm 1 năm trước khi chính thức được gạch tên. Do đó quyết định có thể bị đảo ngược bởi Tổng thống tiếp theo hoặc chính bản thân ông Trump. Đây sẽ là vấn đề trọng tâm trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2020.

Có tác động gì đến kinh tế Mỹ?

Quyết định ngày hôm nay có thể thúc đẩy các ngành sản xuất thải nhiều khí CO2 như than đá hoặc công nghiệp nặng, đồng thời giảm nhu cầu về những nhiên liệu sạch như năng lượng mặt trời hay điện gió.

Các công ty Mỹ xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài có thể phải chịu thêm những hàng rào thuế quan và phi thuế quan mới nếu như các nước phản ứng bằng cách áp đặt thuế liên quan đến carbon hay các hình phạt khác lên hàng hóa Mỹ.

Người tiêu dùng các nước cũng có thể tẩy chay hàng hóa Mỹ để phản đối.

Ông Trump nói rằng việc làm cho người Mỹ là lý do chính để quyết định rút khỏi hiệp định Paris. Tuy nhiên, các nghiên cứu (được tài trợ bởi ngành năng lượng mặt trời) cho thấy hiện số người Mỹ làm việc trong ngành này còn nhiều hơn so với số lượng công nhân làm cho các công ty than đá. Và kể cả khi sản lượng than đá khai thác được tăng lên đi chăng nữa, không thể chắc chắn điều đó đồng nghĩa với tăng việc làm. Việc làm mất đi là do tự động hóa.

Trong khi đó những nhà môi trường học cảnh báo quyết định của ông Trump sẽ kéo lùi kinh tế Mỹ.

Ông Trump đã đúng khi nói rằng Ấn Độ và Trung Quốc trục lợi từ hiệp định Paris?

Hiệp định kêu gọi mỗi quốc gia tự đặt mục tiêu cắt giảm khí thải cho riêng mình. Trung Quốc cam kết lượng khí thải sẽ đạt đỉnh vào năm 2030, trong khi Ấn Độ tuyên bố sẽ giảm lượng khí thải trên mỗi đồng USD sản lượng kinh tế. Tuy nhiên lượng khí thải của Ấn Độ vẫn đang tăng lên.

Ông Trump có phần đúng khi cách đây chục năm Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành nước có nhiều khí thải nhất, và hiện đã cao gấp đôi so với Mỹ.

Cam kết của Trung Quốc và Ấn Độ đều “nhẹ cân” hơn so với Mỹ (Mỹ cam kết cắt giảm tối thiểu 26% lượng khí thải so với năm 2005). Hai nước lập luận rằng nền kinh tế của họ kém phát triển hơn Mỹ và do đó chưa sẵn sàng để đưa ra 1 con số cụ thể về mức cắt giảm.

Thu Hương

Bloomberg, NYT

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên