MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tổng thống Trump và những lầm tưởng về một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc

04-03-2017 - 08:16 AM | Tài chính quốc tế

Theo một xã luận được đăng trên Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc, máy bay Boeing, iPhone, đậu nành và cả du học sinh Trung Quốc ở Mỹ được xem là những mục tiêu trả đũa có thể xảy ra.

Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump đã cam kết sẽ liệt Trung Quốc vào nước thao túng tiền tệ ngay trong ngày đầu nhậm chức. Ông cũng đe dọa áp thuế trừng phạt tới 45% lên hàng Trung Quốc để xóa bỏ tình trạng thâm hụt thương mại của Mỹ với nước này. Đến nay đã là hơn 1 tháng sau khi nước Mỹ chính thức có Tổng thống mới, vẫn chưa có bất kỳ động thái mạnh mẽ nào được đưa ra.

Song, mối đe dọa thực sự với quan hệ Mỹ- Trung có thể không đến từ 100 ngày đầu nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump. “Đó là một hoặc hai năm sau khi chính sách kích thích tài khóa đi vào hoạt động và thâm hụt thương mại nới rộng”, Marcus Noland, phó chủ tịch Viện kinh tế quốc tế Peterson, một tổ chức nghiên cứu độc lập ở Washington cho biết.

Đề xuất giảm thuế và tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và quốc phòng của ông Trump sẽ là một chương trình kích thích tài khóa lớn. Điều này sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng trong ngắn hạn nhưng lại nới rộng thâm hụt ngân sách, làm tăng lãi suất và giá đồng USD.

“Những gì có thể xảy ra là phiên bản tồi của chính quyền Ronald Reagan trong nhiệm kỳ đầu tiên. Khi ấy, thâm hụt thương mại của Mỹ gia tăng khiến vị cố tổng thống phải tăng cường các biện pháp bảo hộ thương mại”, Noland phát biểu trong một hội thảo ở Hồng Kông vào hôm 9/1.

Peter Navarro, cố vấn kinh tế của ông Trump, ví đề xuất của người sếp mình với chính sách thuế quan Reagan áp đặt lên ô tô và thép xuất khẩu của Nhật Bản đề bảo vệ kinh tế Mỹ trong thập niên 1980. Navarro nói vị tổng thống mới sẽ “bảo vệ nước Mỹ khỏi những kẻ gian lận” và buộc Trung Quốc phải tuân thủ luật chơi.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tỏ ra ngờ vực về chính sách của ông Trump. “Ông ấy cứ nghĩ là Trung Quốc sẽ bó tay chịu trận như Nhật Bản đã làm hồi chiến tranh lạnh”, Noland nói. Khi ấy, Nhật Bản buộc phải tuân thủ các hạn chế thương mại vì Mỹ là nước bảo hộ chính trị và quân sự quan trọng nhất của nước này.

Thời thế đã khác

Tình hình hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc là rất khác. Bắc Kinh đã khẳng định, họ sẵn sàng trả đũa nếu ông Trump áp mức thuế quan mới lên hàng Trung Quốc. Theo một xã luận được đăng trên Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc, máy bay Boeing, iPhone, đậu nành và cả du học sinh Trung Quốc ở Mỹ được xem là những mục tiêu trả đũa có thể xảy ra.

Một nghiên cứu gần đây của Viện Peterson ước tính, một cuộc chiến thương mại do Mỹ phát động có thể khiến nước này mất đi 4 triệu việc làm trong khu vực tư nhân, đẩy nước Mỹ vào suy thoái. Các ngành phụ thuộc xuất khẩu, sản xuất hàng cho các lĩnh vực như công nghệ thông tin, hàng không và chế tạo có thể bị ảnh hưởng nặng nề. Điều này cũng gây ra tác động xấu tới các khu vực không liên quan trực tiếp tới thương mại quốc tế như phân phối bán lẻ và nhà hàng.

Ngân hàng OCBC ở Singapore cũng đã lên tiếng cảnh báo về các hệ quả tiêu cực từ chính sách kinh tế của ông Trump. “Nguy cơ suy thoái sẽ trở thành hiện thực dưới chính sách mới của ông Trump”, kinh tế gia trưởng của ngân hàng, Richard Jerram nói. Mặc dù kích thích tài khóa sẽ bổ sung áp lực lạm phát cho kinh tế Mỹ mà gần chạm ngưỡng giới hạn, các hàng rào thuế quan mới cao hơn sẽ làm thương mại toàn cầu xấu đi.

Vậy thì ai sẽ bại trận trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung?

“Cả hai đều sẽ thua vì đó là bản chất của thương mại”, Noland nói. Ông cho biết thêm, đây sẽ là cuộc chiến thương mại gây ra suy thoái kinh tế. Nghiên cứu của Viện Peterson cũng chỉ ra, nạn nhân của cuộc chiến sẽ là những người dễ tổn thương nhất. Họ là những người làm công việc chân tay và có kỹ năng thấp. Trớ trêu thay, đây lại là những người ủng hộ ông Trump mạnh mẽ nhất trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua.

Trước đó, ông Trump cũng đe dọa áp thuế 35% lên hàng xuất khẩu của Mexico và xây một bức tường trên biên giới phía nam nước Mỹ để ngăn chặn nhập cư, nhờ đó giúp người Mỹ thất nghiệp “tìm được công việc tốt”. Nhưng những người chỉ trích như Noland cho rằng, nếu ông Trump định đẩy nước láng giềng vào suy thoái, ông chỉ đang làm điều ngược lại. Nước Mỹ cuối cùng sẽ phải đón nhận làn sóng nhập cư trái phép còn lớn hơn hiện tại.

Long Nam

Nikkei

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên