MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Top 10 địa phương thu hút đầu tư FDI lớn nhất

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế đến hết năm 2023, Việt Nam thu hút được 39.140 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đăng ký đạt 468,917 tỷ USD; trong đó, 10 địa phương thu hút nhiều FDI nhất, bao gồm: Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Long An và Quảng Ninh.

Top 10 địa phương thu hút đầu tư FDI lớn nhất - Ảnh 1.

Dây chuyền sản xuất thiết bị điện tử, thiết bị thắp sáng trong xe ô tô, xe máy tại Công ty TNHH Điện Việt Nam Stanley (vốn đầu tư của Nhật Bản) tại Hà Nội. Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Dẫn đầu trong top 10 địa phương thu hút FDI lớn nhất là Tp. Hồ Chí Minh với 12.398 dự án, có tổng vốn đăng ký 57,632 tỷ USD, chiếm 31,67% tổng số dự án FDI cả nước và gần 13% tổng vốn đăng ký.

Xếp thứ 2 là Tp. Hà Nội với 7.363 dự án, có tổng vốn đăng ký 41,170 tỷ USD, chiếm 18,8% tổng số dự án và 8,77% tổng vốn FDI đăng ký đầu tư vào Việt Nam. Xếp vị trí thứ 3 trong số các địa phương thu hút nhiều FDI là Bình Dương với 4.217 dự án và 40,4 tỷ USD, chiếm 10,7% tổng số dự án và 8,6% tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam.

Riêng trong năm 2023, Việt Nam thu hút được 36,6 tỷ USD vốn ngoại; trong đó những địa phương dẫn đầu là: Tp. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Thái Bình, Hà Nội, Bắc Ninh, Nghệ An, Bình Dương, Đồng Nai. Theo đó, Tp. Hồ Chí Minh tiếp tục là địa phương dẫn đầu với tổng vốn đăng ký 5,85 tỷ USD, chiếm gần 16% tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam trong năm.

Top 10 địa phương thu hút FDI thấp nhất của Việt Nam tính lũy kế đến năm 2023, bao gồm: Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Gia Lai, Sơn La, Cà Mau, Tuyên Quang và Đồng Tháp. Trong đó, theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), hai tỉnh Lai Châu, Điện Biên chỉ thu hút được 1 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký rất nhỏ, chỉ lần lượt 1,5 triệu USD và 3 triệu USD.

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dòng vốn FDI thời gian qua vẫn tập trung vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư, ví dụ như cơ sở hạ tầng thuận lợi, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư như: Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu…

Mới đây, tại “Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành kế hoạch và đầu tư”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, vị trí, vai trò của Việt Nam trong dòng chảy FDI toàn cầu tiếp tục được nâng lên. Việt Nam không chỉ là điểm đến đầu tư hấp dẫn, với số vốn FDI đăng ký năm 2023 đạt khoảng 36,6 tỷ USD, tăng trên 32%, mà còn chủ động, tích cực đầu tư ra bên ngoài, sang cả các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Canada… và trong các ngành, lĩnh vực công nghiệp mới.

Cùng với đó, Việt Nam đã thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, kinh tế số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành kinh tế mới như: sản xuất chíp, bán dẫn, nông nghiệp công nghệ cao, đào tạo nhân lực chất lượng cao, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, hỗ trợ đầu tư ra nước ngoài… để phát huy tốt hơn cơ hội từ cạnh tranh chiến lược nước lớn, chuyển dịch dòng vốn FDI toàn cầu, các FTA, quan hệ đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện, nhất là với các nền kinh tế lớn.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cũng cho rằng, đầu tư nước ngoài trong tình hình mới còn nhiều vấn đề cần giải quyết; đó là việc vận dụng, triển khai thực hiện hiệu quả cao nhất Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030; đặc biệt, trước những thay đổi của bối cảnh toàn cầu và khu vực, cạnh tranh chiến lược nước lớn, xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư toàn cầu.

“Việt Nam là điểm sáng toàn cầu trong thu hút FDI, nhưng liên kết giữa khu vực FDI và doanh nghiệp trong nước còn yếu, thiếu gắn kết, chưa thúc đẩy mạnh mẽ chuyển giao công nghệ và cải thiện vị trí trong các chuỗi giá trị toàn cầu”, Thứ trưởng Phương lưu ý.

Để tăng cường thu hút FDI trong năm 2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị. Theo đó, Bộ đã chủ trì, trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản chỉ đạo trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài, đầu tư ra nước ngoài, xúc tiến đầu tư.

Mặt khác, Bộ này cũng đã chủ động nghiên cứu, đánh giá tác động của thuế suất thuế tối thiểu toàn cầu tới thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và đề xuất giải pháp thu hút, hỗ trợ đầu tư mới áp dụng trong bối cảnh thực thi thuế tối thiểu toàn cầu; nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư FDI vào công nghệ chip, bán dẫn, hydrogen xanh…

Theo Thúy Hiền

Báo tin tức

Trở lên trên