MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TP HCM khơi nguôn sáng tạo, phát triên đô thị thông minh

GS-TS Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM - đã dành cho Báo Người Lao Động cuộc trao đổi thân tình về những nội dung quan trọng.

Vững vàng là thành phố đầu tàu

Phóng viên: 2018 là một trong những năm mà TP HCM phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP HCM vẫn đạt được nhiều thành tích đáng trân trọng, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế. Thưa GS, những thành tích nổi bật nhất về kinh tế là gì?

- GS-TS NGUYỄN THIỆN NHÂN: Năm 2018 được xác định là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều thuận lợi, thời cơ và thách thức đan xen phức tạp. Với sự đoàn kết, gắn bó, nỗ lực không ngừng, tích cực sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP HCM đã đạt được nhiều thành tích. Nổi bật là kinh tế của TP đạt và vượt nhiều chỉ tiêu quan trọng, giữ vững vị trí và trách nhiệm là đầu tàu phát triển kinh tế của cả nước. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt hơn 1,33 triệu tỉ đồng, tăng 8,3%; chiếm 23,97% GDP cả nước, cao hơn năm 2016 và 2017 (23,4%). Thu ngân sách đạt 378.543 tỉ đồng, vượt kế hoạch, chiếm 27,8% tổng thu ngân sách cả nước, bình quân mỗi ngày thu ngân sách 1.037 tỉ đồng, đứng đầu các tỉnh, TP. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài 3 năm 2016-2018 là 17,8 tỉ USD, đứng đầu cả nước. Năng suất lao động của TP là 293 triệu đồng/lao động, gấp 2,93 lần bình quân cả nước (100,3 triệu đồng/lao động), dẫn đầu cả nước. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 38,32 tỉ USD, đứng đầu cả nước, tăng 7,8% so cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư xã hội đạt 35% so GRDP. TP HCM cũng đã thu hút 7,5 triệu lượt khách quốc tế, dẫn đầu các tỉnh, thành, chiếm khoảng 50% tổng lượng khách quốc tế của cả nước.

TP HCM khơi nguôn sáng tạo, phát triên đô thị thông minh - Ảnh 1.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân Ảnh: hoàng triều

Diễn đàn Kinh tế TP HCM lần đầu tiên được tổ chức năm 2018 với chủ đề "Kiến tạo đô thị sáng tạo, tương tác - Vai trò động lực của doanh nghiệp (DN)" thu hút sự tham gia của hơn 800 học giả, chuyên gia kinh tế, nhà quản lý, doanh nhân trong nước và quốc tế. Thông qua diễn đàn, TP HCM đã thu hoạch được nhiều bài học quan trọng, đặc biệt từ việc quản lý phát triển các TP sáng tạo, khu đô thị sáng tạo tại 6 quốc gia: Nhật Bản, Phần Lan, Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc và Israel. Diễn đàn là tiếng nói góp phần cho chính quyền TP cùng cộng đồng DN quyết liệt thực hiện các giải pháp nhằm biến ý tưởng thành những kết quả thiết thực và cụ thể, phát huy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo, xây dựng thành công đô thị thông minh.

Thưa GS, năm 2018, TP HCM đã hoàn thành trước thời hạn 2 năm mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo giai đoạn 2016-2020. Đây cũng là một trong những thành công lớn của TP chúng ta?

- Kết thúc năm 2018, công tác giảm nghèo đã đạt dấu mốc quan trọng khi chỉ qua 3 năm 2016-2018, có hơn 59.600 hộ nghèo vượt chuẩn nghèo và hơn 58.300 hộ cận nghèo vượt chuẩn cận nghèo; TP HCM hoàn thành mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo TP giai đoạn 2016-2020 trước thời hạn 2 năm. TP cơ bản không còn hộ nghèo, cận nghèo có thành viên thuộc diện chính sách có công.

Từ kết quả tích cực đã đạt được, tại kỳ họp cuối năm 2018 của HĐND TP, UBND TP đã trình và được thông qua việc điều chỉnh mức chuẩn hộ nghèo và hộ cận nghèo TP giai đoạn 2019-2020, theo đó, tiêu chí thu nhập hộ nghèo bình quân 28 triệu đồng/người/năm trở xuống và mức chuẩn hộ cận nghèo có thu nhập từ hơn 28 triệu đồng đến 36 triệu đồng/người/năm và giữ nguyên 5 chiều với 11 chỉ số thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản cho phù hợp với tình hình đời sống người dân và phát triển kinh tế - xã hội của TP. Từ đây, công tác giảm nghèo của TP HCM bước sang chặng đường mới với mục tiêu cao hơn, khó khăn hơn, cần sự nỗ lực quyết tâm nhiều hơn từ tất cả các cấp, các ngành để hiện thực hóa mong muốn ngày càng nâng cao chất lượng đời sống người dân TP.

Khơi nguồn sáng tạo

Ban Chấp hành Đảng bộ TP HCM đã xác định con người là nguồn vốn mà TP có nhiều nhất (TP có hơn 9 triệu người dân, trong đó có 4,5 triệu người lao động), chất lượng cao (hơn 81% đã qua đào tạo nghề, gần 30% có trình độ cao đẳng, đại học) và cần phải phát huy tốt nhất. Đây có phải là tư tưởng xuyên suốt để TP nỗ lực khơi nguồn sáng tạo trong lực lượng lao động rất đông đảo của mình hay không?

- Chắc chắn rằng con người chính là nguồn vốn lớn nhất, quý giá nhất mà TP HCM có thể huy động và phát huy trong thời gian tới. 4,5 triệu lao động là tài nguyên có sẵn của TP, với truyền thống sáng tạo qua hàng trăm năm đấu tranh khai phá, giữ nước và phát triển ở vùng đất phương Nam, nguồn tài nguyên này, suy cho cùng chính là nguồn lực và động lực sáng tạo. Israel là một quốc gia nhỏ ở Trung Đông, chỉ với diện tích hơn 22.000 km2, trong đó có đến gần 3/4 diện tích là sa mạc, 1/4 diện tích là đồi núi; dân số chỉ khoảng 8,6 triệu người nhưng nếu xét tỉ lệ số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp thành công trên tổng dân số thì Israel là quốc gia có khởi nghiệp sáng tạo thành công nhất thế giới hiện nay, GDP đầu người là hơn 42.000 USD Trong khi đó, TP HCM có hơn 9 triệu dân, là nơi tập trung nhiều trường đại học, trung tâm, viện nghiên cứu với đội ngũ trí thức đông đảo. 30 năm qua, TP HCM là địa phương có truyền thống sáng tạo và đã đóng góp tích cực vào quá trình đổi mới, phát triển của đất nước ta. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang ngày càng tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống, TP cần tập trung khơi dậy và phát huy mạnh mẽ nhất nguồn lực sáng tạo trong lực lượng lao động, đặc biệt là trong lực lượng lao động trẻ, trong công nhân, đội ngũ trí thức, doanh nhân và cán bộ, công chức.

Vậy có thể xem "Giải thưởng Sáng tạo TP HCM" là một trong những hoạt động cụ thể để khơi dậy tiềm năng sáng tạo còn rất to lớn của TP HCM, thưa GS?

- Vâng! Thời gian qua, TP HCM đã triển khai các phong trào sáng tạo cho từng nhóm đối tượng khác nhau thông qua các giải thưởng, cuộc thi, hội thi như: Giải thưởng đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; hội thi sáng tạo kỹ thuật; cuộc thi sáng tạo thanh thiếu nhi; giải thưởng sáng chế TP HCM, Giải thưởng Tôn Đức Thắng, giải thưởng công nghệ thông tin và truyền thông TP; giải thưởng văn học nghệ thuật TP HCM, giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học - Euréka… Kết quả đạt được từ các giải thưởng đã chứng tỏ tính năng động, sáng tạo của TP. Tuy nhiên, tiềm năng nghiên cứu sáng tạo, đổi mới của TP còn rất lớn.

Nhằm phát huy tiềm năng ấy và khơi dậy nguồn sáng tạo ngày càng sâu sắc hơn nữa, đưa sáng tạo trở thành một xu hướng của cả xã hội, hình thành hệ sinh thái sáng tạo ở TP, TP HCM đã phát động Giải thưởng Sáng tạo lần thứ nhất vào tháng 12-2018. Giải thưởng được tổ chức 2 năm/lần nhằm tôn vinh các tập thể, cá nhân ở 7 nhóm lĩnh vực: kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng; tác phẩm, sáng tác của văn nghệ sĩ; cải cách hành chính; các sản phẩm truyền thông sáng tạo; các giải pháp, mô hình triển khai thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; các mô hình khởi nghiệp sáng tạo có hiệu quả cao; các công trình nghiên cứu khoa học cơ bản mới, trình độ quốc gia và quốc tế.

Giải thưởng nhằm vinh danh các tập thể, cá nhân lao động xuất sắc trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, từ đó khẳng định khả năng sáng tạo to lớn và đóng góp của người lao động sáng tạo TP hôm nay.

Văn hóa và truyền thống sáng tạo, giáo dục - đào tạo để biết cách sáng tạo, truyền thống cổ vũ sáng tạo, các chính sách hỗ trợ lao động sáng tạo, phong trào lao động sáng tạo của các tầng lớp nhân dân và tuyên dương, vinh danh người sáng tạo - đó là 6 cấu phần của hệ sinh thái sáng tạo bắt đầu được thúc đẩy phát huy tác dụng ở TP HCM.

Thúc đẩy khởi nghiệp,xây dựng đô thị thông minh

Từ kinh nghiệm của các nước có phong trào khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo thành công như Israel, Mỹ, Nhật Bản, Singapore… và quá trình nghiên cứu, trải nghiệm của bản thân, xin GS cho biết để khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo thành công cần có những yếu tố nào?

- Có rất nhiều bài học và kinh nghiệm được rút ra nhưng theo tôi, có một số yếu tố cơ bản có tác động lớn đến sự thành công của khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo của một quốc gia hay một địa phương. Thứ nhất là nền văn hóa phản biện, khuyến khích thay đổi, sáng tạo - tức là văn hóa sáng tạo. Thứ hai là tâm lý xã hội không sợ thất bại, dám học từ thất bại để thành công, luôn xem "thất bại là mẹ thành công". Thứ ba là cần có sự hỗ trợ đặc thù, hiệu quả của nhà nước, các nhà khoa học và các DN thông qua những chương trình (huấn luyện, thực tập, thực hành khởi nghiệp sáng tạo), dự án khởi nghiệp sáng tạo. Thứ tư là cần tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trên nền tảng hệ sinh thái sáng tạo với các chính sách đặc thù hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo: sự liên kết chặt chẽ giữa DN, người khởi nghiệp sáng tạo, các trường đại học, viện nghiên cứu, các quỹ đầu tư mạo hiểm và các nhà sản xuất. Thứ năm là vai trò quan trọng của các cơ quan truyền thông - báo chí trong việc phát hiện, làm lan tỏa các tấm gương thành công trong khởi nghiệp sáng tạo.

l Một trong những chủ trương lớn của TP HCM trong năm 2018 là xây dựng đô thị thông minh. Đây được xem là bước đột phá nhưng cũng đầy thách thức. GS đánh giá về việc này như thế nào?

- TP HCM đã triển khai đề án "Xây dựng TP HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn năm 2025". Trong đó trọng tâm trước tiên là triển khai xây dựng 4 cấu phần cốt lõi cấp TP: Kho dữ liệu dùng chung và hệ sinh thái dữ liệu mở, trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội, trung tâm điều hành và trung tâm an ninh mạng và an toàn thông tin. Các cấu phần cốt lõi cấp TP này vừa phục vụ cho lãnh đạo TP vừa hỗ trợ rất hiệu quả cho các DN phát triển bền vững vừa tạo nền tảng cho thông minh hóa các lĩnh vực: giáo dục, y tế, giao thông, quản lý xây dựng, quản lý môi trường, bảo đảm an ninh, an toàn xã hội, phát triển du lịch, công dân thông minh…

Các nội dung kế hoạch đã được triển khai khẩn trương, bảo đảm tiến độ: Kho dữ liệu dùng chung và hệ sinh thái dữ liệu mở tập trung vào xây dựng cơ sở dữ liệu trong lĩnh vực quản lý DN, người dân và hạ tầng đô thị; trung tâm điều hành đang xây dựng phương án, thiết kế cho hệ thống giám sát, tích hợp camera dùng chung cho TP, mở rộng Cổng thông tin tiếp nhận sự cố hạ tầng kỹ thuật 1022 thành Cổng thông tin tiếp nhận và giải đáp thông tin cho người dân, DN và tổ chức; mời gọi đầu tư trung tâm điều hành giao thông thông minh theo hình thức hợp tác công - tư (PPP). Việc xây dựng trung tâm an ninh mạng và an toàn thông tin đã hoàn thành Đề án thành lập Công ty Cổ phần Vận hành Trung tâm An toàn thông tin TP HCM. Việc xây dựng trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội của TP đã hoàn thành dự thảo đề án thành lập, đầu năm 2019 ra mắt phòng mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội nhằm trước mắt phục vụ công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XI.

TP HCM đã có những bước khởi đầu tích cực trong hành trình hướng đến đô thị thông minh và trong năm 2019, người dân TP, các DN và cán bộ, công chức sẽ bắt đầu được tiếp nhận các dịch vụ thông minh trên nhiều lĩnh vực theo nhu cầu của mình và phục vụ phát triển TP nhanh hơn, bền vững hơn.

Những kết quả đạt được của năm 2018 là cơ sở để TP HCM bước vào năm 2019 "Năm đột phá thực hiện cải cách hành chính và Nghị quyết 54 của Quốc hội" là năm tăng tốc thực hiện quyết liệt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ X và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

Nhân dịp năm mới Kỷ Hợi 2019, tôi kính chúc tất cả quý bạn đọc của Báo Người Lao Động và nhân dân TP HCM một năm mới Đoàn kết, Sáng tạo hơn, Kỷ cương hơn, Tiến bộ hơn và Hạnh phúc hơn.

Xin trân trọng cảm ơn GS!


Đạt nhiều kết quả tích cực

Đến nay, UBND TP HCM đã trình và được HĐND TP, Thường trực HĐND thảo luận, thông qua 16 nội dung cụ thể triển khai Nghị quyết 54 của Quốc hội. Bước đầu đã đạt một số kết quả tích cực; các cơ chế, chính sách ban hành đã góp phần sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức; khuyến khích, nâng cao hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức, viên chức; đẩy mạnh thu hút các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt tham gia đóng góp cho sự phát triển của TP; khuyến khích các cơ sở sản xuất tiết kiệm hơn nữa việc sử dụng nước sạch; lòng đường, vỉa hè trên 23 tuyến đường thu phí đỗ ôtô trở nên thông thoáng; tiến độ thực hiện các dự án nhóm A và các dự án có chuyển mục đích sử dụng đất lúa trên 10 ha được đẩy nhanh hơn khá nhiều; việc thực hiện ủy quyền cho sở, ban - ngành, quận - huyện thực hiện các thủ tục hành chính sẽ giúp tiết kiệm chi phí, thời gian, thủ tục, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, DN.

Theo GS-TS NGUYỄN THIỆN NHÂN

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên