MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TPHCM đề xuất 'siêu dự án' cảng trung chuyển quốc tế 6 tỷ USD tại Cần Giờ

TPHCM đề xuất 'siêu dự án' cảng trung chuyển quốc tế 6 tỷ USD tại Cần Giờ

Nhà đầu tư của cảng này là liên danh Tập đoàn Vận tải biển MSC - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - Công ty CP Đầu tư Khu cảng Cù lao Phú Lợi. Với quy mô 7,2 km cầu cảng, cảng có thể tiếp nhận tàu container trọng tải lớn nhất thế giới hiện nay.

Ngày 1/7, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, đã kiến nghị khẩn Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải phối hợp TPHCM đánh giá lợi thế, cơ hội và khả năng đáp ứng các điều kiện hình thành cảng trung chuyển quốc tế tại huyện Cần Giờ.

Theo đó, dự án Cảng trung chuyển quốc tế tại huyện Cần Giờ có quy mô 7,2 km cầu cảng, tiếp nhận tàu container trọng tải lớn nhất thế giới hiện nay (24.000 Teus). Công suất thông qua của cảng này 10-15 triệu Teus. Tổng mức đầu tư khoảng 6 tỷ USD.

Dự kiến, công trình được phân kỳ thành 7 giai đoạn đầu tư. Trong đó, thời gian xây dựng và hoàn thành giai đoạn 1 là 2024-2027. Giai đoạn cuối được đầu tư và đưa vào khai thác là vào năm 2040.

Theo UBND TPHCM, bến Cần Giờ ở cửa sông Cái Mép mực nước sâu, nằm trên các tuyến hàng hải quốc tế, có thể đáp ứng tàu tải trọng lớn như các tuyến ở châu Âu, Phi, Mỹ. Đây là điều kiện thuận lợi hình thành cảng container quốc tế, tạo lợi thế cạnh tranh với các nước trong khu vực cũng như đột phá phát triển kinh tế biển thành phố và cả nước.

Để hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện các thủ tục tiếp theo, UBND TPHCM kiến nghị Thủ tướng giao các bộ ngành liên quan đánh giá lợi thế, khả năng đáp ứng các điều kiện... để hình thành khu cảng. TPHCM cũng kiến nghị Trung ương xem xét, đề xuất điều chỉnh quy hoạch cảng biển khu bến Cần Giờ.

TPHCM đề xuất siêu dự án cảng trung chuyển quốc tế 6 tỷ USD tại Cần Giờ - Ảnh 1.

Dự án Cảng trung chuyển quốc tế tại huyện Cần Giờ có quy mô 7,2 km cầu cảng, tiếp nhận tàu container trọng tải lớn nhất thế giới hiện nay.

UBND TPHCM cho biết sản lượng thông qua cảng biển trên địa bàn liên tục tăng trưởng qua các giai đoạn 2015-2020, 2021-2025. Đặc biệt trong năm 2021, sản lượng hàng hóa qua cảng biển TPHCM đạt 164,19 triệu tấn, tăng 40% so với quy hoạch năm 2020 là 116,9 triệu tấn và vượt 2,63% so với quy hoạch đến năm 2030 là gần 160 triệu tấn.

TPHCM đánh giá việc sớm triển khai các cảng container của cảng biển TPHCM giai đoạn 2021-2030 là cần thiết để đáp ứng nhu cầu loại hình này ở hiện tại lẫn tương lai cho TPHCM và cả nước.

Hồi giữa tháng 4, tại Hội thảo “Tạo đà phục hồi của thị trường bất động sản phía Nam”, bà Lã Hồng Hạnh - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, Tập đoàn Vận tải biển MSC (tập đoàn lớn nhất thế giới về vận tải biển) đã đề xuất liên danh Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - Công ty CP Đầu tư Khu cảng Cù lao Phú Lợi ở huyện Cần Giờ, khu vực sông Cái Mép để trở thành cảng trung chuyển quốc tế với quy mô 13 bến chính, tiếp nhận tàu mẹ với trọng tải lên tới 250.000 DWT (tương đương 24.000 Teus) và tàu gom hàng (feeder) trọng tải 10.000-65.000 DWT, chiều dài khoảng 6,8 km. Công suất thiết kế 15 triệu Teus (trong đó khoảng 80% là hàng trung chuyển quốc tế; khoảng 20% là hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam).

Bà Hạnh đánh giá đây là cơ hội rất lớn đối với TPHCM khi lượng hàng trước đây trung chuyển tại Singapore sẽ chuyển sang trung chuyển tại Việt Nam. Tổng mức đầu tư dự kiến cho dự án này là khoảng 135.355 tỷ đồng (tương đương khoảng 5,9 tỷ USD). Năm 2025, dự kiến sẽ hoàn thành đầu tư giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư khoảng 660 triệu USD.

Theo bà Lã Hồng Hạnh, trong những năm qua, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông TPHCM đã được Trung ương và UBND TPHCM quan tâm đầu tư, một số công trình quan trọng mang tính động lực, lan tỏa đã hoàn thành tạo điều kiện cho phát triển kinh tế xã hội của TPHCM cũng như của cả khu vực Đông Nam Bộ và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt kế hoạch trung hạn 2021-2025 đã tập trung bố trí vốn để hoàn thiện các dự án về giao thông Vận tải trên địa bàn TPHCM và kết nối với các tỉnh lân cận.

Mở đường nối cao tốc với cảng Cát Lái

UBND TPHCM vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị mở tuyến đường chuyên dụng kết nối cảng Cát Lái-Phú Hữu với cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây để giải quyết bài toán kẹt xe triền miên cho tuyến giao thông huyết mạch độc đạo hiện hữu từ trước tới nay.

Tuyến đường mới này dài 6 km, rộng 60 m, 12 làn xe, vận tốc thiết kế 60 km/h, bắt đầu từ đường Nguyễn Thị Định, qua đường Nguyễn Thị Tư rồi đi qua rạch Bà Cua, Ông Nhiêu và kết thúc tại nút giao đường Vành đai 3 TPHCM và cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây.

TPHCM đề xuất siêu dự án cảng trung chuyển quốc tế 6 tỷ USD tại Cần Giờ - Ảnh 2.

Đường ra vào cảng Cát Lái thường xảy ra kẹt xe.


Lý giải về kiến nghị mở thêm tuyến đường này, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, cảng Tân Cảng - Cát Lái nằm trên sông Đồng Nai thuộc khu đông bắc của TPHCM là cảng trọng điểm, quan trọng đối với xuất nhập khẩu hàng hóa của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và TPHCM.

Hiện nay, sản lượng hàng container của cảng Cát Lái chiếm khoảng 85% so với các cảng phía Nam và 50% so với các cảng trên cả nước. Giao thông ra vào khu vực cảng Cát Lái và cảng Phú Hữu gần đó đang rất khó khăn, tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra, gây mất an toàn giao thông trong khu vực.

Trong quá trình nghiên cứu, lập quy hoạch chung TP.Thủ Đức, TPHCM thấy cần thiết nghiên cứu bổ sung quy hoạch, đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối cảng Cát Lái-Phú Hữu với cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây và đường Vành đai 3 TPHCM.

Các phương tiện trên tuyến đường này được tổ chức đi từ khu vực cảng vào đường Vành đai 3, vào cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây và ngược lại. Để làm tuyến đường này sẽ phải giải toả khoảng 59 ha đất và cần điều chỉnh một số quy hoạch hiện nay. Vì vậy, TPHCM kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải có ý kiến với các phương án xây dựng tuyến đường, để có cơ sở triển khai các đầu việc tiếp theo.

Theo Duy Quang

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên