MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TP.HCM lên kế hoạch quy hoạch lại đô thị dọc hai bờ sông Sài Gòn

11-09-2019 - 15:53 PM | Bất động sản

Ngày 10/9, UBND TPHCM đã tổ chức hội thảo “Quy hoạch và phát triển bờ kè sông Sài Gòn và sông, kênh nội thành và các giải pháp để hoàn thành cơ bản kè sông Sài Gòn, sông và kênh nội thành vào năm 2025”

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết, TPHCM đã và đang tìm cách tổ chức lại để có điều kiện phát triển mới, tạo bước đột phá, xây dựng đô thị thân thiện với môi trường chứ không phải là bê tông. TPHCM đã xây dựng nhiều dự án bờ bao, bờ kè và luôn chủ trương phát triển hướng đến sông nước, như dành một khu vực trong khu đô thị Thủ Thiêm quy hoạch là châu thổ Nam bộ, cho ngập tự nhiên.

Từ đây, TPHCM sẽ xây dựng quy hoạch, khung pháp lý, quy chế quản lý đầy đủ, trong đó xác định cụ thể vai trò của Nhà nước và người dân, doanh nghiệp cũng như có chế tài đủ mạnh để xử lý vi phạm. TPHCM sẽ xây dựng kế hoạch phát triển, kêu gọi đầu tư một số dự án trọng điểm như cải tạo rạch Xuyên Tâm, kênh Tham Lương…. Việc xây dựng bờ kè sẽ đi từ thấp đến cao, từ đường đất, đến bê tông, đường nhựa. Về nguồn lực, TPHCM sẽ có nhiều cơ chế huy động, xây dựng một số vùng đệm vừa khai thác vừa bảo vệ.

"TPHCM phải hướng đến đô thị sông nước. Khi dự án chống ngập vùng trung tâm hoàn thành, TPHCM sẽ là đô thị sông nước, vừa sạch xanh lại vừa có cả hồ cảnh quan. Mọi hoạt động đầu tư xây dựng của doanh nghiệp, nhà dân, hoặc quy hoạch phát triển kinh tế hạ tầng, chúng ta đều hướng tới đến xây dựng đô thị sông nước.

PGS- TS Nguyễn Hồng Thục, Viện Nghiên cứu định cư, cho rằng, TPHCM đưa quỹ đất và không gian kênh rạch, sông nước Sài Gòn vào phát triển là định hướng rất đúng đắn. TPHCM cần có khung phát triển hệ thống kênh rạch để có tầm nhìn tổng thể, đồng thời có sự mềm dẻo trong kết nối, không thể tách từng dự án ra khỏi hệ thống khi TP đang bị lún và chịu ảnh hưởng của nước biển dâng. Đề nghị TPHCM xây dựng bản đồ địa lý thủy văn để điều hành chung, cũng như kết nối TP cũ với sự mềm mại của hạ tầng xanh mới.

Ông Đỗ Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia, đề nghị xây dựng một đề án tổng thể, đưa việc tổ chức dòng sông vào đồ án quy hoạch chung TPHCM đợt này. Đây là nền tảng để tính toán việc nên như thế nào đối với bờ kè sông rạch.

TP.HCM lên kế hoạch quy hoạch lại đô thị dọc hai bờ sông Sài Gòn - Ảnh 1.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM, cho rằng điểm nhấn đặc sắc của TPHCM là sông Sài Gòn và các kênh, rạch nội thành và khu vực ngoại thành. Đây là nguồn tài nguyên quý giá mà tự nhiên ban tặng cho TPHCM, chẳng những có giá trị cao về cảnh quan, môi trường, giao thông, mà nếu có cơ chế chính sách phù hợp thì còn tạo ra nguồn lực lớn về kinh tế và phát triển du lịch.

Tuy nhiên, theo ông Châu do chưa được quy hoạch tổng thể, chưa được kè bờ và tình trạng sông rạch bị lấn chiếm, bị sạt lở, bị ô nhiễm nghiêm trọng đã làm cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân TPHCM, nhất là các đối tượng sống trên và ven kênh rạch.

Từ đó, ông Châu đưa ra 4 kiến nghị để phát triển bờ kè Sông Sài Gòn và sông, rạch, kênh nội thành.

Thứ nhất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai để quy định giao đất cho chủ đầu tư dự án đến đến mép bờ cao sông rạch. Đồng thời quy định cơ chế quản lý quỹ đất thuộc hành lang bảo vệ sông rạch.

Thứ hai, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng quy định thực hiện quy hoạch chi tiết phân khu đối với bờ kè và hành lang bảo vệ sông rạch trên địa bàn đô thị nhằm tôn tạo cảnh quan, môi trường, phát huy lợi ích kinh tế, văn hóa, xã hội trong quá trình khai thác, sử dụng quỹ đất ven sông rạch và nâng cao hiệu lực công tác quản lý nhà nước.

Thứ ba, đề nghị xây dựng quy chế quản lý, sử dụng, khai thác kinh doanh đối với quỹ đất thuộc hành lang bảo vệ sông rạch để thực hiện thống nhất.

Thứ tư, kiến nghị điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TPHCM và sửa đổi, bổ sung Quyết định 22/2017/QĐ-UB của Ủy ban nhân dân thành phố để thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước và khai thác nguồn lực kinh tế của quỹ đất thuộc hành lang bảo vệ sông rạch:

Hiện nay, đang trong quá trình điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TPHCM, Hiệp hội đề nghị Thành phố chỉ đạo rà soát kỹ quy hoạch hành lang bảo vệ sông rạch, trước hết là sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và các kênh, rạch nội thành; Không để tiếp tục tình trạng phát triển các tòa nhà cao tầng quá dày đặc, lấn át sông Sài Gòn, hoặc biến một phần không gian sông Sài Gòn thành không gian riêng của dự án nhà ở, nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất ven sông rạch vì lợi ích công cộng, đảm bảo cảnh quan, môi trường và phát triển bền vững.

Hiệp hội đề nghị giao đất dự án cho chủ đầu tư đến mép bờ cao sông rạch và quy định chủ đầu tư dự án có trách nhiệm đầu tư xây dựng bờ kè bảo vệ (kết hợp với nắn mép bờ cao theo phương thức bù trừ đất đai, để chỉnh trị dòng chảy và làm đẹp cảnh quan), đường ven sông, công viên, mảng xanh, các công trình dịch vụ phục vụ lợi ích công cộng trong khu vực quỹ đất thuộc hành lang bảo vệ sông rạch và được quyền khai thác, kinh doanh có thời hạn theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Đối với các dự án cũ trước đây mà chưa giao quỹ đất thuộc hành lang bảo vệ sông rạch thì đề nghị có cơ chế, chính sách khuyến khích các chủ đầu tư dự án đó hoàn thiện hệ thống hạ tầng, không xả thải ra sông rạch; đầu tư xây dựng bờ kè, đường ven sông, công viên, thảm cỏ, các công trình dịch vụ phục vụ lợi ích công cộng và được quyền khai thác, kinh doanh có thời hạn theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Ông Châu cũng đề nghị thực hiện phổ biến hình thức đấu thầu rộng rãi các quỹ đất thuộc hành lang bảo vệ sông rạch (còn lại) để lựa chọn nhà đầu tư khai thác, kinh doanh quỹ đất này có thời hạn. Tổ chức đấu thầu rộng rãi lựa chọn các nhà đầu tư có năng lực để thực hiện các dự án thu gom nước thải đô thị đưa về các nhà máy xử lý nước thải tập trung, kết hợp với kè bờ kênh rạch.

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, khẳng định, sông nước đối với TPHCM là tài nguyên thiên nhiên đặc biệt nên phải được sử dụng, phát triển tốt trong tương lai. Để phát huy được, TPHCM phải có định hướng chiến lược trong quy hoạch sông nước, gắn với quy hoạch kè bờ sông và sử dụng đất ven sông. Một khi có quy hoạch, xây dựng kè thì giá trị đất ven sông sẽ tăng cao. Đây là nguồn tài nguyên tài chính quan trọng, sẽ được dùng để tái đầu tư khu vực ven sông.

Bí thư Nhân đề nghị TPHCM cần phối hợp với các chuyên gia mô phỏng tình trạng ngập úng và thoát nước của thành phố, định hướng lại những giải pháp vĩ mô trong chống ngập. Ở nhóm vấn đề này, TPHCM sẽ cân nhắc đến khả năng xây đê chống ngập, thích ứng biến đổi khí hậu ở khu vực huyện Cần Giờ. Cùng với đó là làm rõ các giải pháp kỹ thuật xây kè sông đa chức năng nhanh với chi phí thấp.

Đặc biệt là tham khảo kinh nghiệm các nước xây dựng mô hình hợp tác xây dựng kè và phát triển đất ven sông. Mô hình này không chỉ theo hình thức đối tác công - tư (PPP), mà bên cạnh nhà nước, doanh nghiệp thì người dân cũng được tham gia. Việc này nhằm đảm bảo vừa thuận theo các quy luật tự nhiên (của tài nguyên nước), người dân khu vực đồng thuận và đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp (khi tham gia đầu tư) cùng chính quyền.


Nguyên Khang

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên