TP.HCM muốn xây dựng căn hộ 100 triệu đồng cho người dân
Quỹ đất sạch và cơ chế là 2 yếu tố chính giúp nhà đầu tư có thể làm nhà 100 triệu đồng cho người thu nhập thấp là công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất đang rất thiếu nhà ở.
- 21-10-2016Doanh nghiệp BĐS xoay sở thế nào khi vị cứu tinh cho nhà ở giá rẻ không còn?
- 02-10-2016Đề xuất thí điểm dự án nhà cho thuê giá rẻ 1,5 triệu đồng/tháng
- 29-09-2016Cần khuyến khích các dự án nhà ở cho thuê giá rẻ
- 21-09-2016Hà Nội: Lộc Ninh tạo ấn tượng nhà giá rẻ chỉ 580 triệu/căn
Cách đây hơn 1 năm, khi chủ đầu tư là Công ty Becamex Bình Dương khánh thành những căn hộ 30m2 giá rẻ. Lãnh đạo công ty phát biểu rằng, làm được mô hình này bởi Bình Dương có sẵn hạ tầng, quỹ đất sạch.
Căn hộ giá rẻ cho công nhân là nhu cầu cấp thiết ở địa phương có hàng trăm ngàn công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất như TP.HCM hiện nay. Trong lần đi thăm khu chế xuất Tân Thuận mới đây, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đã giao các sở ngành của TP.HCM nghiên cứu xây nhà giá rẻ khoảng trên dưới 100 triệu đồng/căn cho công nhân, người lao động.
Không chỉ Bí thư Đinh La Thăng, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Văn Khoa cũng đã yêu cầu Sở Xây dựng chủ trì cùng Liên đoàn Lao động TP.HCM học tập kinh nghiệm của tỉnh Bình Dương về thủ tục, quy trình xây dựng nhà ở xã hội bán cho công nhân, người lao động với giá rẻ, khoảng trên dưới 100 triệu đồng/căn để áp dụng trên địa bàn TP.
Để làm được điều này, ông Khoa giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì và các đơn vị liên quan rà soát, xem xét điều chỉnh cục bộ quy hoạch trong khu chế xuất Tân Thuận (Q.7) và khu vực liền kề để có quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân với các hình thức: được mua, thuê và thuê mua.
Tuy nhiên, theo một nhà đầu tư BĐS, thành phố là địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp nhất cả nước, đến nay bài toán đầu tư nhà ở giá rẻ cho đội ngũ công nhân vẫn chưa có đầu ra. Với Bình Dương lại là một trường hợp hoàn toàn khác, đó là đất sạch đã có sẵn từ nhiều năm trước, giá đất thuê hoặc mua lại không đắt đỏ như TP.HCM, do vậy doanh nghiệp còn mặn mà bỏ vốn ra xây dựng dù thu đồng lãi rất ít.
"Khi đầu tư một dự án nhà ở, với bất kỳ doanh nghiệp nào cũng vậy, bài toán hoà vốn hoặc lãi thấp vẫn là kim chỉ nam xuyên suốt. Nhà nước có chính sách hỗ trợ về đền bù giải toả, giãn thuế vẫn chưa đủ mà sau đó còn nhiều cơ chế "tháo khoán" hơn nữa như thủ tục cấp phép, hệ số sử dụng, mật độ dân cư...", vị này cho biết thêm.
Kinh nghiệm đầu tư nhà ở giá rẻ của tỉnh Bình Dương cho thấy, địa phương này thời gian qua đã hỗ trợ tốt về cơ chế, chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp để đầu tư lĩnh vực này. Trong đó, tỉnh đã dành ra khoảng 220 ha đất sạch, hạ tầng đã được xây dựng cơ bản trong khu quy hoạch đô thị, công nghiệp để làm nhà ở xã hội.
Sau khi nhận được đất sạch, các nhà đầu tư chỉ tính giá xây dựng, còn chi phí đất, bồi thường, xây dựng hạ tầng bên trong và ngoài căn hộ được chủ đầu tư và Nhà nước hỗ trợ như: xây dựng đường, nhà trẻ, công viên, khu thương mại dịch vụ, nhà xe, y tế, các dịch vụ giải trí…
Với những căn nhà ở xã hội rộng 30m2 (diện tích sàn 20m2, gác 10m2), có mức giá khoảng hơn 100 triệu đồng, người mua nhà chỉ phải trả trước 20%, phần còn lại được vay từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng và trả góp 1-2 triệu đồng/tháng.
Căn hộ còn được thiết kế khoa học, tiện nghi, dễ chuyển đổi từ căn 30m2 thành 60m2. Chủ đầu tư muốn người mua nhà khi chưa đủ tiền thì mua trước căn 30m2, sau vài năm có thể mua thêm căn bên cạnh rồi ghép lại thành căn 60m2.
“Với sự hỗ trợ khá mạnh tay từ chính quyền địa phương, việc còn lại là các nhà đầu tư phải làm sao đẩy nhanh thời gian thi công dự án để người lao động, người thu nhập thấp sớm được có nhà ở”, một lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương nói.
Mục tiêu phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp trên địa bàn tỉnh Bình Dương trong 5 năm tới là xây dựng gần 400.000m2 sàn, đó là chưa để đến 1,6 triệu m2 sàn nhà dành cho công nhân tại các khu công nghiệp và khu chế xuất và 45 nghìn m2 nhà ở dành cho sinh viên.
Để có thể thực hiện được mục tiêu trên, Bình Dương sẽ dành một phần ngân sách để thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch cho nhà đầu tư. Ngoài ra, các dự án hạ tầng kỹ thuật, một số tiện ích công cộng như trường học, trạm y tế, công viên cũng được tỉnh tập trung đầu tư.
Còn theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc công ty địa ốc Đất Lành, một trong nhiều nhà thầu tham gia thi công các dự án NƠXH của Becamex IDC, cho rằng dĩ nhiên là Becamex có lãi trong các dự án này, tuy nhiên không nhiều. Trước hết, dự án được xây dựng tại một vị trí nằm ở rìa của thành phố mới Bình Dương, tiền đất, giải phóng mặt bằng hầu như không có…
“Cái có lãi hay không có lãi chúng ta cần nhìn ở góc độ xã hội, chứ không phải là doanh nghiệp được gì khi bỏ tiền ra đầu tư. Lãi lớn nhất của nhà đầu tư là an cư lạc nghiệp cho người thu nhập thấp, thu hút lượng lớn lao động, nhà đầu tư trong và ngoài nước đổ về tỉnh nhiều hơn trong thời gian tới”, ông Đực cho biết.
Theo tiết lộ từ một lãnh đạo Becamex, chiến lược phát triển những khu đô thị rẻ nhất Việt Nam này một phần đóng góp vào việc chăm lo đời sống của người dân chưa có điều kiện về nhà ở. Phần khác, Becamex lấy những khoản lãi từ nhiều hoạt động kinh doanh, dự án lớn khác để xây dựng NƠXH theo kế hoạch đề ra. Tiền lãi, Becamex tiếp tục dùng để duy trì, nâng cấp, sửa chữa lại cho chính dự án đó.
Trao đổi về việc liệu TP.HCM có làm được như Bình Dương không, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho rằng thành phố hoàn toàn có thể làm được căn hộ 100 triệu đồng theo quy chuẩn của Bộ Xây dựng (diện tích tối thiểu là 25 m2).
Nhưng để làm được theo ông Châu TPHCM cần có quỹ đất sạch, miễn tiền sử dụng đất, chiều cao chung cư khoảng 4 - 5 tầng trở lại, không có thang máy. Nhà nước phải hỗ trợ thêm 100% vốn để đầu tư hạ tầng như đường sá, cấp điện nước...Có thể là đất ở những nông trường ở Củ Chi, Hóc Môn, Cần Giờ và Bình Chánh, khi xây dựng hàng loạt chung cư giống nhau như vậy sẽ giúp hạ giá thành, nhưng chất lượng vẫn đảm bảo.
Ở cấp cao hơn, Bộ Xây dựng cũng cần hỗ trợ thiết kế mẫu nhà ở xã hội để các địa phương có thể lấy mẫu đó làm không cần phải tốn chi phí cho khâu thiết kế. Ngoài ra, các cơ quan chức năng và quan trọng nhất là Bộ Xây dựng cần hỗ trợ tối đa về chính sách, giúp rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, bởi thủ tục càng đơn giản, thời gian càng rút ngắn thì càng giúp giảm giá thành.