TP.HCM: Thị trường nhà đất khu Đông sẽ ra sao trong năm 2017?
Công ty Cushman & Wakefield Việt Nam vừa công bố báo cáo thị trường bất động sản quý IV/2016. Theo đó, đối với căn hộ bán tại TP.HCM, quý IV/2016, nguồn cung mới tăng 10% so với quý trước, với 9.800 căn hộ ở cả dự án mới và các dự án hiện hữu, trong đó hơn 40% tập trung ở khu vực phía Đông.
- 04-01-2017Xu hướng mua Biệt thự, nhà Phố tại khu Đông Sài Gòn
- 13-12-2016Thu hút đầu tư khu đô thị Đông Sài Gòn
- 12-12-2016Bất động sản khu vực Hà Đông: Chủ yếu là khách hàng có nhu cầu ở thực
Tính đến quý 4/2016, có 29.950 căn hộ có sẵn để bán ở tất cả các hạng trên thị trường sơ cấp, tăng 11% theo quý và 49% theo năm (đến hết quý 4/2015 số căn hộ sẵn sàng để bán là 20.049 căn). Trong đó, căn hộ Hạng B dẫn đầu thị trường chiếm khoảng 42%, trong khi Hạng C và Hạng A chiếm lần lượt 31% và 27%. Quận 2, 7, 8 và Bình Thạnh tiếp tục thống lĩnh thị trường, chiếm hơn một nửa tổng nguồn cung sơ cấp.
Hoạt động thị trường đã cho thấy sự cải thiện cả theo quý và theo năm, với khối lượng giao dịch tăng 11% theo quý và 19% theo năm, trong đó 75% là ở Hạng B và C. Quận 2 dẫn đầu thị trường, chiếm 1/3 tổng số giao dịch trong quý này.
Tất cả căn hộ ở các hạng ghi nhận sự tăng giá theo năm, chủ yếu do giá cao hơn của các dự án mới. Trong khi giá trung bình Hạng B tăng gần 5% theo quý và 1% theo năm, đứng ở mức khoảng 30,7 triệu đồng/m2 (1.348 USD/m2); và Hạng C tăng 3% theo quý và hơn 7% theo năm, đạt gần 20,3 triệu đồng/m2 (889 USD/m2); giá trung bình Hạng A giảm 4% theo quý nhưng tăng gần 12% theo năm; đạt 52,4 triệu đồng/m2 (2.303 USD/m2).
Thống kê của C&W cũng cho thấy, gần 7.000 căn hộ được tung ra thị trường trong quý IV/2016 dự kiến sẽ giao nhà giai đoạn 2018 – 2020.
Cushman & Wakefield dự báo trong năm 2017, hơn 30.000 dự kiến sẽ gia nhập thị trường, trong đó gần 70% tổng nguồn cung tương lai tập trung ở khu vực phía Đông. Mặc dù thị trường vẫn còn có nhu cầu rất lớn cho phân khúc bình dân, tuy nhiên, các dự án trung và cao cấp mà nằm ở vị trí đắc địa sẽ tiếp tục thu hút các nhà đầu tư. Niềm tin thị trường dự kiến sẽ tiếp tục cải thiện trong ngắn và trung hạn.
Theo đánh giá của các chuyên gia nghiên cứu, việc giải quyết được bài toán giao thông đã khơi thông dòng chảy bất động sản khu Đông Sài Gòn. Trong khi quỹ đất và nguồn cung trong trung tâm TPHCM đang cạn kiệt và có giá thành rất cao, thì hiện nay xu hướng của người mua đang đổ bộ về các vùng ven, trong đó khu Đông đang là tâm điểm của các nhà đầu tư.
Với số vốn đầu tư lớn để nâng cấp hạ tầng, quỹ đất sạch, giá cả hợp lý cùng các dự án của những chủ đầu tư uy tín, quận 2 và quận 9 đang chứng kiến sự đổ bộ ồ ạt của giới đầu tư bất động sản, tạo nên những cơn “sóng” giao dịch ở hầu hết các phân khúc.
Đặc biệt, một diễn biến được cho là khá bất ngờ tại thị trường nhà đất khu Đông trong năm 2017 này là có sự xuất hiện của nhiều dụ án nhà ở vừa túi tiền. Từ đó, đánh giá của chuyên gia phân tích độc lập Phan Công Chánh cho thấy thị trường tại đây sẽ có sự cạnh tranh rất gay gắt, thị phần sẽ được phân định lại.
Theo đó, ngoài Him Lam Land với một số dự án nhà ở vừa túi tiền đang được triển khai xây dựng tại quận 9 và Thủ Đức, Nam Long cũng tham gia với dòng dự án mới có tên EHomes với gần 1.000 căn hộ giá rẻ sẽ gia nhập thị trường trong thời gian tới.
Song song đó, một khu đô thị nhà ở giá rẻ của Vincity đang được triển khai sẽ tạo thêm "món ăn" khoái khẩu cho khách hàng. Dự án nhà ở giá rẻ của Vincity toạ lạc tại quận 9 có diện tích hơn 200ha, đang được chủ đầu tư san lắp mặt bằng, sẽ góp phần giảm sự lêch phá cung - cầu.
Theo ghi nhận, các dự án bất động sản tại quận 2 đều chạy dọc theo tuyến Xa lộ Hà Nội, còn tại quận 9 chủ yếu đều tập trung dọc tuyến đường Đỗ Xuân Hợp, kéo dài khoảng 10km đến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và kết thúc ở đầu đường Nguyễn Duy Trinh. Trong đó, có sự góp mặt của nhiều đại dự án lớn của các chủ đầu tư như Kiến Á, Khang Điền, Novaland, Sơn Kim Land...
Ngoài ra, khu Đông TP.HCM là nơi giành nhiều “ưu ái” nhất từ khối ngoại. Mới nhất, hàng loạt tên tuổi nhà đầu tư lớn trên thế giới công bố đổ hàng tỷ đô la vào khu Đông như Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc); Mitsubishi và Toshiba (Nhật Bản); Kepple Land; CapitaLand (Singapore)... góp phần tạo nên “đòn bẩy” kéo giá trị BĐS của khu vực này gia tăng không ngừng.