MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TP.HCM tìm giải pháp chặn đứng chuyển nhượng lãng phí đất công trong đầu tư bất động sản

08-06-2017 - 16:56 PM | Bất động sản

UBND TP.HCM vừa yêu cầu thanh tra việc chấp hành pháp luật trong quản lý đất đai của UBND cấp huyện xã, sở ngành, nhất là trong việc sử dụng đất công; thu hồi các công sở sử dụng không đúng mục đích.

Ngày 8/6 tại buổi giám sát của Ban kinh tế ngân sách, HĐND TP.HCM về việc sử dụng đất công trên địa bàn TP.HCM, nhiều ý kiến bức xúc trước việc đất công bị sử dụng sai mục đích, bị lấn chiếm, gây lãng phí nghiêm trọng nguồn lực đất đai của thành phố trong bối cảnh các dự án BT bế tắc vì không có quỹ đất đối ứng.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TPHCM, hiện nay TP có 746 khu đất chưa có pháp lý sử dụng đất và đang giao các cơ quan nhà nước quản lý. Cụ thể, Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà TP quản lý 110 khu đất; các công ty TNHH MTV dịch vụ công ích quận, huyện quản lý 636 khu đất.

Nhằm nắm rõ thực trạng, mới đây, Phó Chủ tịch UBNDTP Lê Văn Khoa đã chỉ đạo Sở TN-MT phối hợp UBND quận, huyện, Ban chỉ đạo 09 (Sở Tài chính), các công ty dịch vụ công ích quận, huyện tiếp tục thực hiện việc rà soát, xác định trong số các khu đất được giao tạm quản lý, giữ hộ, thì có bao nhiêu trường hợp khu đất đang sử dụng kinh doanh. Từ đó, Ban chỉ đạo 09 tham mưu trình UBND TP ủy quyền cho các công ty ký hợp đồng thuê đất ngắn hạn hàng năm với Sở TN-MT, hướng dẫn lập thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất, ký hợp đồng thuê đất theo quy định.

Chẳng hạn, Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 6 đang quản lý, giữ hộ 132 mặt bằng gồm nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, đang được cho các tổ chức, cá nhân, đơn vị thuê để sử dụng sản xuất - kinh doanh, phòng trọ.

Theo ông Huỳnh Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND quận 6, hiện nay quận còn 40 mặt bằng do phường đang quản lý, đó là đất trống nằm phía trước nhà dân sau khi giải tỏa mở rộng đường thì diện tích còn lại chừng vài mét vuông, nhỏ lẻ. Quận đang đề nghị người dân kế bên mua luôn để hợp thửa, hợp khối nhưng có trường hợp không đồng ý, tự ý sử dụng thành sân của căn nhà đó. Trường hợp người dân đồng ý mua, quận xin thành phố cho bán, thì đến nay vẫn chưa có quy trình…

Đại diện Ban Kinh tế Ngân sách yêu cầu quận 6 rà soát, chấn chỉnh kịp thời việc cho thuê sai công năng, giữ ổn định việc sử dụng trụ sở của các đơn vị hành chính sự nghiệp, không để lặp lại tình trạng hoán đổi gây khó khăn trong quản lý; đồng thời nhanh chóng kiến nghị các vướng mắc lên TP.HCM để có phương án xử lý...

Ngoài ra, TP.HCM còn có 224 khu đất công do các đơn vị sử dụng đất khác đang quản lý sử dụng, cũng chưa có pháp lý sử dụng đất. Trong năm 2016, Sở TN-MT đã 3 lần phát công văn đề nghị UBND 24 quận, huyện thực hiện công tác kiểm tra, báo cáo rà soát. Đến nay, cơ quan này nhận được báo cáo của 21 quận, huyện, còn quận 1, huyện Bình Chánh và Cần Giờ chưa có báo cáo cụ thể.

Tại cuộc họp nói trên, hàng loạt giải pháp được đưa ra nhằm hạn chế việc chảy máu đất công, đưa đất vào khai thác nhằm tránh lãng phí quỹ đất, trong đó đáng chú ý nhất là việc TP.HCM mạnh tay thu hồi lại các quỹ đất công đang bị các đơn vị, nhất là các doanh nghiệp (DN) của nhà nước sử dụng hoang phí. Thậm chí UBND TP.HCM còn yêu cầu thanh tra việc chấp hành pháp luật trong quản lý đất đai của UBND cấp huyện xã, sở ngành, nhất là trong việc sử dụng đất công; thu hồi các công sở sử dụng không đúng mục đích.

Đại diện Sở Tài chính TP.HCM, cho biết đối với các đơn vị đang thuê đất công, nếu sử dụng đúng mục đích thì cho tiếp tục sử dụng còn không sẽ thu hồi, thực hiện sắp xếp theo Quyết định 09 hoặc giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất quản lý.

Đối với các quỹ đất mà đơn vị quản lý “cắt” giao cho cán bộ công chức ở nay nhà nước thu hồi nhưng nhiều đơn vị cố tình không thực hiện thì thành phố yêu cầu chuyển giao nguyên trạng về để xử lý theo quy định của pháp luật.

Để tạo quỹ đất đối ứng cho các dự án BT, nếu mặt bằng nào sử dụng không hiệu quả như của Tổng công ty Lương Thực, Tổng công ty Thép... thuộc đơn vị Trung ương TP sẽ làm việc với các Bộ ngành để thu hồi giao lại cho TP quản lý. Đến nay Bộ Tài chính đồng ý quan điểm này.

Liên quan đến kiến nghị của Bộ Tài chính thanh tra 60 dự án bất động sản, một lãnh đạo Sở Xây dựng TPHCM cho biết, việc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán là hoạt động bình thường, được thực hiện theo quy định của pháp luật. Khi có kết luận, nếu phát hiện sai phạm thì xử lý theo quy định, từ việc thu hồi, đình chỉ hoặc nộp bổ sung tài chính, kể cả xử lý các cá nhân, tổ chức liên quan...

Còn hiện nay, chưa có kết luận nào nói sai phạm mà đình chỉ dự án, điều đó không phù hợp với Luật Thanh tra, không phù hợp với nguyên tắc kiểm tra. Chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ không phải là ngừng dự án, mà chuyển văn bản của Bộ Tài chính qua Thanh tra Chính phủ, xem đây là nguồn thông tin để tham khảo, còn việc Thanh tra Chính phủ có đưa một hay nhiều dự án vào kế hoạch thanh tra của năm 2017 hay không là chuyện khác.

Nếu đưa vào kế hoạch thanh tra thì phải thực hiện theo đúng Luật Thanh tra, thành lập đoàn thanh tra, triển khai thanh tra trong thời gian bao nhiêu ngày rồi mới có kết luận. Lúc đó, việc có đình chỉ dự án hay không là hậu thanh tra, chứ không phải ngay thời điểm này. Việc đề nghị đình chỉ dự án khi chưa có kết luận thanh tra của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền là vội vã, sẽ tác động xấu đến dự án và thị trường cũng như dư luận.

Nguyên Minh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên