TP.Hồ Chí Minh đề xuất cấm xe máy vào trung tâm từ năm 2030: Dân đồng thuận nếu có lộ trình hợp lý
Sở GTVT TPHCM vừa trình UBND TPHCM đề án “Tăng cường vận tải giao thông công cộng kết hợp kiểm soát phương tiện cơ giới giao thông ở TPHCM”, trong đó đề xuất hạn chế và tiến tới cấm xe máy tại khu vực trung tâm gồm các quận 1, 3, 5, 10 vào năm 2030.
- 15-09-2017Gió giật cực mạnh, cấm xe máy qua cầu Bãi Cháy
- 14-07-2017TP. HCM cấm xe máy từ năm 2030?
- 08-07-2017Có nên lạc quan vào Đề án cấm xe máy vào nội đô Hà Nội?
Khác với các đề xuất cấm xe máy trước đây bị dư luận phản ứng mạnh mẽ, đề án lần này nhận được nhiều ý kiến ủng hộ nhờ xác định rõ lộ trình thực hiện theo các giai đoạn. Việc đi lại của người dân trong khu vực này sẽ do hệ thống giao thông công cộng đảm nhiệm.
Dân sẽ đồng thuận nếu giải được bài toán phương tiện thay thế
Việc bàn giải pháp hạn chế xe cá nhân không phải là mới mẻ, TPHCM đã bàn nó cách nay hơn 10 năm. Tuy nhiên, sự việc được đưa ra rồi lại “chìm” do các chính sách hạn chế xe cá nhân chưa thực sự hiệu quả, chưa được sự ủng hộ của người dân. Quan điểm đề xuất các giải pháp còn gây tranh cãi: Cấm xe máy hay cấm ôtô? Tại sao cấm xe máy khi giao thông công cộng còn kém phát triển?…
Theo thống kê của Sở GTVT TPHCM, thành phố đang quản lý gần 8 triệu ôtô và xe máy (7,3 triệu xe máy và gần 640.000 ôtô), chưa tính khoảng một triệu xe mang biển số tỉnh đang lưu thông trên địa bàn thành phố. Kẹt xe đang là nỗi ám ảnh của người dân tại đô thị lớn nhất nước, dù sớm hay muộn thì TPHCM phải có một lộ trình hạn chế xe cá nhân, đặc biệt là xe máy. Dĩ nhiên không cấm ngay mà phải có lộ trình từng bước, để hạn chế tiến tới cấm xe máy.
Theo đề án “Tăng cường vận tải giao thông công cộng kết hợp kiểm soát phương tiện cơ giới giao thông ở TPHCM” do Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (Viện chiến lược) thực hiện, đơn vị này đề xuất trước mắt sẽ hạn chế xe máy lưu thông một số tuyến đường rồi dần dần theo lộ trình sẽ tiến tới cấm xe máy ở khu trung tâm vào năm 2030.
Cấm xe gắn máy chắc chắn không bị phản đối nếu giải được bài toán thay thế. Nếu hệ thống giao thông công cộng tiện lợi, đường thông hè thoáng, chắc không ai muốn đi xe gắn máy vì nắng nóng, bụi bặm và nguy hiểm. Theo đề án, Viện chiến lước xác định hệ thống vận tải hành khách công cộng sẽ đảm bảo nhu cầu đi lại trong khu vực hạn chế.
Theo tính toán của Viện chiến lược, giai đoạn 2020-3030 xe buýt vẫn là phương thức chủ đạo. Bên cạnh đó, cần phát triển hệ thống vận tải đa phương thức như xe buýt nhanh BRT, đường sắt đô thị, xe đạp công cộng.
Cùng với hạn chế xe máy, đề án cũng đề xuất kiểm soát việc đỗ xe ôtô trong khu vực trung tâm TPHCM, xây dựng khung giá dịch vụ giữ xe theo giờ và theo khu vực. Hạn chế cấp phép giữ xe trên lòng đường, vỉa hè, đặc biệt là khu vực trung tâm, tăng lệ phí trước bạ đối với ôtô đến 9 chỗ...
Ngoài ra, đề án còn đề xuất thu phí “ùn tắc giao thông” vào giờ cao điểm đối với các loại xe ôtô vào khu vực trung tâm TPHCM, dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2021-2025...
Phải bắt tay vào làm ngay
Đặc điểm phát triển khu vực trung tâm TPHCM với hàng trăm ngàn ngõ ngách cùng hẻm sâu nên xe buýt không thể tới gần mà nếu đi bộ đến bến xe, có khi người dân phải đi tới mấy cây số. Phương tiện di chuyển hiện nay phần lớn là xe máy vì tiện lợi và phù hợp khả năng chi trả của số đông.
Trong khi đó, hệ thống xe buýt vận chuyển hành khách chưa được kết nối đồng bộ, vẫn còn bất tiện cho người sử dụng. Theo thống kê, xe buýt hiện chỉ đáp ứng 9,5% nhu cầu đi lại. Trong khi metro vẫn đang là một ẩn số, khả năng thu hút khách có thể không cao vì giá cả sẽ không thấp, việc thu gom khách từ các khu dân cư ở khoảng cách xa đến với metro vẫn còn là bài toán nan giải.
Theo các chuyên gia giao thông, ngay bây giờ, TPHCM cần tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông tiện nghi, hiện đại, trong đó, các tuyến metro cần kịp hoàn thành và tính toán sao để khi đưa vào khai thác thì phải kết nối giao thông thuận lợi, giá rẻ, tiết kiệm thời gian. Mạng lưới xe buýt nên được rải đều, phủ rộng, sao cho hành khách đi bộ từ chỗ ở đến trạm xa nhất chỉ trong vòng 500 mét; giờ giấc xuất phát phải chính xác, hành khách không phải chờ đợi quá lâu.
Việc mở rộng những con hẻm kết nối các trục đường chính của xe buýt là việc cần làm vì nhiều nhà dân ở cách xa, không thể đi bộ thường xuyên vài cây số, mặt khác, giúp tăng diện tích đường xe chạy, phục vụ giao thông trước mắt và lâu dài.
Bên cạnh đó, cần đầu tư các bãi giữ xe gần các bến đón, trạm dừng, ga metro... để hành khách gửi xe cá nhân, kết hợp đi bộ trong bán kính gần và sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
Ý kiến chuyên gia:
- Theo GS-TS Phạm Xuân Mai, TPHCM muốn có hệ thống xe buýt bao phủ thì cần 21.000 chiếc xe buýt cả lớn và nhỏ. Có xe buýt nhỏ trung chuyển hành khách ra các tuyến xe buýt lớn vì TPHCM có nhiều tuyến hẻm nhỏ. Rất nhiều người dân sử dụng xe máy để làm ăn. Nếu cấm xe máy thì phải tính phương án dân đi bằng gì?. Nên có xe buýt nhỏ để trung chuyển hành khách và xe tải nhỏ loại 500kg được di chuyển trong thành phố cả ngày lẫn đêm để người dân mưu sinh.
- TS Lương Hoài Nam cho rằng, TPHCM phải xem xe buýt là loại hình giao thông công cộng chiến lược và chủ lực từ nay đến năm 2030, từ đó có chính sách đầu tư và phát triển. Để hạn chế xe máy, ông Nam cho rằng, TPHCM cần phải mang lại cho người dân hệ thống giao thông công cộng hiện đại, an toàn văn minh và rẻ hơn xe máy. Đồng thời, cần phải có lộ trình và chiến lược cụ thể để phát triển xe buýt cũng như nghiên cứu thay đổi giờ học, giờ làm việc.
Lộ trình đề xuất hạn chế tiến tới cấm xe máy vào năm 2030
- Từ nay đến 2020 sẽ hạn chế xe máy trong giờ cao điểm trên đường Trường Sơn (Q.Tân Bình) và đường Nguyễn Thị Minh Khai (Q.1). Đồng thời, hạn chế xe máy từ 7h đến 19h trên đường Pasteur (từ Lý Tự Trọng đến Điện Biên Phủ) và đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (từ Điện Biên Phủ đến Lý Tự Trọng).
- Giai đoạn 2021 - 2025, hạn chế xe đi vào quận 1 được giới hạn bởi các tuyến đường Võ Văn Kiệt - Đinh Tiên Hoàng - Điện Biên Phủ - Hai Bà Trưng - Nguyễn Thị Minh Khai - Nguyễn Văn Cừ.
- Từ 2026-2030, hạn chế tiến tới cấm hẳn xe máy đi vào khu vực trung tâm TPHCM gồm quận 1, 3, 5, 10 được giới hạn bởi các tuyến đường Võ Văn Kiệt - Châu Văn Liêm - Hồng Bàng - Lý Thường Kiệt - Bắc Hải - Cách Mạng Tháng Tám - Võ Thị Sáu - Đinh Tiên Hoàng - Tôn Đức Thắng. M.Q
Ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội - cho biết, UBND TP.Hà Nội đã ký ban hành đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP.Hà Nội, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030. Đề án này được thông qua tại kỳ họp thứ 4 của HĐND Hà Nội khóa XV vào tháng 7 năm 2017.
Theo đó, lộ trình thực hiện 3 giai đoạn:
Giai đoạn 2017-2018: Tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý phương tiện tham gia giao thông và tăng cường công tác quản lý nhà nước về GTVT.
Giai đoạn 2017-2020: Tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý số lượng, chất lượng phương tiện tham gia giao thông và phát triển vận tải hành khách công cộng. Áp dụng giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân theo ngày chẵn, lẻ đối với những khu vực, tuyến phố ùn tắc thường xuyên, nghiêm trọng.
Giai đoạn 2017-2030: Từng bước hạn chế hoạt động trên một số khu vực và thời gian, đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đến năm 2030 dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận.
Lao động