Trả tiền, tặng quà để 'mua' đánh giá sản phẩm, 50.000 người bán hàng Trung Quốc nhận kết đắng: Phá sản, thất nghiệp sau 1 đêm vì bị Amazon đình chỉ tài khoản, doanh thu 15 tỷ USD 'không cánh mà bay'
Amazon vừa thanh trừng 50.000 tài khoản người bán hàng Trung Quốc chuyên bỏ tiền, tặng quà để mua đánh giá sản phẩm giả mạo.
- 16-08-2021Bắt nạt người bán, tận thu người mua, Amazon đang hủy hoại những trải nghiệm mua sắm để tối đa hoá lợi nhuận bằng mọi giá?
- 10-08-2021Amazon treo thưởng nửa triệu đô, xế hộp cho nhân viên tiêm vắc xin Covid-19
- 04-08-2021Khó khăn bủa vây các doanh nghiệp Trung Quốc ở nước ngoài: Hàng hóa tắc nghẽn, bị Amazon tấn công, châu Âu tăng thuế
Các nhà sản xuất Trung Quốc làm mọi thứ từ tai nghe không dây tới khăn lau nhà bếp. Mục tiêu của họ từ suốt nhiều năm nay là đánh chiếm thị trường Mỹ và để làm được như vậy, họ tìm đến công ty thương mại điện tử lớn nhất thế giới.
Họ sử dụng một chương trình của Amazon.com có tên là Fulfillment cho phép các bên bán hàng là bên thứ 3 tích trữ hàng hoá trong kho và để Amazon vận chuyển, trả và trao đổi hàng hoá. Để tạo ra sự chú ý trên nền tảng của Amazon, nhiều người bán hàng Trung Quốc đã tặng quà thậm chí là tiền mặt để người tiêu dùng sẵn sàng viết những đánh giá tốt về sản phẩm của họ.
TRÀN LAN ĐÁNH GIÁ SẢN PHẨM GIẢ MẠO TRÊN AMAZON
Amazon từng chấp nhận những chiêu thức như vậy, tuy nhiên, họ bắt đầu không đồng tình với việc này kể từ năm 2016. Amazon nhận ra việc tặng quà sẽ làm tổn hại tới đánh giá của khách hàng. Nhiều người bán chống đối những quy định mới bằng việc tuyển người mua trên Facebook và trả tiền cho họ qua PayPal để lách luật của Amazon và vấn đề ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Mặc dù những chương trình ưu đãi như vậy - ngoại trừ những ưu đãi thông qua chương trình Vine chính thức của Amazon - đều vi phạm quy tắc. Tuy nhiên, suốt nhiều năm do luôn muốn có nhiều người bán hàng Trung Quốc hơn để nguồn cung thêm phong phú với những hàng hoá giá rẻ, Amazon đã không thắt chặt các quy định.
Hiện nay, dường như Amazon đang ra tay chấn chỉnh hành vi này, bao gồm cả những hình thức ưu đãi đánh giá khác như bảo hành mở rộng miễn phí, chiết khấu, hoàn tiền hoặc thẻ quà tặng. Bắt đầu từ quý 2, các nhà quan sát trong ngành thương mại điện tử Trung Quốc cho biết, Amazon đột ngột thay đổi chiến lược và bắt đầu đình chỉ các nhà bán lẻ và đóng băng hàng tồn kho của họ tại các kho hàng ở Mỹ. Theo Hiệp hội Thương mại Điện tử Xuyên biên giới Thâm Quyến, hơn 50.000 tài khoản bán lẻ của Trung Quốc đã bốc hơi trên nền tảng này, dẫn đến doanh thu dự kiến khoảng 100 tỷ nhân dân tệ (15,4 tỷ USD) cũng không cánh mà bay.
Wang Xin, chủ tịch hiệp hội cho biết: "Không thể hoàn trả các nhà cung cấp, không thể xin vay ngân hàng, nhân viên đang phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp và lợi nhuận trong vài năm qua đã bị tiêu sạch chỉ sau một đêm".
Ngành công nghiệp này "gần như đã bị phá vỡ hoàn toàn." Chính sách của Amazon nhằm ngăn chặn hành vi sai trái của các bài đánh giá giả mạo áp dụng cho tất cả người bán, nhưng dựa trên dữ liệu được theo dõi bởi nhà tư vấn dữ liệu Marketplace Pulse có trụ sở tại New York, tất cả các tài khoản bị tạm ngưng gần đây đều có trụ sở tại Trung Quốc.
Về phần mình, gã khổng lồ thương mại điện tử bác bỏ những cáo buộc rằng họ trừng phạt không công bằng với các công ty Trung Quốc. "Chúng tôi tuân thủ nguyên tắc công bằng và xử lý vi phạm của người bán mà không phân biệt đối xử, bất kể quy mô kinh doanh của người bán hay quốc gia hoặc khu vực đó đến từ", công ty cho biết trong một tuyên bố vào tháng 5.
Và vào ngày 14/8, một phát ngôn viên của Amazon tại Mỹ đã nhắc lại quan điểm của mình. Ông nói trong một email: "Chúng tôi không chấp nhận các bài đánh giá giả mạo hoặc trả phí từ bất kỳ người bán nào. Chúng tôi luôn ưu tiên bảo vệ nền tảng của mình khỏi những vấn đề gian lận và lạm dụng, đồng thời thực hiện các hành động thích hợp để buộc những kẻ xấu phải chịu trách nhiệm".
Trong nhiều năm, hàng giả đã nở rộ trên trang web của Amazon và các điều khoản dịch vụ của Amazon cho phép Amazon tránh khỏi trách nhiệm pháp lý khi khách hàng của họ phàn nàn về các sản phẩm trên thị trường bị cáo buộc là kém chất lượng hoặc bị lỗi. Tuy nhiên, để các quy định quá lỏng lẻo khiến danh tiếng của họ bị tổn hại rất nhiều.
Hiện giờ công ty dường như đang thực hiện các hành động quyết liệt để khắc phục điều đó. Vào tháng tới, họ sẽ bắt đầu trả cho khách hàng số tiền lên đến 1.000 USD cho các khiếu nại về trách nhiệm sản phẩm và tổn hại cá nhân liên quan đến hàng hóa được mua từ người bán bên thứ ba trên trang web của họ. Đây là cách tiếp cận khá khác biệt so với trước đây. Bản thân Amazon sau đó sẽ tiếp tục theo đuổi yêu cầu kiện người bán. Những thay đổi như vậy và việc đình chỉ những người bán hàng Trung Quốc - những người thường nằm ngoài tầm với của luật pháp Mỹ - gửi đi một thông điệp rằng sẽ có những hậu quả nặng nề.
Cuộc đàn áp diễn ra sau khi có báo cáo về một vụ vi phạm dữ liệu vào tháng 5 làm lộ thư từ giữa người bán trên Amazon và người viết đánh giá giả mạo. Ngay sau đó, tờ Recode đã báo cáo rằng Ủy ban Thương mại Liên bang muốn Amazon làm quyết liệt hơn nữa để chống lại các đánh giá sản phẩm giả mạo.
Nhiều người bán hàng có trụ sở tại Mỹ nói rằng Amazon đã quá chậm chạp. Họ phản đối chính sách ban đầu của Amazon với các nhà bán hàng Trung Quốc - vốn thu lợi từ việc công ty thực thi lỏng lẻo các quy tắc người bán. "Nếu Amazon đưa ra quyết định cuối cùng rằng các [người bán Trung Quốc] mua các bài đánh giá — mà tôi tin rằng thực tế xảy ra rất nhiều — thì tôi rất vui bởi chúng tôi đã chịu tổn hại quá nhiều vì những hành vi như vậy", theo David Wright, người điều hành Pattern - một công ty có trụ sở tại Lehi, Utah, quản lý hoạt động bán hàng thương mại điện tử cho hàng chục thương hiệu, trong đó có nhiều thương hiệu bán trên Amazon. "Suốt nhiều năm, chúng tôi bị mất thị phần dù thực tế có sản phẩm tốt hơn. Vấn đề chỉ là chúng tôi không lừa đảo, vi phạm quy định".
Vấn đề không chỉ nằm ở việc những kẻ xấu thưởng cho khách hàng để đổi lại những đánh giá tích cực. Wright cho biết nhiều khách hàng tại Mỹ của ông phàn nàn rằng khi các sản phẩm bắt đầu bán chạy trên Amazon, họ gặp phải một loạt các đánh giá tiêu cực. Wright nghi ngờ đó là những đánh giá giả mạo. Kết quả là đánh giá sản phẩm của họ bị tụt thảm hại.
Các nhà bán lẻ có trụ sở tại Trung Quốc chiếm khoảng một nửa số người bán hàng đầu trên Amazon, tăng từ 13% vào năm 2016, theo Marketplace Pulse. Được thúc đẩy bởi doanh số bán hàng trên Amazon, Anker Innovations Technology Co., công ty chưa bị cáo buộc có bất kỳ hành vi thao túng xếp hạng nào, năm ngoái đã bán được khoảng 1,4 tỷ USD các bộ sạc di động, cáp, dây nguồn và các phụ kiện khác, tăng từ 378 triệu USD vào năm 2016. Trong khi thời kỳ đó, hoạt động kinh doanh trên nền tảng của Amazon tiếp tục mở rộng và vượt qua mảng kinh doanh bán lẻ trực tuyến, nơi Amazon mua hàng tồn kho từ các nhà bán buôn giống như một cửa hàng truyền thống.
THẤT NGHIỆP SAU 1 ĐÊM KHI BỊ AMAZON "THANH TRỪNG"
Một trong những nạn nhân trong đợt càn quét của Amazon là Công ty Công nghệ và Mạng lưới Thâm Quyến Qianhai Patozon, hãng sản xuất thương hiệu tai nghe bán chạy trước đây là Mpow, đã có mặt trên Amazon kể từ tháng 4. Công ty đã đưa ra một bức thư công khai vào tháng 5 nói rằng họ đang "liên lạc chặt chẽ với Amazon và tích cực nộp đơn xin phục hồi hoạt động bán hàng" và mô tả quá trình này là "tích cực". Nhưng trong tháng này, một nguồn tin cho biết công ty đã tạm dừng hoạt động nhóm nghiên cứu và phát triển và khuyến khích nhân viên tìm kiếm việc làm ở nơi khác.
Công ty SACA Precision Manufacturing Quảng Đông cũng đã cố gắng thuyết phục Amazon hủy bỏ quyết định đình chỉ các thương hiệu điện tử RAVPower và VAVA kể từ tháng 6. Trong một hồ sơ, công ty Trung Quốc đã viện dẫn việc vi phạm các quy tắc liên quan đến thẻ quà tặng là một lý do dẫn đến quyết định đình chỉ. Nhưng hy vọng khá mong manh. Hiện tại, SACA Quảng Đông đang cố gắng bán hàng qua các trang web của riêng mình, nơi họ giảm giá tới 60%.
Điều khoản dịch vụ của Amazon không cho phép các nhà bán lẻ trên thị trường khởi kiện, mặc dù họ có thể đưa công ty ra một phiên điều trần. Theo Cherish Liu, người sáng lập Red Flag Solutions, một công ty luật có trụ sở tại Thâm Quyến làm việc với các nhà bán lẻ Trung Quốc. Cô nói: "Rất khó thuyết phục Amazon khôi phục tài khoản của một người bán".
Candy Wu, một giám đốc 27 tuổi của một nhà bán lẻ có trụ sở tại Thâm Quyến, chuyên bán các mặt hàng như nước rửa tay và dụng cụ làm sạch trên Amazon, đột nhiên thất nghiệp. Công ty của cô đã đột ngột ngừng hoạt động vào giữa tháng 8 sau khi lọt vào danh sách đen của Amazon vì bị cáo buộc thao túng đánh giá của khách hàng.
Cô nói: "Chúng tôi không phải là những người bán hàng kém chất lượng với những chiêu trò tồi tệ. Đơn giản là vì muốn tồn tại nên chúng tôi phải tạo ra những sản phẩm tuyệt vời, giảm thiểu chi phí hậu cần và làm cho các bài đánh giá trông đẹp mắt. Trung Quốc cũng không phải là những người duy nhất thao túng các bài đánh giá. Nhiều người bán ở Mỹ cũng đã thực hiện những bài đánh giá sản phẩm giả mạo đó thôi".
"Nếu người Trung Quốc muốn được đối xử công bằng trên thị trường toàn cầu, họ cần mang đến những sản phẩm sáng tạo và những thương hiệu mạnh"
Đối với các công ty Trung Quốc bị Amazon đình chỉ hoặc lo lắng rằng họ có thể là người tiếp theo, việc tìm kiếm các giải pháp thay thế không hề dễ dàng. Theo Jason Lee, đồng giám đốc điều hành của FBAFlipper, một công ty tư vấn có trụ sở tại Thâm Quyến, Walmart năm ngoái đã tung ra đối thủ của FBA là Walmart Fulfillment Services, cho thị trường trực tuyến của nhà bán lẻ.
Lee cho biết: "Amazon có lưu lượng truy cập lớn vì thế nó hấp dẫn với tất cả các người bán. Nền tảng này có một hệ sinh thái — từ các khóa học về cách bán hàng, các nhà cung cấp dịch vụ hậu cần, các công ty thanh toán. Dịch vụ của Walmart không có đầy đủ như vậy", anh nói.
Lee hướng các nhà bán lẻ Trung Quốc quan tâm đến một lựa chọn khác: Bán cho các công ty chuyên đi tập kết, mua các thương hiệu đang bán trên Amazon, chịu trách nhiệm vận hành, phát triển sản phẩm và quản lý chuỗi cung ứng. Một công ty như vậy có thể kể đến là Thrasio, đã được định giá ít nhất 3 tỷ USD. Những công ty như Thrasio có thể hấp dẫn đối với các công ty Trung Quốc đang lo lắng rằng họ có thể là nạn nhân tiếp theo trong cuộc thanh trừng của Amazon.
"Chắc chắn có rất nhiều thương hiệu khác nhận thấy rủi ro của Amazon và đang tìm cách rút lui", Chai, Giám đốc điều hành của Rainforest Life ở Singapore nói.
Wang ở Thâm Quyến gọi hành vi thanh trừng của Amazon là "bá chủ". Anh này cho biết các công ty Trung Quốc sẽ cần phải làm việc chăm chỉ hơn song song với đó là tuân thủ các quy tắc chặt chẽ hơn. Mặc dù hiệp hội đang làm việc với các thành viên để đưa tranh chấp của họ ra hội đồng trọng tài, nhưng hiệp hội cũng khuyên rằng họ cần loại bỏ các chương trình đánh giá ảo và thay vào đó tập trung vào việc xây dựng mạng lưới kho hàng ở nước ngoài và đa dạng hóa các kênh bán hàng để giảm sự phụ thuộc vào Amazon.
Wang nói: "Đừng vượt qua ranh giới đỏ nếu bạn muốn kinh doanh bền vững. Nếu người Trung Quốc muốn được đối xử công bằng trên thị trường toàn cầu, họ cần mang đến những sản phẩm sáng tạo và những thương hiệu mạnh".
Nguồn: Bloomberg
Doanh nghiệp và tiếp thị