MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trái chiều kết quả kinh doanh các doanh nghiệp xây dựng giữa "bão giá" nguyên vật liệu trong nửa đầu năm 2021

Trái chiều kết quả kinh doanh các doanh nghiệp xây dựng giữa "bão giá" nguyên vật liệu trong nửa đầu năm 2021

Đà tăng phi mã của giá nguyên vật liệu đã gây áp lực rất lớn lên các doanh nghiệp ngành xây dựng, khi mà thép hiện chiếm tỷ trọng lớn với khoảng 20% chi phí đầu vào của các công trình.

Trong nửa đầu năm 2021, giá nhiều loại vật liệu xây dựng liên tục tăng cao kỷ lục, riêng thép đã ghi nhận mức giá bán trong nước tăng khoảng 40%. Giá xi măng với cấu thành từ than, điện, xăng dầu, thạch cao, phụ gia… cũng nhảy múa chóng mặt, giá sản phẩm bán tăng từ 30.000-40.000 đồng/tấn. Một số nguyên liệu chủ chốt khác là cát, sỏi… cũng có tình trạng tương tự.

Giữa bối cảnh công tác khai thác gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng Covid-19, chuỗi sản xuất bị đứt gãy, kèm theo đó là chính sách cắt giảm sản xuất thép tại Trung Quốc nhằm bảo vệ môi trường càng khiến nguồn cung vật liệu sụt giảm đáng kể.

Cơn "bão giá" nguyên vật liệu này đã gây áp lực rất lớn lên các doanh nghiệp ngành xây dựng, khi mà thép hiện chiếm tỷ trọng lớn với khoảng 20% chi phí đầu vào của các công trình. Thậm chí, hàng loạt nhà thầu đã phải tạm giãn, ngưng thi công các dự án để chờ giá thép hạ nhiều nhằm giảm bớt thiệt hại. 

Thống kê tính đến cuối quý 2 và nửa đầu năm 2021, tình hình kinh doanh của không ít doanh nghiệp xây dựng niêm yết trên sàn ghi nhận sụt giảm so với cùng kỳ, trong đó có cả các "ông lớn" trong ngành. Tuy nhiên, một số công ty vẫn ghi nhận bức tranh kết quả kinh doanh ấn tượng với mức tăng trưởng mạnh, nhờ vào việc tiết giảm chi phí đồng thời phát triển những mảng hoạt động khác đem lại nguồn thu lớn.

Trái chiều kết quả kinh doanh các doanh nghiệp xây dựng giữa bão giá nguyên vật liệu trong nửa đầu năm 2021 - Ảnh 1.

Chi tiết, "ông lớn" Xây dựng Coteccons (CTD) sau gần 1 năm về tay Kusto ghi nhận kết quả ngày càng sa sút. Doanh thu quý 2 đạt 2.550 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ. Khấu trừ giá vốn, Công ty thu về 135 tỷ lãi gộp, chỉ bằng phân nửa quý 2/2020, biên LN tương ứng giảm xuống còn 5,2%. Đặc biệt, chi phí quản lý tiếp tục ghi nhận tăng đột biến, từ mức 70,7 tỷ lên 122 tỷ đồng mà theo giải trình của CTD là do thực hiện trích trước chi phí phải trả cho cán bộ nhân viên.

Khấu trừ chi phí, CTD lãi sau thuế 45 tỷ đồng trong quý 2, giảm 71% so với cùng kỳ. Ngoại trừ quý 4/2020 thua lỗ, đây là mức lãi theo quý thấp nhất của công ty trong nhiều năm trở lại đây. Luỹ kế nửa đầu năm 2021, CTD báo lãi ròng chỉ 99 tỷ đồng, giảm 65%, hoàn thành chưa đến 38% chỉ tiêu lợi nhuận.

Trên thị trường, cổ phiếu CTD đang trên đà hồi phục, chốt phiên 30/7 tăng mạnh 5,9% lên mức 63.000 đồng/cổ phiếu.

Trái chiều kết quả kinh doanh các doanh nghiệp xây dựng giữa bão giá nguyên vật liệu trong nửa đầu năm 2021 - Ảnh 2.

Cùng chung tình cảnh, CTCP Đầu tư Xây dựng Ricons đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2021 với doanh thu thuần đạt 1.826 tỷ đồng, tăng nhẹ 10% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá vốn lại tăng mạnh hơn, bào mòn 90% doanh thu, từ đó khiến lợi nhuận gộp "bốc hơi" 27% so với cùng kỳ xuống còn 70 tỷ đồng. Ngoài áp lực chi phí nguyên vật liệu, các chi phí QLDN của công ty tăng vọt 49% lên mức hơn 42 tỷ đồng; phần lãi từ công ty liên kết tại Ricons giảm mạnh cũng mạnh.

Kết quả, lợi nhuận sau thuế quý 2 ghi nhận giảm 44% xuống còn hơn 33 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, Ricons đạt 3.042 tỷ đồng doanh thu thuần. Khấu trừ chi phí, công ty báo lãi ròng giảm 38% xuống còn xấp xỉ 57 tỷ đồng.

Trái chiều kết quả kinh doanh các doanh nghiệp xây dựng giữa bão giá nguyên vật liệu trong nửa đầu năm 2021 - Ảnh 3.

Trái ngược với sự đi xuống của 2 "ông lớn" trong ngành kể trên, Xây dựng Hoà Bình (HBC) trong quý 2 đạt doanh thu thuần 3.180 tỷ đồng, tăng 8%, giá vốn tăng mạnh hơn đã khiến lợi nhuận gộp giảm 17%, xuống còn 195 tỷ đồng. Tuy nhiên, hoạt động tài chính là điểm sáng khi doanh thu gấp 7,5 lần cùng kỳ, đạt hơn 65 tỷ đồng, chủ yếu được đóng góp bởi gần 51 tỷ đồng phát sinh từ chuyển nhượng các khoản đầu tư. Qua đó, lãi ròng quý 2 vọt lên gần 66 tỷ đồng, gấp gần 35 lần quý 2/2020.

Theo đó, doanh thu thuần nửa đầu năm của HBC đạt gần 5.443 tỷ đồng. Khấu trừ chi phí, công ty báo lãi ròng hơn 73 tỷ đồng, gấp 5,6 lần cùng kỳ năm 2020.

Trái chiều kết quả kinh doanh các doanh nghiệp xây dựng giữa bão giá nguyên vật liệu trong nửa đầu năm 2021 - Ảnh 4.

Tại Fecon (FCN), nhờ "câu chuyện riêng" đến từ các dự án điện gió mà công ty đang triển khai trong vai trò tổng thầu C.BoP, kết quả 6 tháng đầu năm thu thuần 1.341 tỷ đồng và LNST đạt 50 tỷ đồng, lần lượt tăng 12% và 39% so với cùng kỳ 2020. Riêng quý 2/2021, FCN báo lãi ròng 35 tỷ đồng, tăng 66% so với quý 2/2020.

Năm 2021, FCN đặt mục tiêu ký mới hợp đồng với giá trị khoảng 5.000 tỷ đồng, nửa năm đã thực hiện được 1.500 tỷ đồng. Về kế hoạch cụ thể, công ty kỳ vọng doanh thu đạt 3.900 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 175 tỷ đồng. Như vậy, trong 6 tháng, công ty đã hoàn thành 27% doanh thu và 29% mục tiêu lãi ròng cả năm.

Bên cạnh đó, việc quản lý tốt chi phí giá vốn đã giúp Hưng Thịnh Incons (HTN) cũng ghi nhận kết quả nửa đầu năm 2021 vô cùng ấn tượng. Cụ thể, doanh thu thuần gấp 2,5 lần cùng kỳ, đạt 1.696 tỷ đồng, mạnh hơn tốc độ tăng giá vốn giúp lợi nhuận gộp tăng 399% lên xấp xỉ 145 tỷ đồng, biên lãi gộp đạt 8,5%.

Kết quả, HTN báo lãi ròng quý 2 gần 83 tỷ đồng, gấp gần 46 lần cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, HTN ghi nhận 2.855 tỷ đồng doanh thu và 120 tỷ đồng lãi sau thuế, lần lượt tăng 66% và 3,3% so với cùng giai đoạn năm 2020.

Trái chiều kết quả kinh doanh các doanh nghiệp xây dựng giữa bão giá nguyên vật liệu trong nửa đầu năm 2021 - Ảnh 5.

Phục Hưng Holdings (PHC) cũng ghi nhận lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm tăng đột biến gấp 6 lần cùng kỳ, đạt 37 tỷ đồng và hoàn thành kế hoạch cả năm 2021. Điểm tích cực là dòng tiền của công ty khá mạnh, tính đến cuối quý 2 có số dư tiền và các khoản tương đương tiền là 46 tỷ đồng, tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng lên tới 52 tỷ đồng, giúp đem lại khoản thu tốt từ lãi tiền gửi.

Phương Linh

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên