Trái phiếu chuyển đổi, công cụ giúp Vingroup và Novaland huy động về hàng trăm triệu USD trong những năm qua
Đây là công cụ tài chính được hai tập đoàn tư nhân hàng đầu của Việt Nam hết sức ưa thích sử dụng, trong đó Vingroup phát hành 100 triệu USD trái phiếu chuyển đổi đầu tiên từ năm 2009 (khi đó còn là CTCP Vincom).
Tháng 8 vừa qua, CTCP Maroon Bells (công ty mẹ của chuỗi dược phẩm Pharmacity) đã phát hành 1.023 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi kỳ hạn 4 năm cho nhà đầu tư nước ngoài. Mức giá chuyển đổi dự kiến 80.133 đồng/cp. Trong trường hợp Maroon Bells tiến hành chuyển đổi, công ty sẽ được miễn phần trả lãi.
Kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã quay trở lại mạnh mẽ từ quý 2 năm nay, cùng với đó cụm từ "trái phiếu chuyển đổi" cũng trở nên quen thuộc hơn với nhà đầu tư.
Hồi tháng 4, Tập đoàn Vingroup (VIC) thông tin muốn phát hành 500 triệu USD trái phiếu chuyển đổi quốc tế với quyền chọn nhận cổ phiếu Vinhomes (công ty con).
Tháng 7 mới đây Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Novaland (NVL) thông báo phát hành thành công 300 triệu USD trái phiếu chuyển đổi quốc tế. Trước đó vào tháng 4 và tháng 8/2018, Novaland cũng từng phát hành 240 triệu USD trái phiếu chuyển đổi.
Thực tế, Novaland và Vingroup có thể xem là hai chuyên gia phát hành trái phiếu chuyển đổi ra thị trường nước ngoài.
Năm 2009, tiền thân của Vingroup - CTCP Vincom là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên của Việt Nam phát hành 100 triệu USD trái phiếu chuyển đổi niêm yết tại Sàn giao dịch Chứng khoán Singapore.
Năm 2012, Vingroup tiếp tục phát hành 300 triệu USD trái phiếu chuyển đổi. Lần gần nhất vào năm 2018, tập đoàn của Việt Nam phát hành thêm 450 triệu USD.
Hay như Vinpearl (công ty con của Vingroup) cũng đã phát hành 450 triệu USD trái phiếu chuyển đổi với quyền chọn nhận cổ phần Vingroup.
Trái phiếu chuyển đổi là gì?
Trái phiếu chuyển đổi là trái phiếu có thể chuyển thành cổ phiếu thường vào một thời điểm được xác định trước trong tương lai, thường là do trái chủ quyết định. Loại trái phiếu này có đặc điểm là lãi suất cố định và tương đối thấp hơn so với các loại trái phiếu khác để đổi lấy quyền chọn thành cổ phần. Tuy nhiên, trái phiếu chuyển đổi hứa hẹn đem lại cho trái chủ lợi nhuận lớn hơn khi chuyển đổi thành loại cổ phiếu thường của công ty, đây chính là điểm hấp dẫn.
Mức giá chuyển đổi được thiết lập trước và có thể điều chỉnh theo giai đoạn. Trong trường hợp giá cổ phiếu tăng đáng kể, nhà đầu tư có thể lựa chọn chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, nắm giữ hoặc bán ra tuỳ ý. Ngược lại, nếu giá cổ phiếu giảm, trái chủ sẽ lựa chọn giữ trái phiếu đến khi đáo hạn.
Đơn vị phát hành cũng có thể lựa chọn mua lại một phần hoặc toàn bộ lượng trái phiếu chuyển đổi đã phát hành.
Quay lại với trường hợp Vingroup phát hành 450 triệu USD trái phiếu chuyển đổi vào tháng 6 và tháng 10/2018. Đây là lô trái phiếu không có tài sản đảm bảo, lãi suất cố định 3,5%/năm, kỳ hạn 5 năm.
Theo điều khoản của trái phiếu chuyển đổi này, các trái chủ có quyền chuyển đổi trái phiếu thành cổ phần phổ thông của Vingroup theo mức giá có thể được điều chỉnh sau 12, 22, 36 và 48 tháng kể từ thời điểm phát hành, bắt đầu từ ngày 14/6/2019.
Trong năm 2020, Vingroup đã tiến hành mua lại một phần trái phiếu, tương ứng giá trị 209,4 triệu USD.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, 238,2 triệu USD trái phiếu đã được hoán đổi thành cổ phiếu và 2,4 triệu USD trái phiếu còn lại được mua lại. Vingroup cho biết đã tái phát hành 58,64 triệu cổ phiếu quỹ để hoán đổi với các trái phiếu chuyển đổi nói trên. Mức giá hoán đổi được thực hiện là 4,06 USD/cp.
Như vậy, Vingroup đã hoàn tất một chu trình trái phiếu chuyển đổi trong khoảng 2,5 năm (bằng một nửa so với kỳ hạn đầy đủ), bao gồm mua lại và hoán đổi thành cổ phần.
Hay như Novaland năm 2018 phát hành 240 triệu USD trái phiếu chuyển đổi kỳ hạn 5 năm, chịu lãi suất 5,5%/năm. Giá chuyển đổi ban đầu được xác định là 74.750 đồng/cp, sau đó được điều chỉnh thành 60.000 đồng/cp. Tuy nhiên tính đến 30/6/2021, Novaland đã thực hiện chuyển đổi và mua lại (chủ yếu) toàn bộ lượng trái phiếu đã phát hành. Việc mua lại khiến công ty phải chịu lãi suất cao hơn là 6,25%/năm.
Trên thực tế, mức giá cổ phiếu NVL đã tăng lên mức trên 100.000 đồng (sau điều chỉnh) trong 6 tháng đầu năm, do đó việc thực hiện chuyển đổi với trái chủ là không có lợi cho công ty.
Như đã đề cập, NVL đã phát hành xong lô trái phiếu chuyển đổi mới 300 triệu USD với giá chuyển đổi 135.700 đồng/cp, cao hơn 30% so với mức giá hiện nay.
Novaland cho biết, nguồn vốn huy động từ đợt phát hành lần này để tập trung phát triển các dự án trọng điểm, gia tăng quỹ đất nhằm hoàn thành kế hoạch lợi nhuận 3 năm tới. Bên cạnh đó, giao dịch cũng góp phần làm cho cấu trúc nợ vay của công ty được cơ cấu tốt hơn do tăng cấu phần nợ trung dài hạn đáng kể.