MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trần Anh chấp nhận bán mình, Thế giới di động có "bàn đạp" tiến ra Bắc, vì đâu cổ phiếu không bứt phá nổi?

04-09-2017 - 13:18 PM | Doanh nghiệp

Sau nhiều đồn đoán trên thị trường, cuối cùng thương vụ M&A giữa CTCP Đầu tư Thế Giới Di động ( MWG ) và hệ thống điện máy Trần Anh ( TAG ) đã chuẩn bị đi tới hồi kết. Tuy nhiên, kể cả những người "săn" được tin sớm và những người đợi được đến bây giờ đều chưa được hưởng lợi đáng kể từ giá cổ phiếu MWG hay TAG. Vì sao lại vậy?

Chuyện Trần Anh bán mình cho đối thủ

Thế giới di động (mã chứng khoán MWG) nổi danh ở khu vực miền Nam trong ngành bán lẻ sản phẩm công nghệ. Doanh nghiệp này đã và đang là một cái tên đáng chú ý trên thị trường chứng khoán với mức độ tăng trưởng chóng mặt những năm gần đây và điển hình trong thành công của hình thức kinh doanh phân phối theo chuỗi. Thành lập từ năm 2004 nhưng doanh nghiệp này mới thực sự chuyển mình từ sau năm 2007 khi tiếp nhận vốn đầu tư của quỹ Mekong Capital.

Sự thành công của Thế giới di động đã được nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán ghi nhận thông qua giá cổ phiếu liên tục tăng trưởng mạnh trên thị trường. Chỉ trong 3 năm niêm yết, cổ phiếu MWG đã tăng gấp 5 lần tính theo giá điều chỉnh.

Nhưng, cái mà Thế giới di động đang khao khát đó là miền Bắc. Ở khu vực miền Nam của mình, Thế giới di động đã là "vua" nhưng ở miền bắc thì ông "vua" này lại chưa có gì nhiều.


Trần Anh cũng không phải là một cái tên "kém cỏi" trong ngành. Khởi đầu của Trần Anh là một cửa hàng kinh doanh máy tính và linh phụ kiện được thành lập vào năm 2002 tại Hà Nội. Đến năm 2004, Trần Anh mới bắt đầu định hướng hoạt động theo mô hình chuỗi, mở thêm cửa hàng thứ hai. Sau 4 năm, đến năm 2006 định hướng của doanh nghiệp này một lần nữa thay đổi. Trần Anh từ mô hình cửa hàng tiện lợi, chuyển hướng hoạt động sang mô hình chuỗi siêu thị và đánh dấu sự tham gia vào thị trường điện máy với 2 siêu thị trên 3.000 m2 tại 292 Tây Sơn và 1174 Đường Láng.

Thay vì đẩy mạnh vào mở rộng quy mô, chiến lược của Trần Anh khi đó là “ăn chắc mặc bền” với việc phát triển tập trung nhiều hơn đến chất lượng. Đến năm 2012 – sau 10 năm thành lập, đơn vị này mới chỉ sở hữu hệ thống gồm 4 siêu thị điện máy tại Hà Nội.

Tuy vậy, điều này giúp Trần Anh duy trì một tỷ suất sinh lời hợp lý. Từ năm 2008 – 2012, biên lãi gộp của Trần Anh duy trì từ 9% - 10% với biên lợi nhuận thuần từ 4% - 5% - con số khá cao so với nhiều chuỗi điện máy khi đó.

Tuy nhiên, định hướng hoạt động một lần nữa thay đổi vào năm 2013 – thời điểm Trần Anh có sự thay đổi về hệ thống quản lý và cổ đông chiến lược. Năm 2013, Trần Anh thay đổi bộ nhận diện thương hiệu với định hướng đặt vào phân khúc điện máy và máy tính. Sự góp mặt của cổ đông chiến lược Nojima – một trong những tập đoàn bán lẻ điện máy lâu đời với hệ thống thuộc nhóm lớn nhất Nhật Bản, đã phần nào tác động đến định hướng của Trần Anh.

Sau thời gian dài với bước đi thận trọng, Trần Anh bước vào giai đoạn tăng trưởng với trọng tâm vào mở rộng hệ thống. Chỉ riêng trong năm 2013, Trần Anh khai trương thêm 6 siêu thị mới, nâng tổng quy mô hệ thống lên 10 siêu thị.

Dù vậy, tác động đến kết quả kinh doanh với nước cờ đánh đổi này cũng dần lộ rõ. Năm 2013, lợi nhuận trước thuế của Trần Anh còn gần 2 tỷ đồng, giảm đáng kể so với lợi nhuận 42 tỷ đồng của năm 2012. Nguyên nhân chủ yếu do chi phí bán hàng tăng 40% trong khi lợi nhuận gộp tăng chưa tới 10%.

Dù vậy, Trần Anh vẫn là "ông vua" ngành bán lẻ điện máy ở khu vực miền Bắc.


Ông "vua" miền Nam đang khát khao mở rộng địa bàn còn ông "vua" miền Bắc lại đang loay hoay khi việc mở rộng mạng lưới không mang lại hiệu quả kinh doanh như mong muốn.


Trần Anh chắc chắn đã nhanh chóng nhận ra nước cờ đánh đổi lợi nhuận lấy độ phủ, thị trường tác động tiêu cực đến kết quả kinh doanh nhưng nếu không tranh thủ mở rộng, Trần Anh sẽ bị nuốt chửng khi Thế giới di động tiến quân ra Bắc. Với tốc độ mở cửa hàng nhanh như vũ bão của Thế giới di động đã làm ở miền Nam để loại bỏ đối thủ của mình, Trần Anh không khó để nhìn ra rằng, không nhanh chóng mở chuỗi thì 10 siêu thị của mình sẽ nhanh chóng bị Thế giới di động với tiềm lực tài chính mạnh vượt qua.


Thấy được áp lực từ kẻ mạnh, dù tình hình kinh doanh khi mở rộng chuỗi năm 2013 không đạt hiệu quả kinh tế nhưng năm 2014 và 2015, mỗi năm Trần Anh vẫn mở thêm 6 siêu thị mới. Đến năm 2016 tốc độ mở rộng của chuỗi điện máy này còn lớn hơn với 11 siêu thị được khai trương. Chỉ tính riêng từ giai đoạn 2013 – 2016, từ 4 siêu thị điện máy ban đầu, hệ thống của Trần Anh đã mở rộng lên 33 siêu thị với độ bao phủ tại 22 tỉnh thành.


Thế giới di động tất nhiên cũng nhìn thấy được nước cờ của Trần Anh. Lợi thế của người đi trước cùng thương hiệu tốt trong mắt người tiêu dùng và động thái chấp nhận hy sinh lợi nhuận để giữ lấy thị phần của Trần Anh đã khiến Thế giới di động khó lòng bước được chân ra Bắc.

Ra Bắc lúc này, Thế giới di động dù quyết tâm mở chuỗi và bao vây Trần Anh thì cuối cùng, cuộc chiến đó chỉ là loose-loose game khi mà Trần Anh đầy tên tuổi ở Bắc còn chưa thể tăng mạnh doanh thu, lợi nhuận thì Thế giới di động khó có thể làm tốt hơn.

Nhưng, khát khao tiến ra phía Bắc của Thế giới di động vẫn còn mạnh mẽ. Áp lực mở rộng để tăng trưởng khiến MWG đi đến nước cờ khác: M&A. Và, lựa chọn tốt nhất là đàm phán với đối thủ lớn nhất của mình để mua lại.

Vì sao giá cổ phiếu vẫn không bứt phá nổi?

Khát khao tiến được ra Bắc của Thế giới di động coi như đã đạt được quá nửa khi cổ đông gật đầu kế hoạch M&A và cổ đông Trần Anh cũng đã gật đầu kế hoạch bán mình.

Nhưng, cổ phiếu MWG của Thế giới di động không bứt phá nổi sau kế hoạch M&A lộ diện.

Còn đối với Trần Anh, Trần Anh như con tàu chở quá tải trọng, càng đi, nỗi lo chìm tàu càng cao. Bán mình bây giờ còn đắt giá.

Nhưng, cổ phiếu TAG của Trần Anh cũng không thể bứt phá nổi.

Hiện tại, cách thức mua lại, tỷ lệ mua lại cũng như mức giá mà Thế giới Di động sẽ trả vẫn còn là một ẩn số. Những đồn đoán xung quanh cách thức Thế giới di động sẽ mua lại cổ phần Trần Anh khiến nhà đầu tư không thể tự tin "đầu cơ" cổ phiếu Trần Anh để bán lại cho ông lớn Thế giới di động với giá hời được.

Nhà đầu tư thừa hiểu rằng, cuộc M&A đối thủ này đối với Thế giới di động chỉ là chiêu loại bỏ đối thủ mạnh khi ra Bắc còn khi sở hữu chuỗi điện máy của Trần Anh có giúp làm thay đổi tình hình kinh doanh của con tàu đắm hay không là chưa có cơ sở rõ ràng. Cổ đông Thế giới di động chưa thể kỳ vọng kinh doanh của công ty sẽ tốt lên nhanh chóng nhờ bài toán M&A được. Ngược lại, có thể chuỗi điện máy của Thế giới di động phải san sẻ thành quả của mình khiến kết quả kinh doanh bình quân trên từng cửa hàng sẽ giảm đi một chút. Tất nhiên, quy mô của Trần Anh bé hơn Thế giới di động nhiều nên tác động không đáng kể.

Còn với Trần Anh, nhà đầu tư cũng hiểu tình thế của con tàu quá tải của doanh nghiệp này. Việc phải bán mình là điều tất yếu. Thế giới di động chắc chắn không muốn mua đắt và điều họ có là thời gian. Trần Anh càng chần chừ, giá trị của Trần Anh càng giảm sút.

Phương Chi

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên