Trắng đêm nổi lửa vì miền Trung ruột thịt: Cả xã huy động hết những chiếc nồi lớn nhất vùng, không ngủ nấu hàng nghìn chiếc bánh chưng mang lên chuyến xe cứu trợ "thần tốc"!
Người dân xã La Phù (TP Hà Nội) từ khi nghe tin miền Trung bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai đã có những đêm không ngủ, đỏ lửa ngày đêm luộc bánh chưng giúp đỡ người dân vùng lũ.
- 20-10-2020Người dân nhiều tỉnh thành chung tay gói hàng ngàn chiếc bánh chưng, bánh tét cứu trợ "khúc ruột" miền Trung
- 19-10-2020Thêm một nghĩa cử nhân văn, "sát cánh cùng miền Trung ruột thịt": Bamboo Airways miễn phí vận chuyển hàng hoá cứu trợ, tặng vé cho các tổ chức và cá nhân tới hỗ trợ bà con vùng lũ
- 17-10-2020Dự án Nhà Chống Lũ phát huy tác dụng: Nhiều bà con miền Trung vượt qua lũ lụt; tiếp tục triển khai ở Huế, Quảng Trị và Quảng Nam
Những ngày qua nghe tin miền Trung phải gồng mình chống lại một trong những đợt thiên tai tồi tệ nhất, nỗi đau khi gia đình mất đi thành viên trên đường chạy lũ, những đứa trẻ phải ngủ trên bè chuối, người lớn thức trắng đêm phòng những trận lũ về bất chợt, nhìn cảnh tượng ấy bất kể người Việt Nam nào cũng không khỏi đau lòng.
Chính vì thế mà cả xã La Phù (TP Hà Nội) những ngày qua đã có những đêm không ngủ để cùng nhau góp sức, chung tay ủng hộ đồng bào đang gặp khó khăn. 21h đêm khi thời tiết se lạnh thì tại xã La Phù lại là một đêm ấm tình người, ở đây đã 1 tuần qua mọi người đã cùng nhau chung tay ủng hộ người dân vùng lũ bằng những nhu yếu phẩm cần thiết, 4 ngày gần đây nhiều thôn cùng nhau tập trung lại để gói tới 10.000 chiếc bánh chưng, theo những đợt hàng cứu trợ "thần tốc" chạy xuyên đêm để vào miền Trung ủng hộ.
Danh sách những người ủng hộ được công khai, ghi chép cẩn thận, tại đây không chỉ có tiền, người dân ai có gì góp nấy, người có thịt, người có lá rong, người có sức góp lại thành những chiếc bánh chưng dẻo thơm gửi vào miền Trung.
Chia sẻ về các hoạt động ủng hộ của cả xã, ông Tạ Công Luận - Bí Thư Đảng ủy xã La Phù cho biết: "Liên tục tại các thôn Tiền Phong, thôn Thắng Lợi, thôn Hoa Thám người dân làm bánh chưng, cùng với đó thôn Quyết Tiến và Trần Phú làm cơm nắm, ruốc và muối vừng. Để làm một số lượng nhiều bánh chưng đến vậy, về nhân công và nguyên liệu thì không thiếu, chỉ thiếu nhất là lá rong, khi vào thời điểm hiện tại không phải chính vụ, chúng tôi phải đi tận chợ Mai Lĩnh, đến mua cả vườn mới có đủ lá để gói.
Do thời tiết xấu và đường xá bị chia cắt, những chuyến xe của người làng chúng tôi khá vất vả để đưa đồ cứu trợ vào cho bà con, ngay từ ngoài này chúng tôi đã phải liên lạc vào trong đó để khi vào tận nơi có thể giúp đỡ được với những người dân đang gặp khó khăn, nhưng cũng phải đảm bảo an toàn cho các thành viên của xã đi vào trong đó ủng hộ".
Trời đã về đêm tại nhà văn hóa thôn Hoa Thám (xã La Phù, TP Hà Nội) vẫn còn rất nhiều người thức, họ thức vì miền Trung chưa có một đêm ngủ yên, tại đây từ già đến trẻ mỗi người một việc nhanh tay gói tới gần 2.000 chiếc bánh mỗi ngày.
Những chiếc lá rong đến đêm mới về một đợt mới, mọi người lại xúm lại gói bánh để đủ một mẻ bánh luộc trong đêm.
Ngồi làm công đoạn tước sống lá, chị Duyên mỗi lần nghĩ đến cảnh tượng người dân sống trên mái nhà, người già được lực lượng cứu hộ đưa ra từ bốn bề nước lũ lại không giấu nổi sự xúc động, "2 ngày nay tôi đi gói bánh chưng ở đây, thực sự không khí làm việc rất hồ hởi, chúng tôi gọi đây là những buổi gói bánh chưng cho cái "Tết tình người", bởi chưa năm nào mà có nhiều chiếc bánh chưng được gói đến vậy, những chiếc bánh năm nay dường như ấm hơn bởi... có tình người.
Chồng tôi hôm qua đã cùng đoàn lái chiếc xe tải chở 2,5 tấn hàng hóa, nhu yếu phẩm, đồ ăn vào trong miền Trung, mỗi xe có 2 người thay nhau lái xuyên đêm đến chiều hôm nay mới vào đến nơi. Tôi ở nhà cũng lo lắng, hôm qua trước khi anh lên đường tôi chuẩn bị cho anh mấy bộ đồ cũng dặn anh khi nào đến nơi nhớ thường xuyên gọi điện về để vợ con ở nhà bớt lo lắng", chị Duyên tâm sự.
Từng đòn bánh được làm vô cùng chỉn chu và ngon nhất có thể chứ chẳng phải "vì cho mà làm ẩu".
Tại ngôi làng nổi tiếng với nghề làm bánh kẹo truyền thống, người dân nơi đây luôn biết cách để gói chiếc bánh chưng làm sao cho vừa nhanh nhưng chiếc bánh vẫn đẹp, bánh ăn dẻo và thơm.
Nhà văn hóa của thôn ngày thường được người dân tận dụng để làm sân phơi lúa, nhưng tất cả đều nhường chỗ cho việc làm được xem là quan trọng nhất của xã.
Những thanh niên trẻ tuổi được giao nhiệm vụ chuẩn bị củi, tiếp nước vào trông bánh qua đêm.
Công việc lo lửa cho nồi bánh thật sự không dễ một chút nào.
Các cô các chú lớn tuổi bảo chứ "nôn quá không có ngủ được, về nhà chẳng yên tâm không biết tụi nhỏ nấu bánh có chín không nên thôi thức cùng tụi nó canh cho yên lòng".
Những chiếc nồi siêu lớn thường ngày đảm nhiệm việc nấu mạch nha làm bánh kẹo, thì nay được tận dụng để nấu bánh chưng, mỗi nồi có thể chứa tới 80 chiếc bánh.
Hàng chục nồi lớn ngày đêm luộc mỗi mẻ tới 2.000 chiếc bánh, 6 giờ sáng bánh sẽ được vớt và nhanh chóng được chuẩn bị để vận chuyển đi ngay trong ngày.
Trong khi đợi bánh chín, những dòng trạng thái kêu gọi ủng hộ đồng bào lũ lụt liên tục được chia sẻ và nhận được sự hưởng ứng tích cực của nhiều gia đình.
Ngay lúc đó từng chuyến xe cứu trợ "thần tốc" đã chuẩn bị nước uống, đồ ăn để lên đường thẳng tiến về miền Trung.
Pháp luật và bạn đọc