Trang thương mại điện tử Sendo ký kết chiến lược với Ngân hàng CIMB thúc đẩy cho vay tiêu dùng
Nếu như năm 2015 chỉ mới có vài công ty tham gia thì đến 2019 đã có gần 20 công ty được cấp phép, chưa kể các nền tảng cho vay tiêu dùng khác.
Mới đây, CTCP Công nghệ Sen đỏ (Sendo) – một trong những trang thương mại điện tử tại Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Ngân hàng TNHH MTV CIMB Việt Nam (CIMB Việt Nam) nhằm mang đến giải pháp vay tiêu dùng nhanh.
Cụ thể, CIMB hợp tác cùng Sendo để cung cấp dịch vụ cho phép khách hàng tiếp cận sản phẩm vay tiêu dùng thông qua ứng dụng và trang web của Sendo. Các khách hàng sẽ được trải nghiệm dịch vụ vay 100% trực tuyến với hồ sơ chỉ cần CMND, nhận kết quả duyệt khoản vay chỉ trong 4 giờ làm việc cùng mức lãi suất từ 1,67%/tháng.
2020: Thời đại công nghệ số của ngành tài chính tiêu dùng
Với hơn 97 triệu dân, trong đó có tới 60% nằm trong độ tuổi lao động, Việt Nam được xem là một trong những quốc gia có ngành tài chính tiêu dùng giàu tiềm năng. Theo báo cáo của Stoxplus, giá trị của thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam ước đạt hơn 43 tỷ USD (tương đương 1 triệu tỷ đồng) vào năm 2020.
Thực tế, trong những năm gần đây, xu hướng tiêu dùng cho thấy người Việt Nam đã sẵn sàng vay tiền mặt hoặc vay mua trả góp cho các mặt hàng tiêu dùng có giá trị như điện thoại đi động, máy tính xách tay, xe máy, cũng như các dịch vụ du lịch, sức khoẻ, làm đẹp… thay vì chờ đợi đến khi có đủ tiền nhằm giải quyết kịp thời các nhu cầu cấp thiết trong cuộc sống và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Chính vì vậy, vay tiêu dùng trực truyến chính là giải pháp mới để giải quyết bài toán nan giải của thị trường hiện nay. Thực tế, lĩnh vực tài chính truyền thống hiện đang phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ đến từ làn sóng tài chính công Nghệ (Fintech). Một trong những động lực chính trong việc mở rộng nhanh chóng lĩnh vực công nghệ tài chính trong năm qua đó là ngân hàng tìm đến những nền tảng số khổng lồ và trao quyền cho các doanh nghiệp thương mại điện tử bằng cách giúp họ vượt qua những rào cản về tài chính trong quá trình chuyển đổi số.
Do đó, "sự ra đời của sản phẩm vay tiêu dùng trên nền tảng Sendo bắt nguồn từ sự kết hợp kịp thời của những tiến bộ công nghệ, thói quen và nhu cầu tài chính khủng khiếp đến từ khách hàng của Sendo", đại diện CIMB Việt Nam cho hay.
Năm 2019 có đến 20 công ty được cấp phép cho vay tiêu dùng
Chia sẻ về thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam, vị này nhận định mức độ cạnh tranh trên thị trường tài chính tiêu dùng đã gia tăng đáng kể. Nếu như năm 2015 chỉ mới có vài công ty tham gia thì đến 2019 đã có gần 20 công ty được cấp phép, chưa kể các nền tảng cho vay khác. Điểm khác nhau giữa những công ty này là ở chiến lược phát triển. Hiện thị trường phân tách thành hai nhóm, gồm nhóm ưu tiên tăng trưởng lợi nhuận, chấp nhận tỷ lệ nợ xấu cao và nhóm ưu tiên chất lượng tài sản và mức độ an toàn vốn.
Khách hàng chính của các công ty tài chính tiêu dùng là đối tượng thu nhập thấp đến trung bình - không đủ năng lực tài chính để tiếp cận các khoản vay từ các ngân hàng thương mại do thủ tục và yêu cầu phức tạp. Điều kiện vay đơn giản, song lãi suất cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính khá cao.
Và, chiến lược của CIMB năm 2020 là tiếp tục cố gắng thu hẹp khoảng cách giữa sản phẩm Vay của ngân hàng với sản phẩm vay của các công ty tài chính. "Chúng ta đang sống trong một giai đoạn đặc biệt của lịch sử nhân loại. Toàn cầu hóa đã trở thành sự thực. Mỗi năm, thế giới ngày càng trở nên kết nối hơn và các tổ chức cũng tích cực mở rộng mạng lưới và hệ sinh thái của họ. Do đó, sự hợp tác giữa CIMB và những đối tác lớn trên thị trường chính là chiến lược phát triển dài hạn để theo kịp dòng chảy của thế giới.
Vào năm 2020, mục tiêu của chúng tôi là tập trung phát triển những sản phẩm số thông qua quan hệ đối tác chiến lược với Sendo, cùng phát triển giải pháp mới cho quá trình chuyển đổi số", bà Lê Hiền Trang – Giám đốc khối Tiếp thị và Đối tác CIMB Việt Nam - nhấn mạnh.