Tranh cãi gờ giảm tốc hại nhiều hơn lợi
Vụ tai nạn hi hữu xảy ra vì gờ giảm tốc trong khu công nghiệp khiến nhiều người hiểu lầm về tác dụng của thiết bị này.
Vụ tai nạn thương tâm xảy ra trong khuôn viên Khu công nghiệp cao quận 9 (TP.HCM) vào đêm qua (28-6). Nam thanh niên trong khi chạy xe máy với tốc độ cao, đến vị trí gờ giảm tốc do không kịp điều chỉnh tốc độ nên đã cán lên gờ này, cả người và xe ngã văng xa lên vỉa hè, tử vong tại chỗ.
Từ vụ việc trên đã nổ ra cuộc tranh luận về việc gờ giảm tốc lợi nhiều hơn hay hại nhiều hơn.
Hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: HT
Bất ngờ, mất lái sẽ tai nạn
Bạn đọc Thanh Tùng nhận định: “Những gờ giảm tốc đôi khi quá cao, lồi hẳn lên mặt đường một cách bất ngờ. Lỡ không quen địa hình hoặc hơi mất tập trung là có thể bị sóc một phát mạnh. Người yếu tay lái là ngã ngay. Trong đô thị không cần gờ giảm tốc, trong các khu nội bộ càng không cần”.
Đồng tình, bạn Mai Hương kể: “Lần đi vào đường Trương Định, đoạn qua Công viên Tao Đàn tôi suýt ngã vì một loạt gờ giảm tốc ở đây. Nếu quen đường thì không sao nhưng có khi đường tối, khó nhìn thì gờ giảm tốc còn nguy hiểm hơn bình thường”.
Đó là chưa kể đến ở một số điểm khi xe tải, xe ô tô đi qua gờ này gây ra tiếng động lớn, đặc biệt vào ban đêm khiến người dân sống hai bên đường bị ảnh hưởng rất nhiều. Hiện tượng này từng bị người dân sống trên đường Võ Thị Sáu, quốc lộ 1 than phiền.
Gờ giảm tốc ở sân bay Tân Sơn Nhất
Một số bạn cho rằng gờ giảm tốc chỉ có tác dụng khi người lái nhìn thấy nó trước khi đến “điểm G” để chủ động đạp thắng. Ngược lại, nếu vô tình không nhận biết phía trước có gờ giảm tốc mà băng qua luôn với tốc độ đang chạy thì có thể bị bất ngờ, loạng choạng tay lái.
“Gờ càng lớn, càng cao thì càng nguy hiểm. Nếu muốn giảm tốc thì đặt đèn tín hiệu là tốt hơn” - bạn TML góp ý.
Thiết bị không thể thiếu
Tuy nhiên, phần lớn bạn đọc đều cho rằng gờ giảm tốc là thiết bị vô cùng cần thiết để hạn chế tốc độ của xe cộ, đặc biệt ở những điểm giao cắt, khúc cua nguy hiểm.
“Trong khu công nghiệp hay các khu dân cư nội bộ, khúc cua người ta không thể gắn đèn giao thông được, do đó gờ giảm tốc là giải pháp tối ưu để các xe đến đoạn giao cắt, đông xe phải giảm tốc độ, giữ an toàn” - bạn MinhT nói.
“Nói gờ giảm tốc gây nguy hiểm là sai. Cả thế giới dùng thiết bị này để đảm bảo an toàn lưu thông. Nguy hiểm là do người lái xe chạy quá nhanh, không nhìn thấy hoặc không kịp giảm tốc thì mới gặp sự cố mà thôi. Nhưng nguyên nhân đó thì có gờ hay không cũng thế” - bạn Tuấn Anh khẳng định.
Đường nội bộ trong khu dân cư không thể gắn đèn giao thông
“Khi chạy qua gờ giảm tốc các xe đều sẽ rung lên, giống như cảm giác sóc ổ gà là cách để đánh động tài xế khiến họ tập trung hơn và chạy chậm lại. Tai nạn đa phần cũng chỉ vì quá tốc độ mà không kịp xử lý” - là góp ý của bạn Tuyết Mai.
Tự giới thiệu mình làm trong lĩnh vực cầu đường, bạn Quyết Thắng chia sẻ: “Gờ giảm tốc luôn được đặt ở những vị trí bắt buộc cần thiết các xe phải giảm tốc vì khả năng xảy ra va chạm cao. Đó được xem là những vị trí nhạy cảm mà cảm quan tự nhiên của người lái cũng tự nhận thấy để đạp phanh . Nếu ở các vị trí này lái xe vẫn phóng nhanh đến mức không kịp nhận ra có gờ giảm tốc thì khả năng cao là tài xế quá khinh suất”.
Thực tế, gờ giảm tốc được lắp ở vị trí nào, kích thước lớn nhỏ, khác nhau ở mỗi điểm ra sao đều được quy định rất rõ ràng, hợp lý trong các quyết định liên quan của Bộ GTVT. Thậm chí màu sơn phải dễ nhìn (trắng, vàng), có phản quang và khoảng cách giữa các gờ cũng được quy định rõ. Ngành giao thông đã nghiên cứu để chắc chắn người đi đường luôn dễ dàng nhận biết từ xa để kịp thời giảm tốc độ.
Quy cách của gờ giảm tốc được quy định rất rõ ràng
Độc giả Phương Lê chia sẻ: “Ở nước ngoài có những đoạn mặt đường còn được vẽ kiểu 3D, mô phỏng một vũng nước lớn để tạo tác động thị giác, đánh động cho tài xế giảm tốc độ. Nói chung, tất cả các thiết bị, hình vẽ với mục đích giảm tốc đều rất rõ ràng, không thể nói người lái xe không thấy dù đường quen hay lạ”.
Như vậy, căn cứ trên các quy định chuyên ngành và thực tế lưu thông, có thể thấy chuyện tai nạn do “vấp” phải gờ giảm tốc là khá hi hữu, phần lớn thuộc về lý do chủ quan. Xét về tính hữu ích, thiết bị này đã phát huy công năng trong việc điều chỉnh tốc độ các xe về ngưỡng an toàn ở vị trí tiềm ẩn nguy cơ .
Một số điểm thích hợp người ta có thể dùng đèn vàng chớp để cảnh báo. Tuy nhiên, không phải vị trí nào cũng có thể gắn cột đèn nên gắn gờ trên mặt đường vẫn là lựa chọn tốt hơn. Ý kiến của bạn về vấn đề này như thế nào? Gờ giảm tốc thực sự có lợi hay gây hại, hãy cho chúng tôi biết quan điểm của bạn trong phần bình luận dưới bài viết.
Pháp luật TPHCM