MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trễ hẹn hồ sơ nhà, đất tại nhiều quận, huyện

31-05-2018 - 07:52 AM | Bất động sản

Quyết định 60/2018 của TP về diện tích tối thiểu để tách thửa đã có hiệu lực sáu tháng nhưng nhiều vướng mắc, chưa đi vào cuộc sống.

Trễ hẹn, tách thửa đất nông nghiệp , đất ở thuộc quy hoạch hỗn hợp , quy hoạch xây dựng mới gặp vướng mắc khó khăn khiến dân bức xúc. Đó là tình hình giải quyết hồ sơ nhà đất tại các quận, huyện hiện nay được các quận, huyện báo cáo tại buổi làm việc giữa Sở TN&MT với 24 quận, huyện ngày 30-5.

Củ Chi: Chỉ 1% hồ sơ cấp giấy đúng hẹn

Trình bày tại cuộc họp, bà Huỳnh Thị Vang, Trưởng phòng TN&MT huyện Củ Chi, một trong những địa phương có tình trạng trễ hạn hồ sơ nhiều nhất, cho biết từ khi thành lập Chi nhánh Văn phòng đăng ký (VPĐK) đất đai huyện Củ Chi đến nay thì liên tục xảy ra tình trạng trễ hạn. “Chỉ tính từ đầu năm đến nay, huyện chuyển lên 3.190 hồ sơ thuộc thẩm quyền của VPĐK đất đai TP ký thì chỉ có 32 hồ sơ đúng hạn, chiếm tỉ lệ 1%. Còn lại 3.158 hồ sơ trễ hạn, chiếm 99%” - huyện này báo cáo.

Trong con số được huyện Củ Chi thống kê, khoảng 78% hồ sơ trễ hẹn 11-20 ngày. “Việc trễ hạn khiến người dân rất bức xúc. Huyện kiến nghị có giải pháp giải quyết tình trạng này hoặc có cơ chế ủy quyền như thế nào đó để giải quyết hồ sơ cho dân” - bà Vang đề xuất.

Các địa phương khác cũng thông báo có tình trạng hồ sơ trễ hạn như quận 9, Bình Chánh, Hóc Môn, quận 12…

Ông Dư Huy Quang, Giám đốc VPĐK đất đai TP, cho hay dù VPĐK đất đai TP được ủy quyền ký giấy chứng nhận nhưng chỉ một mình giám đốc được phép ủy quyền, còn các phó giám đốc không được ủy quyền ký giấy cũng là một bất cập. Bên cạnh đó, VPĐK đất dai TP cũng phải mất thời gian chuyển hồ sơ về đóng dấu của Sở TN&MT.

Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Toàn Thắng khẳng định việc trung ương cho phép TP.HCM được ủy quyền cho VPĐK đất đai TP ký giấy cũng giúp rút ngắn một bước trong quy trình cấp giấy theo quy định mới. Tuy nhiên, việc này vẫn chưa triệt để, “nếu không phân cấp, ủy quyền thì sẽ tiếp tục đối diện với việc trễ hạn” - ông Thắng nói. Ông Thắng cho biết mới đây Bộ TN&MT cũng đã chấp thuận cho Sở được ủy quyền cho giám đốc các chi nhánh ký giấy. Sở TN&MT đang chuẩn bị hoàn thiện quy trình thủ tục để triển khai trong tháng 6.

Trễ hẹn hồ sơ nhà, đất tại nhiều quận, huyện - Ảnh 1.

Một lô đất tại huyện Hóc Môn, TP.HCM gặp khó khăn trong việc tách thửa nên được người dân tận dụng trồng rau để bán. Ảnh: HOÀNG GIANG

Tách thửa: Đủ thứ vướng mắc

Một vấn đề gần như các quận, huyện ngoại thành đều vướng là giải quyết hồ sơ tách thửa cho người dân đối với đất nông nghiệp theo Quyết định 60/2018 của UBND TP quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa.

Ông Phạm Văn Hùng, Trưởng phòng TN&MT huyện Bình Chánh, thông tin theo Quyết định 60, việc tách thửa đối với đất nông nghiệp chỉ được giải quyết đối với đất quy hoạch để sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, rất nhiều khu vực thực tế đang là đất nông nghiệp nhưng đã được quy hoạch là đất dân cư xây mới hoặc đất hỗn hợp… Do đó, người dân có đất nông nghiệp trong những quy hoạch này không được giải quyết tách thửa. “Việc tách thửa không làm thay đổi bản chất quy hoạch, do đó nếu người dân có nhu cầu thì cần xem xét giải quyết cho dân. Tại huyện Bình Chánh, trường hợp này rất nhiều nhưng vướng quy định không tách thửa được nên người dân rất bức xúc” - ông Hùng nêu.

Đây cũng là vướng mắc chung của rất nhiều quận, huyện như Hóc Môn, Nhà Bè, Củ Chi, quận 12…

Cũng liên quan đến tách thửa, ông Thân Thế Hùng, Trưởng phòng TN&MT quận 12, cho hay Quyết định 60 chỉ giải quyết tách thửa cho đất dân cư hiện hữu và hiện hữu chỉnh trang. Tuy nhiên, quận 12 hiện nay có chín loại đất ở được phê duyệt như đất biệt thự vườn, đất dân cư xây mới, đất dân cư kết hợp phát triển du lịch, đất mật độ cao, mật độ thấp… “Theo quy định tại Quyết định 60 thì những trường hợp này có được giải quyết hay không?” - ông Hùng đặt vấn đề. Ông Thái Bỉnh Nghĩa, Trưởng phòng TN&MT huyện Hóc Môn, cũng cho biết huyện Hóc Môn cũng có nhiều loại đất như quận 12 và rất lúng túng khi giải quyết tách thửa cho dân.

Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Toàn Thắng cho hay các loại đất ở mà quận, huyện nêu trên thì bản chất vẫn là đất ở, nếu không giải quyết thì sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi người dân. Theo ông Thắng, Luật Đất đai chỉ có đất ở, đất nông nghiệp và các loại đất khác. Trong khi quy hoạch xây dựng thì có các loại đất như hỗn hợp, xây dựng mới,… “Quy hoạch xây dựng không khớp với quy hoạch đất đai. Quyết định 60 đã giải quyết đúng như tinh thần quy hoạch đất đai nhưng lại lệch với quy hoạch xây dựng nên đã xảy ra bất cập. Chỉ khi nào hai quy hoạch này tương ứng với nhau thì mới giải quyết được” - ông Thắng nói.

Từ những khó khăn, vướng mắc của quận, huyện, ông Thắng đề nghị các địa phương tập hợp gửi về Sở để sở này kiến nghị UBND TP tìm hướng giải quyết. “Quyết định 60 đã ban hành sáu tháng nay nhưng không có hồ sơ được giải quyết thì chứng tỏ là quyết định này chưa thực sự đi vào cuộc sống” - ông Thắng nhận xét.

Theo Việt Hoa

Pháp Luật TPHCM

Trở lên trên