Triển vọng giá dầu 80 USD/thùng và thách thức từ biến chủng Delta
Nhiều tổ chức, chuyên gia đồng thuận quan điểm cho rằng giá dầu sẽ tiếp tục tăng. Yếu tố gần như duy nhất có thể cản trở đà tăng này chính là khả năng đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại.
- 26-07-2021Triển vọng giá dầu, vàng tuần 26 - 30/7
- 24-07-2021Thị trường diễn biến khó lường, chuyên gia "quay xe" dự báo giá dầu tiếp tục tăng mạnh
Với thành công của Saudi Arabia trong các cuộc họp thoả thuận chính sách của Tổ chức các nước xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+), nhóm đã thống nhất sẽ tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày kể từ tháng 08/2021. Theo nhận định của nhiều tổ chức lớn, đây là yếu tố quan trọng để tạo đà cho giá dầu tăng lên vùng 80 USD/thùng trong quý III hoặc muộn nhất là quý IV năm nay.
Đóng cửa ngày 28/07/2021, giá dầu thô WTI kỳ hạn tháng 9 trên Sở NYMEX tăng 1,03% lên mức 72,39 USD/thùng và giá dầu Brent trên Sở ICE tăng 0,35% lên mức 74,74 USD/thùng. Giá dầu thế giới đang ở mức cao nhất trong vòng 2 tuần. Nếu tính từ đầu năm tới nay, giá dầu đã tăng hơn 50%.
Nền kinh tế của các nước phát triển vẫn đang trên đà phục hồi
Triển vọng kinh tế các nước lớn như Mỹ và Trung Quốc đang được đánh giá rất tích cực trong năm nay, với kỳ vọng vào tiến độ tiêm chủng vắc-xin COVID-19 và các chính sách thích ứng đến từ phía các Ngân hàng Trung ương.
Bất chấp các lo ngại về tiến trình tiêm chủng tại Mỹ đang bị chững lại trong thời gian qua, các số liệu gần đây cho thấy lượng người dân đi tiêm đã tăng lên khi họ đối mặt với nguy cơ dịch bùng phát trở lại. Theo thống kê của trang Our World in Data, số mũi tiêm vắc-xin phục hồi từ mức thấp nhất 200.000 liều/ngày lên ổn định 600.000 liều/ngày trong tuần trước.
Hầu hết các phân tích đều dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ có mức tăng trưởng ấn tượng trong năm nay, với khảo sát của Bloomberg dự báo GDP của Mỹ trong năm 2021 tăng 6,6%. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tiếp tục cam kết giữ nguyên lãi suất thấp đến khi lạm phát đạt 2% trong cuộc họp vừa qua, để giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19 lên kinh tế chung của toàn khối khi các nước thành viên đang dần mở cửa trở lại.
Mức tăng sản lượng của OPEC+ chậm hơn so với nhu cầu đang phục hồi
Trong quý II năm nay, nguồn cung dầu toàn thế giới bị thiếu hụt gần 2 triệu thùng/ngày so với nhu cầu khi mà hoạt động đi lại đã tiến gần tới mức trước đại dịch COVID-19.
Số chuyến bay thương mại ghi nhận bởi nhà cung cấp dịch vụ Flightradar24 ở thời điểm hiện tại chỉ còn thấp hơn con số cùng kỳ năm 2019 - thời điểm trước dịch COVID-19 khoảng 6%. Trong khi đó, theo số liệu của Bộ Giao thông Vận tải Anh, lượng giao thông đường bộ tại nước đã vượt qua mức trước dịch COVID-19 trong đầu tháng 6/2021, khi các lệnh giãn cách vẫn chưa được dỡ bỏ hoàn toàn.
Theo các ước tính mới nhất từ 3 tổ chức Dầu lớn là Tổ chức Năng lượng Thế giới (IEA), Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), Tổ chức các nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), lượng dầu mà OPEC+ cần cung cấp để đạt cân bằng thị trường lớn hơn rất nhiều so với con số 2 triệu thùng/ngày mà nhóm đặt ra trong nửa cuối năm nay.
Trong khi đó, các công ty dầu đá phiến tại Mỹ đang hạn chế tăng sản lượng để đảm bảo mức lợi nhuận tốt và tránh các rắc rối pháp lý khi chính phủ thắt chặt các quy định bảo vệ môi trường. Vậy nên, nếu nhu cầu tiêu thụ dầu thô thế giới phục hồi mạnh đúng như dự đoán, thị trường dầu sẽ rơi vào trạng thái thiếu hụt nghiêm trọng, đẩy giá dầu lên cao.
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), việc thoả thuận cắt giảm sản lượng được kéo dài từ tháng 4 đến cuối năm sau cho phép OPEC+ linh hoạt hơn trong việc điều chỉnh mức sản lượng trong nhóm.
Ngoài ra, kết quả của thoả thuận lần này cũng củng cố vai trò lãnh đạo của Saudi Arabia trong nhóm, giúp Saudi Arabia dễ dàng thực hiện các biện pháp hỗ trợ giá nếu cần thiết. Với ngân sách phụ thuộc nhiều vào nguồn thu từ dầu mỏ, Saudi Arabia có nhiều động lực để hỗ trợ giá dầu.
Biến số Delta và tương lai bất ổn của giá dầu
Yếu tố lớn nhất hiện tại có thể cản trở đà tăng của giá dầu chính là khả năng đại dịch COVID-19 bùng phát trở lại. Tất cả các dự báo lạc quan của IEA, EIA hay OPEC đều dựa trên kịch bản đại dịch COVID-19 sẽ được kiểm soát trong năm nay. Trong khi đó, biến thể Delta đang lây lan trở lại tại nước Mỹ cũng như khu vực Đông Nam Á cho thấy khó khăn trong việc kiểm soát dịch, đặc biệt trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin vẫn chưa đủ cao.
Thực tế cho thấy, tác động của dịch COVID-19 đối với tiêu thụ năng lượng trong năm 2020 lớn hơn rất nhiều so với các dự đoán đưa ra trước đó, với tiêu thụ dầu thô giảm đến 9,3%, mức giảm lớn nhất trong lịch sử.
Theo đánh giá của MXV, nếu không có các biện pháp hạn chế dịch đủ hiệu quả, các quốc giá sẽ buộc phải quay trở lại phong toả trên diện rộng, và khi đó, giá dầu có thể bị đẩy xuống vùng giá 60 USD/thùng. Tuy vậy, ngay cả trong trường hợp này, với việc các nước sản xuất dầu lớn tiếp tục kiểm soát chặt chẽ sản lượng, thị trường sẽ không xảy ra khủng hoảng lớn khiến giá rơi vào vùng giá âm như tháng 4 năm ngoái.