MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Triển vọng xếp hạng tín nhiệm giúp Việt Nam có nhiều lợi thế hơn để thu hút FDI

Việc kinh tế tăng trưởng dương, kiểm soát tốt dịch bệnh và lạm phát là những yếu tố khiến Việt Nam được xếp hạng triển vọng tín nhiệm cao. Mức xếp hạng tín nhiệm và triển vọng tín nhiệm quốc gia được các nhà đầu tư nước ngoài xem như yếu tố tiên quyết để xác định mức độ rủi ro và khả năng sinh lời, trước khi ra quyết định đầu tư.

Tình hình thu hút FDI 5 tháng đầu năm có tín hiệu tích hơn so với cùng kỳ năm ngoái thể hiện ở tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và hoạt động góp vốn, mua cổ phần đạt gần 14 tỷ USD, tăng 0,8%  theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư. Đây là tháng đầu tiên kể từ đầu năm ghi nhận dòng vốn FDI tăng trưởng.  Đồng thời, vốn FDI thực hiện cũng đạt gần 7,2 tỷ USD, tương đương mức tăng 6,7% so với cùng kỳ năm vừa qua.

Nhận định về tình hình thu hút FDI, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn hàng đầu đối với nhà đầu tư, kinh doanh quốc tế và thực sự đang có làn sóng dịch chuyển các chuỗi cung ứng sang Việt Nam.

"Sự ổn định về chính trị xã hội, khả năng kiềm chế dịch bệnh, khả năng chống chịu cao của nền kinh tế, nhất là những cơ hội mở cửa thị trường rất lớn của Việt Nam thông qua việc triển khai các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA, đang mở ra không gian lớn về thị trường cho nền kinh tế Việt Nam. Đấy là điểm vô cùng hấp dẫn cho nhà đầu tư nước ngoài", Chủ tịch VCCI nói.

Các chuyên gia cho rằng việc 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm (Moody's, S&P và Fitch) đồng loạt nâng triển vọng từ ổn định lên tích cực và giữ nguyên hệ số tín nhiệm quốc gia sẽ giúp Việt Nam có nhiều lợi thế hơn trong thu hút FDI.

Trong đó, S&P đánh giá Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì ở trạng thái tốt để phục hồi vững chắc trong 1-2 năm tới. Có được điều đó là nhờ việc Chính phủ áp dụng biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, giữ vững vị thế điểm đến hàng đầu trong Đông Nam Á về thu hút FDI và tăng trưởng xuất khẩu ổn định.

Lý giải về điều này, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng việc Việt Nam giữ được mức tăng trưởng dương, kiểm soát dịch bệnh Covid-19 và lạm phát tốt là 3 yếu tố khiến Việt Nam có mức xếp hạng tín nhiệm cao. 

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam cho biết trong báo cáo triển vọng kinh tế châu Á, ADB dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,7% trong năm nay và 7% vào 2022. Đây là thành quả của việc kiểm soát tốt dịch Covid-19 dù số ca lây nhiễm thời gian gần đây có tăng cao hơn. Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục đà phục hồi kinh tế mạnh mẽ trong năm nay và cả năm sau.

Mức xếp hạng tín nhiệm và triển vọng tín nhiệm quốc gia được các nhà đầu tư nước ngoài xem như yếu tố tiên quyết để xác định mức độ rủi ro và khả năng sinh lời, trước khi ra quyết định đầu tư.

Ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham cho biết dịch Covid-19 không mấy ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư của các thành viên EuroCham. Doanh nghiệp châu Âu đã mở rộng đầu tư và giờ còn muốn mở rộng hơn nữa.

"Đối với công ty tôi đang làm việc, Việt Nam đã trở thành quốc gia ưu tiên đầu tư. Với tư cách là một công ty châu Âu và đại diện cho các doanh nghiệp châu Âu, chúng tôi rất sẵn lòng đầu tư nhiều hơn nữa vào Việt Nam", Chủ tịch EuroCham nói thêm.

Triển vọng tín nhiệm quốc gia tăng sẽ tác động tích cực đến tâm lý và quyết định của nhà đầu tư nước ngoài, từ đó cơ hội, triển vọng thu hút FDI cũng tăng lên. Điều này càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực thu hút FDI để gia tăng nguồn vốn, phục vụ cho việc khôi phục và phát triển nền kinh tế hậu dịch Covid-19.

Theo Ngọc Hà

Theo Người Đồng Hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên