MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Triệu phú hối tiếc đã không dạy con 6 bài học về quản lý tài chính ngay từ nhỏ

05-09-2022 - 00:01 AM | Sống

Nếu không dạy con mình những bài học về cách quản lý tài chính ngay ngay từ nhỏ, chúng sẽ dễ mắc những sai lầm lớn khi trưởng thành.

Michael Yardney là tác giả và là đồng tác giả của 8 cuốn sách về tài chính, làm giàu nổi tiếng như Rich Habits, Poor Habits (tạm dịch: Sự khác biệt giữa người giàu và người nghèo), How to Grow a Multimillion-Dollar Property Portfolio (tạm dịch: Cách phát triển tài sản thêm hàng triệu USD)...

Ông cũng là nhà tư vấn đầu tư, Giám đốc Metropole Property Investment Strategists, người dẫn chương trình Michael Yardney Podcast.

Chia sẻ với CNBC Make It, Michael Yardney thú nhận rằng ở tuổi 67, ông hối hận vì không dạy con về tài chính khi chúng còn nhỏ.

"Các con tôi giờ đã lớn, nếu có thể quay ngược thời gian, tôi sẽ dạy con 6 bài học xương máu", vị triệu phú khẳng định.

Triệu phú hối tiếc đã không dạy con 6 bài học về quản lý tài chính ngay từ nhỏ - Ảnh 1.

Michael Yardney

1. Chỉ mua những thứ mình kiếm đủ tiền

Theo Yardney, trẻ em cần học rằng chúng chỉ nên mua những gì mình muốn khi đã có đủ tiền tiết kiệm. Tuy nhiên, không nhiều phụ huynh làm được điều này.

"Chúng ta đều muốn điều tốt nhất cho con mình. Đó là cái bẫy phổ biến khiến các bậc phụ huynh cung cấp cho con cái mọi thứ mà chúng ta cho là cần thiết. Bạn có mua quần áo mới sau mỗi mùa cho con? Đồ chơi mới mỗi cuối tuần thì sao? Nếu câu trả lời là có, điều này chứng tỏ bạn cung cấp mọi thứ quá đầy đủ cho con. Con trẻ rất dễ sinh ra tâm lý thiếu kiên nhẫn bởi mong muốn được thỏa mãn ngay lập tức", vị triệu phú chia sẻ.

Kiên nhẫn là chìa khóa trong hành trình dạy con về tiền bạc. Với quan điểm này, ông cho rằng thay vì mua món đồ chơi trị giá 20 USD cho con ngay lập tức, bạn hãy rèn để trẻ có thói quen tiết kiệm 5 USD mỗi tuần.

Liên tiếp trong một tháng, con có thể tự mua được món đồ mình thích. Việc làm này giúp chúng trân trọng món đồ chơi hơn vì đã làm việc chăm chỉ để có được.

2. Người nhiều đồ chơi nhất không không phải là người chiến thắng

Tất cả chúng ta đều thích có mọi thứ mình mong muốn. Nhưng kỳ vọng là kẻ thù đáng sợ nhất của quản lý tiền bạc. Chúng ta thường bị hấp dẫn bởi lối sống sang chảnh, xa hoa của nhiều người nổi tiếng.

Điều đó là dễ hiểu song nó vô tình khiến chúng ta bỏ qua những dư vị của cuộc sống mà theo đuổi mục tiêu giàu có, lộng lẫy.

Ông cho rằng của cải không tạo nên cuộc sống giàu có. Chính những trải nghiệm - thứ mà tiền khó có thể mua được mới khiến bạn trở nên giàu có và hạnh phúc.

Chính vì quan điểm này, ông muốn dạy con cách tận hưởng cuộc sống, chú trọng trải nghiệm hơn là chỉ lao vào đồng tiền và cuộc sống sang chảnh.

3. Sử dụng lãi kép để giúp số tiền tiết kiệm đạt được hiệu quả cao hơn

Việc sử dụng lãi kép để phát triển sự giàu có của bạn không chỉ dựa vào số tiền bạn đang có được, mà còn phải dựa vào thời gian tích lũy chúng. Trên thực tế, nếu có đủ thời gian tích lũy, lãi kép gửi tiền ngân hàng sẽ giúp số tiền của bạn tăng lên rất nhiều. Chính vì vậy mà Albert Einstein gọi lãi kép là giác quan thứ 7 của loài người và là lực lượng mạnh nhất trong vũ trụ.

Triệu phú hối tiếc đã không dạy con 6 bài học về quản lý tài chính ngay từ nhỏ - Ảnh 2.

Qua đó, bạn nên khuyến khích con mình bắt đầu tiết kiệm và đầu tư càng sớm càng tốt, chúng sẽ có nhiều khả năng đảm bảo tương lai tài chính của mình hơn.

4. Tập trung nhiều hơn vào thu nhập thụ động

Không phải tất cả thu nhập đều được tạo ra như nhau. Một số luồng là tuyến tính, số khác thuộc nhóm thụ động.

Thu nhập tuyến tính là những gì bạn nhận được từ một công việc. Bạn có thể làm việc trong một giờ và được trả lương cho số giờ bạn đã làm việc. Nếu không đi làm, bạn sẽ không được trả lương.

Còn thu nhập thụ động là khi bạn làm việc một lần, số tiền vẫn được trả nhiều lần. Ngay cả khi không làm việc đó nữa, tiền vẫn sản sinh và thuộc về bạn. Yardney nhấn mạnh khoản thu nhập khiến chúng ta trở nên giàu có, thậm chí nhanh chóng hơn, là loại thụ động.

Các nhà bất động sản thực hiện điều này qua quá trình như sau: Ban đầu họ làm việc nhiều giờ, tiết kiệm khoản tiền nhất định. Sau đó, họ lấy số tiền đó vào đầu tư. Đồng tiền sinh lời và mang về cho họ lợi nhuận ngay cả khi họ làm công việc khác.

5. Nợ nần hôm nay là nỗi khổ mai sau

Khi còn trẻ, chúng ta có xu hướng nghĩ về điều khiến mình hạnh phúc. Suy nghĩ đó mang tính thời điểm hiện tại mà không phải ngày mai hay 10 năm sau.

Thật không may, theo lời Yardney, đây là nguyên nhân khiến hàng triệu người trẻ tuổi sống trong cảnh nợ nần thẻ tín dụng hoặc không có đồng tiền tiết kiệm khi về già.

Chính bởi lẽ đó, cha mẹ nên dạy con điều giản dị rằng khoản nợ ngày hôm nay sẽ cướp đi thu nhập trong tương lai. Chúng ta không nên hy vọng vào số tiền mà mình chưa kiếm được. Hạn chế nợ nần là cách giúp mọi người kiểm soát tài chính tốt hơn, đảm bảo tương lai.

Triệu phú hối tiếc đã không dạy con 6 bài học về quản lý tài chính ngay từ nhỏ - Ảnh 3.

6. May mắn được tạo nên nhờ làm việc chăm chỉ

Nhiều người trong chúng ta có xu hướng xem thành công của những cá nhân khác đến từ sự may mắn. Có thể điều đó đúng ở thời điểm nào đó. Nhưng một điều không thể phủ nhận là những người thành công luôn nỗ lực hết mình để đạt đến đỉnh cao trong lĩnh vực mà họ chọn.

Bài học cha mẹ nên dạy con đó là không nên trông chờ vào sự may mắn để đổi đời hay trở nên giàu có. Thay vào đó, trẻ cần tìm cho mình thứ các con đam mê, yêu thích và kiếm sống từ nó.

Theo CNBC Make it

Đinh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên