Trình Quốc hội quyết định việc giảm thuế theo thủ tục rút gọn
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường vừa thông báo kết luận của Uỷ ban Thường vụ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng.
- 18-05-2023Tiếp sức để doanh nghiệp hồi sinh: Giảm thuế, kích cầu tiêu dùng
- 16-05-2023Dự kiến giảm thuế VAT xuống 8% nhưng đây là những ngành có thể không được ưu đãi này
- 16-05-2023Rút đề xuất giảm thuế với ngân hàng, chứng khoán, kinh doanh bất động sản
Trước đó, ngày 13/5, tại phiên họp thứ 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng.
Thông báo của Tổng Thư ký Quốc hội nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất bổ sung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng vào Chương trình Kỳ họp thứ 5.
Cụ thể, dự thảo Nghị quyết sẽ được trình Quốc hội xem xét, quyết định theo quy trình, thủ tục rút gọn và đưa nội dung này vào nội dung Nghị quyết chung của Kỳ họp Quốc hội.
Đồng thời, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ nghiêm túc rút kinh nghiệm để bảo đảm tuân thủ thời gian trình hồ sơ theo quy định.
Cùng với đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất phạm vi áp dụng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng như đã được quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Thời gian áp dụng Nghị quyết từ ngày 1/7/2023 đến ngày 31/12/2023.
“Chính phủ chịu trách nhiệm tổ chức triển khai kịp thời, bảo đảm không làm giảm thu ngân sách nhà nước và khả năng cân đối của ngân sách trong phạm vi bội chi ngân sách nhà nước năm 2023 đã được Quốc hội thông qua”, thông báo nêu rõ.
Ủy ban Thường vụ Quốc cũng đề nghị Chính phủ tiếp thu các ý kiến của Thường vụ, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách để hoàn thiện hồ sơ, gửi các cơ quan thẩm tra theo quy định để trình Quốc hội.
Đồng thời, bổ sung các nội dung tổng kết, đánh giá quá trình thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng trong năm 2022, tác động của việc giảm thuế giá trị gia tăng đối với tăng trưởng kinh tế, kích cầu tiêu dùng, nguồn thu ngân sách nhà nước.
Tại phiên họp thứ 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không tán thành áp dụng giảm thuế với các sản phẩm hàng hoá, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và các lĩnh vực khác như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản…
Sau đó, Chính phủ có tờ trình, tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế GTGT 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, mức giảm này không được áp dụng với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ: Viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại…
Theo Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, với mức giảm thuế này, người dân là đối tượng sẽ được hưởng lợi trực tiếp, vì việc giảm thuế với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất 10% sẽ góp phần giảm giá bán, góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ.
Tiền phong