Trở thành ngân hàng mẹ của Ngân hàng Xây dựng, Vietcombank được gì?
Ban lãnh đạo Vietcombank cho biết việc nhận chuyển giao TCTD yếu kém sẽ góp phần vào sự phát triển lành mạnh và ổn định của ngành ngân hàng, nền kinh tế; đồng thời tạo cơ hội mang lại lợi ích cho cổ đông của ngân hàng.
Chia sẻ tại buổi gặp gỡ báo chí ngày 5/6, ông Đàm Minh Đức, Thành viên Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Ngân hàng Xây Dựng (CB), cho biết: "Dự kiến khoảng 6 tháng nữa Vietcombank sẽ trở thành ngân hàng mẹ của CB. Vừa qua, Bộ Chính trị cũng đã phê duyệt chủ trương này. CB cũng đang chuẩn bị sẵn sàng cho công tác chuyển giao bắt buộc về Vietcombank".
Theo lãnh đạo CB, được chuyển giao về một trong những tổ chức tín dụng hàng đầu Việt Nam sẽ mở ra hành trình mới với CB, sau hơn 8 năm kiên định trên hành trình tái cơ cấu.
Trên thị trường từ lâu đã đồn đoán về khả năng Vietcombank sẽ nhận chuyển giao CB. Trước đó, năm 2015, khi CB bị mua lại bắt buộc 0 đồng và kiểm soát đặc biệt do thua lỗ, âm vốn, Vietcombank đã được chỉ định tham gia hỗ trợ ngân hàng này tái cơ cấu.
Về phía Vietcombank , năm 2022, ngân hàng đã xin ý kiến cổ đông về chủ trương nhận chuyển giao bắt buộc (CGBB) một tổ chức tín dụng. Dù không chia sẻ chi tiết về đối tượng hướng tới, song ban lãnh đạo Vietcombank cho biết đây là tổ chức tín dụng này đang nằm trong danh sách các ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt của NHNN. Đồng thời, Phó Tổng Giám đốc Phùng Nguyễn Hải Yên cũng xác nhận khoản nợ xấu hơn 4.000 tỷ của tổ chức tín dụng khác trong BCTC Vietcombank năm 2021 có liên quan đến Ngân hàng Xây Dựng.
Ban lãnh đạo Vietcombank khi đó cho biết, sau khi Vietcombank nhận CGBB, TCTD được chuyển giao sẽ hoạt động dưới hình thức ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Vietcombank sở hữu 100% vốn điều lệ, là pháp nhân độc lập và không thực hiện hợp nhất BCTC vào BCTC hợp nhất của Vietcombank.
Bên cạnh đó, Vietcombank không góp vốn vào TCTD trong thời gian TCTD còn lỗ lũy kế; Vietcombank không chịu trách nhiệm về thanh khoản và các nghĩa vụ tài chính của TCTD trong thời gian thực hiện phương án CGBB;
Vietcombank sẽ tham gia quản trị, điều hành và triển khai các biện pháp hỗ trợ tại Phương án CGBB được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Tới Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 vừa qua, Vietcombank tiếp tục đề cập đến kế hoạch nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng yếu kém theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.
Theo ông Phạm Quang Dũng - Chủ tịch Vietcombank, ngân hàng này đã trình và được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thông qua chủ trương nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng yếu kém. Vietcombank cũng đã xây dựng xong phương án nhận chuyển giao và trình lên các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền được để chờ phê duyệt.
"Ngay sau khi nhận được quyết định phê duyệt, Vietcombank sẽ tổ chức thực hiện. Hiện nay, ngân hàng đang rất tích cực chuẩn bị nhận chuyển giao TCTD yếu kém”, ông Dũng chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông vừa qua.
Vietcombank được gì khi nhận chuyển giao TCTD yếu kém?
Trong tài liệu phục vụ cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2022, ban lãnh đạo Vietcombank cho biết việc nhận chuyển giao tổ chức tín dụng yếu kém sẽ góp phần vào sự phát triển lành mạnh và ổn định của ngành ngân hàng, nền kinh tế; đồng thời tạo cơ hội mang lại lợi ích cho cổ đông của Vietcombank.
Theo đó, hoạt động này sẽ cho phép Vietcombank có điều kiện mở rộng quy mô kinh doanh, cơ sở khách hàng, mạng lưới,...
Cụ thể, Vietcombank sẽ được áp dụng các biện pháp hỗ trợ theo quy định tại Luật các tổ chức tín dụng, các quy định của pháp luật có liên quan được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt tại Phương án CGBB bao gồm:
Vietcombank được ưu tiên chấp thuận cho vay vượt 15%/25% vốn tự có của Vietcombank đối với khách hàng và nhóm khách hàng liên quan của ngân hàng; cho vay trung dài hạn bằng ngoại tệ đối với các dự án trọng điểm; tăng thị phần phục vụ các dự án vốn tín dụng quốc tế cho Vietcombank trong suốt thời gian TCTD chưa hết lỗ luỹ kế;
Bên cạnh đó, NHNN không giới hạn tăng trưởng tín dụng hàng năm của Vietcombank nếu Vietcombank đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn theo quy định; Vietcombank được phát hành trái phiếu dài hạn cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam ngay sau khi nhận CGBB TCTD; Vietcombank được trả cổ tức bằng cổ phiếu từ toàn bộ lợi nhuận còn lại sau trích lập các quỹ để tăng vốn tự có (trong các năm xử lý lỗ lũy kế của TCTD); Vietcombank được mở thêm Chi nhánh/PGD trên các địa bàn tỉnh thành phố với số lượng tối thiểu bằng ngân hàng thương mại có vốn nhà nước có số chi nhánh/PGD thấp nhất trên địa bàn.
Ngoài ra, Vietcombank không phải áp dụng các điều kiện hạn chế trong giao dịch với TCTD nhận CGBB với tư cách là một ngân hàng con của Vietcombank, các giao dịch liên quan đến tài sản có với TCTD được áp dụng hệ số rủi ro 0% khi tính tỷ lệ an toàn và được phân loại vào nhóm nợ đủ tiêu chuẩn.
Các biện pháp hỗ trợ cụ thể và mức áp dụng sẽ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt tại Phương án CGBB.
Theo lãnh đạo Vietcombank, thời gian xử lý tổ chức tín dụng yếu kém sẽ phụ thuộc vào tình hình tài chính của đơn vị này. Ngoài ra, cũng phụ thuộc vào quy mô và mức độ hỗ trợ của các cơ quan có thẩm quyền. Thứ ba là diễn biến của thị trường.
''Vietcombank đánh giá, với sự hỗ trợ theo quy định mà ngân hàng nhận được, thời gian xử lý sẽ không quá 8 – 10 năm. Biến những tổ chức này thành các tổ chức tín dụng lành mạnh và hoạt động bình thường'', Chủ tịch Vietcombank Phạm Quang Dũng cho biết và nhấn mạnh: ''Dù là bất cứ TCTD nào, với sự hỗ trợ của của chính phủ và NHNN và quyết tâm của Vietcombank, chúng ta có khả năng xử lý và đưa tổ chức tín dụng này về tình trạng hoạt động bình thường''.
Nhịp sống Thị trường