Chủ tịch Xây dựng Hòa Bình: "Tôi tin cổ phiếu HBC sẽ tăng nhưng thực tế tăng quá nhanh so với dự đoán"
Tại buổi trò chuyện này, ông Hải sẽ mang đến câu chuyện về những thách thức cũng như cơ hội của ngành xây dựng trong bối cảnh bình thường mới. Đồng thời, ông cũng sẽ chia sẻ chiến lược của Xây dựng Hoà Bình để có thể nắm bắt cơ hội, tiếp tục phát triển bền vững trong tương lai.
Số thứ 4 của chuỗi talk show "Trỗi dậy sau khủng hoảng", Trí thức trẻ sẽ có cuộc trò chuyện với ông Lê Viết Hải – Đại diện Hiệp hội xây dựng và VLXD Tp.HCM, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (HoSE: HBC) - một doanh nhân có rất nhiều tâm huyết, trăn trở với ngành xây dựng Việt Nam. Đồng thời, ông Hải cũng như Xây dựng Hoà Bình được biết đến là người đầu tiên khai phá thị trường quốc tế. Trong đó, năm 2011, Xây dựng Hoà Bình đã sớm "đem chuông đi đánh xứ người".
Ngành xây dựng vừa trải qua áp lực kép từ đại dịch Covid-19 cũng như sự tăng giá của VLXD. Đến nay, dù Việt Nam đã dần nới lỏng giãn cách cũng như bước vào thời kỳ bình thường mới, giá cả VLXD cũng hạ nhiệt, song theo ông Lê Viết Hải khó khăn nhất của ngành vẫn chưa qua.
Bởi, bên cạnh đại dịch cũng như VLXD tăng, ngành xây dựng còn chịu một áp lực rất lớn về tiềm năng tăng trưởng. Trong đó, so với những năm trước 2015, ngành xây dựng Việt Nam tăng trưởng với một tốc độ cao hơn nhiều. Từ khi có những khó khăn về pháp lý dự án, ngành đã có sự chững lại.
Nhưng, không chỉ vậy.
Chúng ta không có dư địa để công ty xây dựng tư nhân tăng trưởng mạnh hơn nữa
Thực tế ghi nhận doanh nghiệp (DN) tư nhân đã phát triển rất mạnh, riêng Hoà Bình tăng trưởng bình quân 38%/năm trong 30 năm qua. Và khi tăng trưởng mạnh mẽ như vậy, các DN tư nhân đã làm nên một cuộc cách mạng đó là nhà thầu Việt Nam đã thay thế nhà thầu ngoại tại các dự án có quy mô lớn, yêu cầu tính mỹ thuật cao. Từ năm 2015 trở đi không còn thấy nhiều cần cẩu mang thương hiệu nhà thầu ngoại, và đến năm 2018 thì hoàn toàn biến mất.
Tuy nhiên, khi các nhà thầu ngoại không còn nhiều bóng dáng trên các đô thị Việt Nam, thì cũng là lúc ngành xây dựng khủng hoảng. Bởi vì, chúng ta không có dư địa để công ty xây dựng tư nhân tăng trưởng mạnh hơn nữa, mà chỉ tăng trưởng ở mức độ bình thường theo sự tăng trưởng của thị trường bất động sản (BĐS). Mà thị trường này thì mỗi năm giỏi lắm là 15%, vì sức mua cũng có giới hạn.
Chưa kể, trước khi tất cả các công ty sẵn sàng để bước vào giai đoạn tăng trưởng với tốc độ cao cũng như huy động mọi nguồn lực để duy trì được đà tăng trưởng đó, thì họ phải tìm cho được việc đã, phải kiếm cho ra công trình. Điều này dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt về giá giữa các công ty xây dựng.
Nhìn chung, các nhà thầu trong nước từ năm 2018-2020 chỉ đạt được mức lợi nhuận rất thấp. Và sang 2020-2021 thì gặp phải đại dịch.
Đại dịch theo tôi vẫn còn tác động dù có giảm đi nhiều. Nhưng quan trọng nhất vẫn là quy mô thị trường của các DN xây dựng tư nhân hiện nay là đang giảm dần. Dù sắp tới có tăng thì vẫn rất hạn chế.
Riêng về HBC, tốc độ tăng trưởng bình quân 38% từ khi thành lập thì ít có công ty nào đạt được. Với tốc độ này, sau 5 năm doanh thu tương ứng tăng 5 lần. Và thực tế, khi quy mô đã lớn thì doanh thu còn tăng mạnh hơn nữa. Cụ thê, từ năm 2013-2018, doanh thu HBC từ mức chưa đến 3.500 tỷ đã tăng lên 18.600 tỷ đồng.
Tiềm năng quá lớn mà không tìm ra thị trường để giải phóng thì sẽ giết chết cái năng lực này
Mặt khác, ngành có liên quan mật thiết với xây dựng là BĐS, sau khi có chủ trương của Chính phủ mà trước tiên là quy hoạch lại các khu đất có thể xây dựng được NOXH, nhà ở cho công nhân, nhà ở cho người có thu nhập thấp… thì tôi nghĩ sự nỗ lực của Chính phủ sẽ tác động lên thị trường BĐS ở các phân khúc này. Tuy nhiên, có làm nhanh đến mấy thì chúng ta cũng sẽ mất một vài năm, chứ không phải có ngay kết quả.
Ngoài ra, phân khúc nhà ở trung bình, trung bình cao và cao cấp, tôi nghĩ năm tới cũng sẽ được khôi phục, do Chính phủ cũng đang nỗ lực giải quyết những vướng mắc về pháp lý dự án. Việc này nhằm trong mục tiêu khôi phục kinh tế sau đại dịch, và theo tôi đây là quyết định rất đúng đắn.
Nhìn chung, đồng ý là thị trường bất động sản nói chung cũng như ngành xây dựng nói riêng có khởi sắc hơn. Song có thể nói hầu hết các công ty tư nhân hoạt động trong lĩnh vực bất động sản vẫn chưa đáp ứng được tiềm năng, nhu cầu phát triển đã được được rất cao trước đây.
Giống như một chiếc xe đang chạy rất nhanh trên xa lộ đi vào đường hẻm, không còn giữ được tốc độ cao nữa. Muốn khôi phục được trọn vẹn năng lực của các công ty xây dựng tư nhân thì cần phải mở một thị trường mới.
Thống kê cho thấy thị trường trong nước quy mô rất nhỏ so với thị trường toàn cầu. Chúng ta làm ra mỗi năm khoảng 50-60 tỷ USD tổng sản phẩm xây dựng, trong khi thị trường toàn cầu lên đến 12.000 tỷ USD, tức gấp hơn 200 lần thị trường trong nước. Như vậy, chỉ có mở ra một thị trường mới thì công ty xây dựng Việt Nam mới có thể phát huy hết tiềm năng.
Theo tôi được biết thì hầu hết các tên tuổi hiện nay như Hoà Bình, Coteccons, Delta, Ecoba, An Phong… đều đạt được mức tăng trưởng rất cao trong quá khứ, mỗi năm không dưới 25%, và cũng có công ty trên 30-35%. Trong đó, Hoà Bình đạt được 38%, xấp xỉ 40%. Với tốc độ đó, nếu không có thị trường nước ngoài, thì các nhà thầu tư nhân trong nước sẽ bị kìm hãm do thị trường hiện quá nhỏ mà nhu cầu phát triển thì quá lớn.
Chưa kể, các nhà thầu cạnh tranh giảm giá thì không có tích luỹ. Bởi, tiềm năng quá lớn mà không tìm ra thị trường để giải phóng sức sản xuất đó thì sẽ giết chết cái năng lực này.
Cần đưa xây dựng là ngành mũi nhọn: Nếu thời gian này không làm điều đó, thì sẽ không bao giờ làm được nữa!
Tôi cũng nhận ra rằng năng lực của ngành xây dựng Việt Nam nếu biết cách khai thác thì có thể đưa xây dựng trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn.
Có thể nói, tốc độ tăng trưởng của ngành xây dựng Việt Nam rất thần kỳ. Với tốc độ phát triển này, thị trường trong nước đang dần trở nên chật chội, bão hòa không đủ để các DN phát huy hết khả năng của mình.
Cùng với đó, trong xu hướng toàn cầu hoá của nền kinh tế thế giới, chúng ta không thể đứng im nhìn sự vận động của thế giới mà cần quyết tâm đem hết nỗ lực, phát huy năng lực cạnh tranh nhằm đưa ngành xây dựng Việt Nam ra thị trường nước ngoài. Một thị trường có quy mô gấp vài trăm lần so với thị trường trong nước. Tôi tin rằng thúc đẩy phát triển thị trường này ngành xây dựng sẽ có đóng góp to lớn cho nền kinh tế quốc gia và xây dựng sẽ sớm trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn.
Nếu thời gian này chúng ta không làm điều đó, thì sẽ không bao giờ chúng ta làm được nữa.
Đây là giai đoạn rất quý giá khi mà quy mô dân số của chúng ta là xấp xỉ 100 triệu dân, thì hết 70 triệu là người đang ở độ tuổi lao động. Những nước nhược tiểu muốn bứt phá lên thì phải tranh thủ vào giai đoạn dân số vàng. Mà thời gian ấy chúng ta không còn nhiều, từ đây cho đến nay 2033, qua năm 2034 chúng ta sẽ không còn cơ cấu dân số vàng nữa.
Chính vì vậy thời gian này rất quý, chúng ta cần phải nỗ lực lên gấp 3 lần nữa thì mới có thể bứt phá được. Và xây dựng là một trong những ngành có triển vọng, có tiềm năng để có thể giúp cho quốc gia bứt phá.
Nhà thầu Việt Nam vượt trội thế giới về năng lực xây dựng dự án cao tầng
Riêng Hoà Bình, từ khá lâu rồi vào năm 2011, Công ty đã ra nước ngoài. Năm đó Hoà Bình đã hợp tác với đối tác Malaysia để quản lý xây dựng nhiều dự án ở Kuala Lumpur, có những dự án đến 600 căn hộ, 7 tầng hầm, 42 tầng… Lúc đó, chủ đầu tư nhận xét năng lực nhà thầu Việt Nam có sự khác biệt với nhà thầu của Malaysia nên họ mời Hoà Bình qua để quản lý.
Sau đó là đi Myanmar cũng làm quản lý dự án. Như vậy, từ một công nghiệp lạc hậu không khác gì giai đoạn mới giải phóng, tức phải mất 3-4 tuần/tấm, bằng công nghệ mới chúng ta giúp họ 1 tuần/tấm. Điều này cho thấy năng lực của DN xây dựng tư nhân tăng lên rất nhanh chóng chỉ trong thời gian ngắn. Với tốc độ phát triển mạnh như vậy thì cần thiết phải có thị trường. Và chỉ có một câu trả lời là phải đưa ngành xây dựng Việt Nam ra thế giới.
Và Hoà Bình đã làm từ rất sớm. Tuy nhiên có thể nói dù tôi đã rất nỗ lực những vẫn chưa thành công, hiện vẫn có rất nhiều thử thách. Thời gian qua do đó là thời gian Hoà Bình thăm dò, tìm hiểu thị trường. Và Hoà Bình có thể xác định được đâu là thị trường tiềm năng nhất hiệu quả nhất để ngành xây dựng Việt Nam có thể thâm nhập được.
Tôi cũng đã có chia sẻ ở cuốn Trang sử vàng: Chúng ta nên làm nhà ở cao tầng ở nước ngoài vì khi khảo sát thị trường tôi thấy không nhiều nhà thầu nước ngoài có năng lực cao, kinh nghiệm nhiều và hiểu biết về công nghệ phong phú trong việc xây dựng dự án cao tầng.
Ngay như Philipines là đất nước không gặp khó khăn, không có cấm vận, không có chiến tranh, không có bao cấp… thế nhưng mà họ vẫn chưa áp dụng công nghệ Top-Down như nhà thầu Việt Nam. Một công trình chúng ta chỉ cần 2 năm hoàn tất thì họ mất đến 3 năm. Tốc độ xây dựng của họ chậm hơn chúng ta dù họ không có cản trở, không có khó khăn và không có những cái thời kỳ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế nói chung cũng như ngành xây dựng nói riêng.
Chúng ta mất đến 30 năm chiến tranh, từ năm 1945 đến 1975, sau đó tiếp tục chiến tranh và còn bị cấm vận. 20 năm tiếp theo từ 1975-1995 chúng ta dậm chân tại chỗ, công nghiệp xây dựng không có những bước tiến nào cả.
Thế nhưng từ 1995 đến 2015, chúng ta đã tiếp thu công nghệ kỹ thuật, phương pháp quản lý tiến bộ để có được nền công nghiệp xây dựng hiện đại và bứt phá, so với rất nhiều nước có hành trình phát triển bình thường và không hề có khó khăn.
Hoà Bình dự tăng tỷ trọng mảng công nghiệp lên 20% tổng doanh thu trong năm 2022
Mặt khác, nói về làn sóng đầu tư công hiện nay thì đa số tập trung ở mảng hạ tầng, công nghiệp dân dụng. Tại mảng hạ tầng thì Hoà Bình có đầu tư vào Công ty 479, tạo nên lợi thế trong lĩnh vực hạ tầng, cụ thể là xây dựng cầu cảng.
Với sự kết hợp kinh nghiệm, hệ thống quản lý, cả văn hoá doanh nghiệp Hoà Bình đưa vào thì 479 có sự tăng trưởng rất mạnh: năm 2020 chỉ đạt 200 tỷ sản lượng, thì năm nay tăng lên 800 tỷ. Tôi tin sắp tới Hoà Bình có thể tham gia được nhiều công trình hạ tầng theo kế hoạch khôi phục kinh tế sau đại dịch, đẩy mạnh đầu tư công của Chính phủ.
Theo kế hoạch, mảng công nghiệp sẽ đưa vào Tập đoàn, còn mảng hạ tầng sẽ vẫn nằm ở công ty con là 479. Dự kiến năm 2022 Công ty 479 sẽ tăng lên 1.200 tỷ, tính ra cũng chỉ đóng góp 6% tổng doanh thu Hoà Bình.
Còn với công nghiệp, thì Hoà Bình đặt chỉ tiêu khá cao lên đến 20% tổng doanh thu trong năm 2022. Chúng ta cũng biết sau đại dịch có làn sóng chuyển dịch làn sóng công nghiệp sang Việt Nam. Thời gian gần đây Hoà Bình được mời đấu thầu nhiều dự án tốt.
Ngôi vị số 1 không phải là đích đến cuối cùng, nhưng Hoà Bình bắt buộc phải đi qua
Về ý kiến Hoà Bình có cơ hội lớn để vươn lên ngôi vị số 1 ngành: Với tô đó là một bước phát triển Hoà Bình bắt buột phải đi qua. Nếu Hoà Bình muốn khẳng định tên tuổi của mình trên thị trường quốc tế thì Hoà Bình phải khẳng định được vị trí số 1. Tuy đó không phải là đích đến cuối cùng, mà mục tiêu Hoà Bình đặt ra là trở thành Tập đoàn xây dựng đẳng cấp quốc tế, có tên tuổi có vị thế thứ hạng trên thị trường quốc tế.
Vươn ra quy mô toàn cầu có vẻ như là không tưởng, nhưng chúng ta phải luôn luôn xác định mục tiêu để vươn lên. Có thể phát triển dần từng mảng, từng công trình. Chúng ta có thể không là công ty xây dựng lớn nhất thế giới về tất cả các loại công trình, mà là công ty lớn nhất về một mảng nhà ở cao tầng.
Còn tại thị trường trong nước, tôi vẫn luôn quan tâm đến trên đường đua có nhiều đối thủ cùng chạy. Vì chúng ta muốn dẫn đầu phải biết đối thủ chạy tới đâu. Tuy nhiên quan trọng nhất vẫn là liên tục nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, củng cố vị thế, luôn luôn thay đổi để có sự tiến bộ sự hoàn thiện hơn.
Bên cạnh đó, tài chính cũng phải vững mạnh, công nghệ phải cải tiến, hệ thống quản lý hiện đại, văn hoá doanh nghiệp tốt lành… Tất cả những yếu tố liên quan đến năng lực cạnh tranh của DN phải được quan tâm đúng mức.
Trong quý 3 vừa qua, nhờ có định hướng phát triển, nền tảng văn hoá tốt đẹp, hệ thống quản lý phù hợp và nguồn nhân lực ổn định mà Hoà Bình cải thiện về chỉ số kinh doanh của như dòng tiền. Hoà Bình cũng đã chuyển giao thế hệ, và kết quả của quý 3 cũng một phần đến từ động thái chuyển giao này dù đây là quý khó khăn nhất.
Kết quả này theo đó sẽ là động lực để Hoà Bình phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai, không phải là kết quả nhất thời. Đó là nỗ lực của Hoà Bình, trong khủng hoảng khó khăn mới phát huy được giá trị Công ty xây dựng rất lâu.
Ngoài ra, được đánh giá trên vai trò là nhà thầu số 1 còn giúp Hoà Bình dễ làm việc hơn với các chủ đầu tư. Các chủ đầu tư làm việc với Hoà Bình trên vai trò chiến lược, nên có những thuận lợi hơn về chính sách thanh toán.
Hoà Bình cũng nhận được sự hỗ trợ của ngân hàng. Bởi, với những năng lực, kinh nghiệm vững mạnh, nhà thầu sẽ giải quyết được hết các việc thanh toán với chủ đầu tư. Có thể chậm nhưng mà an toàn, không rủi ro!
Hoà Bình đã thu 160/285 tỷ công nợ tại FLC, đóng góp đáng kể vào tình hình kinh doanh quý 3/2021
Trong thời gian qua Hòa Bình cũng thu hồi được nhiều công nợ tại các dự án cũ. Một phần nhờ các chủ đầu tư đã coi trọng mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa Hoà Bình với họ, bên cạnh đó có tâm lý không ai muốn vấn đề tranh chấp ra toà như trường hợp của FLC là trường hợp bất đắc dĩ.
Hoà Bình đã mất 5 năm, và đến nay là 7 năm để giải quyết công nợ. Điều này cho thấy khi cần đến luật pháp thì Hoà Bình cũng xử lý rất tốt. Kết quả tại Toà giúp Hoà Bình thu hồi nợ từ FLC, từ đó cải thiện chỉ tiêu tài chính trong quý 3. Đến nay Hoà Bình đã thu hồi được 160 tỷ của khoản nợ 285 tỷ tại FLC.
Tôi tin HBC sẽ tăng nhưng thực tế tăng quá nhanh so với tôi dự đoán
Về việc giá cổ phiếu HBC tăng mạnh thời gian gần đây, tôi cũng không nghĩ được là sẽ tăng nhanh như vậy. Dù trước đây tôi cũng có trăn trở khi giá cổ phiếu HBC quá thấp. Tôi từng khẳng định đó chưa phản ánh đúng tiềm năng, giá trị thực công ty và nhất định giá cổ phiếu tăng.
Có thể, đối thủ cạnh tranh gặp khó khăn, và Hoà Bình cũng thể hiện được vị thế của một doanh nghiệp phát triển bền vững, từ đó củng cố niềm tin của nhà đầu tư với cổ phiếu HBC. Cái gì cũng có lý do của nó thôi!
Còn về kế hoạch phát hành tăng vốn, tôi cũng nghĩ thời điểm này là thích hợp. Tuy nhiên, Hoà Bình rất là cân nhắc, thận trọng trong việc chọn nhà đầu tư. Có khá nhiều tập đoàn xây dựng nước ngoài muốn đầu tư vào Hoà Bình, họ chưa bàn về giá nhưng mà đưa ra một số điều kiện, nếu chấp nhận có thể phát hành một cách rất nhanh với giá cao. Nhưng tôi cân nhắc, vì Hoà Bình một ngày có thể trở thành đối thủ cạnh tranh của họ trên thị trường nước ngoài.
Cuối cùng, về việc thoái vốn tại các dự án bất động sản, dù không có nhiều dự án lắm nhưng tiến độ thì mất khá nhiều thời gian. Chủ trương Hoà Bình vẫn sẽ thoái vốn vẫn phải đảm bảo tính hiệu quả.
Hiện, Hoà Bình tập trung vào mảng xây dựng là chủ lực, và việc phát triển kinh doanh bất động sản cũng nhằm hỗ trợ cho xây dựng mà thôi. Và trong chiến lược phát triển ra thị trường nước ngoài, Hoà Bình đã lên kế hoạch sẽ đầu tư trước vào các dự án bất động sản nhưng theo hình thức hợp tác với các đối tác chứ không chiếm đa số.
Dự báo tình hình kinh doanh cho cả năm 2021, Hoà Bình ước tổng thầu sẽ vượt 30-40% chỉ tiêu ban đầu là 14.000 tỷ đồng. Hiện, con số đâu đó đã vượt đến 27%. Về lợi nhuận, tại Hoà Bình do các định phí không thay đổi nhiều nên doanh thu tăng thì lợi nhuận sẽ tăng tương ứng.
Mới đây, Hoà Bình tiếp tục nhận giải Thương hiệu Quốc gia, thực tế Công ty đã có 7 lần liên tiếp nhận danh dự này từ năm 2008 -2020.
Đặc biệt, Hoà Bình còn là đơn vị xây dựng trong nước duy nhất thuộc 1 trong 10 doanh nghiệp được công nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam” năm 2021. Đây là lần đầu tiên giải thưởng được tổ chức, các tiêu chí xét giải dựa trên Bộ Tiêu chí “Văn hóa Kinh doanh Việt Nam” vừa được ban hành với 5 nhóm tiêu chí gồm: Lãnh đạo doanh nghiệp phát triển bền vững, Xây dựng và thực thi Văn hóa doanh nghiệp, Thượng tôn pháp luật, Đạo đức kinh doanh và Trách nhiệm xã hội.
Doanh Nghiệp Tiếp Thị