Tròn 1 năm từ ngày VN-Index rời khỏi đỉnh lịch sử 1.200 điểm: Nhiều cổ phiếu "có game" vẫn tăng trên 50%, thậm chí gấp đôi gấp ba
Danh sách các cổ phiếu tăng giá kể từ đỉnh lịch sử 1.200 điểm đa phần là nhóm cổ phiếu penny hoặc midcap với mức tăng 50-360%. Hầu hết đều là các cổ phiếu "có câu chuyện".
Cách đây đúng 1 năm, VN-Index chạm đỉnh lịch sử 1.204 điểm, lấy lại những gì đã mất của 11 năm trước. Ở thời điểm đó, dòng tiền vào thị trường Việt Nam khá dồi dào, gây áp lực rất lớn lên các nhà quản lý quỹ.
Tiền vào nhiều nhưng không kịp giải ngân, trong khi thị trường nóng như chảo lửa khiến hầu hết các quỹ đều thua Vn-Index. Nhưng cũng chính thời điểm đó đã đánh dấu cho sự thoái trào của dòng tiền vào thị trường chứng khoán Việt Nam dưới tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ Trung.
Sau 1 năm từ ngày lập đỉnh cao nhất mọi thời đại 1.204 điểm, VN-Index đang chật vật trở lại ngưỡng 1.000 điểm
Một nhà đầu tư đã từng than vãn: “Giá tất cả mọi chuyện đều dừng ở ngày 9/4/2018 thì cuộc đời đã khác”. Năm 2018 là một năm khó khăn của hầu hết các nhà đầu tư, các cổ phiếu cơ bản và bluechips đồng loạt giảm mạnh, ngoài thủy sản, dệt may có sóng lớn, hầu hết các cổ phiếu trên thị trường đều lao dốc không phanh, đánh bay thành quả tăng điểm của 3 tháng đầu năm.
Danh sách các cổ phiếu tăng giá trong 1 năm tính từ đỉnh lịch sử đa phần là nhóm cổ phiếu penny hoặc midcap với mức tăng 50-360%. Hầu hết đều là các cổ phiếu "có câu chuyện". Hai cổ phiếu tăng giá mạnh nhất trong 1 năm qua là CMX của CTCP Camimex Group và ACL của CTCP XNK Thủy sản Cửu Long An Giang đều thuộc lĩnh vực thủy sản.
Lợi nhuận hợp nhất sau kiểm toán của ACL đạt 230 tỷ, tăng 10,68 lần sao với năm trước nhờ doanh thu tăng 42% trong năm 2018 nhưng giá vốn hàng bán chỉ tăng 25% trong khi chi phí tài chính giảm 10,2%.
CMX đặt kế hoạch lợi nhuận 2019 đạt gần 199 tỷ đồng, tăng 155% so với năm 2018. Công ty dự kiến sản xuất 8.400 tấn tôm thành phẩm với kim ngạch xuất khẩu hơn 113 triệu USD. Theo lãnh đạo của Camimex, hiệp định CPTPP đã chính thức có hiệu lực và hiệp định thương mại tự do Việt Nam EU (EVFTA) nếu được thông qua trước tháng 5/2019 sẽ là những điều kiện thuận lợi để Công ty hoàn thành kế hoạch.
Trong khi đó, Cao su Phước Hòa (PHR) nổi lên với câu chuyện bàn giao đất khu công nghiệp cho VSIP và Nam Tân Uyên, dự kiến nhận 1,3 tỷ/ha, công ty sẽ cân đối diện tích bàn giao để đảm bảo lợi nhuận sau thuế từ 2019-2021 không dưới 1.000 tỷ đồng. Năm 2019 PHR đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế 997 tỷ đồng, tăng gần 60% so với năm trước.
Các cổ phiếu tăng giảm mạnh nhất trong 1 năm qua
Trong khi đó trên sàn Hà Nội, cổ phiếu SRA của CTCP Sara Việt Nam tăng gấp 4 lần từ 4.000 đồng/cp lên 19.400 đồng/cp (giá đã điều chỉnh sau khi công ty này bán cổ phiếu ưu đãi giá 10.000 đồng/cp theo tỷ lệ 1:8 (nếu tính giá chưa điều chỉnh, cổ phiếu này đã tăng từ 10.000 đồng/cp lên 77.000 đồng/cp vào tháng 8/2018). Giá cổ phiếu tăng trần liên tục sau khi SRA chuyển dịch sang kinh doanh thiết bị y tế.
Kết thúc năm 2018 công ty này đạt EPS 51.851 đồng, cao nhất thị trường. Doanh thu 392 tỷ đồng, gấp 10 lần năm trước, lợi nhuận sau thuế đạt 105 tỷ, gấp 9 lần năm trước. Cổ phiếu VCR của CTCP Đầu tư và phát triển Du lịch Vinaconex tăng đột biến từ 3.000 đồng/cp lên 12.600 đồng/cp, có thời điểm cổ phiếu này đạt đỉnh 16.000 đồng/cp khi ĐHCĐ thường niên 2019 của công ty này thông qua việc tái đầu tư dự án Khu đô thị Cái Giá, Cát Bà sau nhiều năm đắp chiếu.
Việc Vinaconex thay đổi chủ với sự tham gia của nhóm cổ đông An Quý Hưng, Ecopark đã thổi làn gió mới vào các công ty con trực thuộc. ĐHCĐ thường niên thay đổi nhân sự, lên chiến lược phát hành 3 triệu trái phiếu với giá 100.000 đồng/trái phiếu để huy động vốn tiếp tục dự án tại Cái Giá. Tuy nhiên hiện tại vấn đề nhân sự tại Tổng công ty Vinaconex đang có sóng gió khiến đà tăng của VCR đã chững lại.
Mặc dù quý 1/2019, thị trường đã hồi phục đáng kể đặc biệt từ sau Tết nguyên đán, tuy nhiên theo số liệu thống kê (dựa trên giá đã điều chỉnh tỷ lệ cổ tức và phát hành cổ phiếu), chỉ có 7 cổ phiếu trong Vn30 tăng giá kể từ đỉnh 1.200 điểm là EIB, SBT, SAB, MWG, DHG, VHM, VIC trong khi 23 cổ phiếu còn lại đều giảm thậm chí giảm gần 70% (như trường hợp ROS) hay VPB (giảm 53,7%), CTG (giảm 40,8%)..Điều này để thấy rằng thị trường phân hóa rõ nét và nếu chọn sai cổ phiếu, nhà đầu tư vẫn thua lỗ.
Theo thống kê của công ty chứng khoán Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC), dòng tiền ngoại, chủ đạo từ các ETFs là động lực tăng điểm của thị trường trong quý I. Các ETFs đã mua vào khoảng 3.101 tỷ trong quý I chiếm 61% tổng giá trị mua ròng khối ngoại, theo đó ETF VNM mua vào khoảng 1.025 tỷ; ETF FTSE VN mua vào 646 tỷ; E1VFVN30.tăng quy mô 96 triệu chứng chỉ tương đương mua vào.1.430 tỷ (Riêng ETF Hàn Quốc tăng quy mô 3,8 triệu chứng chỉ tương đương mua vào 1.174 tỷ, số còn phần nhiều từ ETF Thái).
Theo dõi tổng tài sản của 47 quỹ có tỷ trọng đầu tư chủ yếu tại Việt Nam có tổng tài sản 7,861 tỷ USD, tăng 13% so với đầu năm. Nếu loại trừ yếu tố giá khi VN-Index tăng 9,9%, tài sản các quỹ tăng khoảng 5.000 tỷ đồng nghĩa dòng tiền vào mới từ các quỹ tracking chỉ số khác chỉ khoảng 100 tỷ. Vào cuối 3 và đầu tháng 4 dòng vốn từ ETF đã chậm lại, ảnh hưởng đến dòng vốn ngoại vào thị trường và cũng đang khiến cho thị trường thiếu động lực để tăng trưởng giá.
Trong khi thị trường cơ sở đi ngang thì diễn biến thị trường phái sinh đang rất tấp nập. Khối lượng hợp đồng mở qua đêm (OI) tại thời điểm cuối tháng 3 là 23.876 hợp đồng (tăng 29% so với tháng 2) và sang tháng 4 khối lượng mở lên tới 28.000 hợp đồng.
Điều này cho thấy dòng tiền đang bị hút khá nhiều từ cơ sở sang phái sinh. Với lợi thế vượt trội về giao dịch trong ngày (không bị giới hạn T+3 như thị trường cơ sở), các môi giới CTCK đang chào mời nhà đầu tư chuyển tiền sang trading phái sinh thay vì mua bán cổ phiếu trên cơ sở. Tuy nhiên không phải nhà đầu tư nào cũng có thể kiếm được tiền trên thị trường này bởi phái sinh bị chi phối không theo các diễn biến của thị trường cơ sở. Có thời điểm khoảng cách giữa chỉ số phái sinh và Vn30-Index chênh nhau tận 20 điểm, khiến các nhà đầu tư đang nắm giữ vị thế mua (long) mặc dù nhìn Vn30-Index tăng điểm nhưng vẫn cháy tài khoản vì phái sinh. Một nhà đầu tư bị mất tiền trên thị trường phái sinh cho rằng thay vì trở thành một công cụ để phòng hộ rủi ro trên thị trường cơ sở thì giờ đây phái sinh lại trở thành một sản phẩm đầu cơ.
Ngày hôm nay, 9/4/2019, Vn-Index đóng cửa ở mức 988,48 điểm, như vậy chỉ trong 1 năm qua, chỉ số chứng khoán Việt Nam mất 216 điểm và vẫn còn cách rất xa đỉnh cũ. Nhiều ý kiến cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay diễn biến "không theo quy luật gì".
Khi thị trường thế giới giảm, nhà đầu tư theo dõi Dow Jones, Shanghai Composite, Nikkei 225 để làm kim chỉ nam, nhưng khi thế giới tăng cổ phiếu ở Việt Nam vẫn đỏ. Một lãnh đạo công ty thép hàng đầu trong nước cho rằng, công ty ông mỗi ngày làm ra một triệu USD lợi nhuận nhưng vốn hóa thị trường cổ phiếu công ty có ngày mất 300-400 tỷ không vì lí do gì.
Diễn biến của VN-Index và S&P500 (cam), Nikkei 225 (xanh) và Shanghai Composite (vàng)
Theo đánh giá của CTCP Chứng khoán Rồng Việt, mặc dù thị trường Việt Nam không lọt vào danh sách thị trường mới nổi thứ cấp trong đợt đánh giá của FTSE vào tháng trước, vốn nước ngoài (với phần không nhỏ từ các quỹ ETF) vẫn đang rất tích cực. Sự tích cực này đã hỗ trợ lớn cho thị trường kể từ đầu năm nay.
Thật khó để dự đoán dòng chảy của các quỹ ETF. Các dữ liệu trước đây cho thấy khi các dòng vốn này bị rút mạnh, VN-Index thường bước vào giai đoạn điều chỉnh. Các tin tức về ĐHCĐ sẽ là trọng tâm của tháng Tư và có thể có ảnh hưởng đến từng cổ phiếu riêng lẻ. Một kế hoạch cao cho năm 2019, một mức cổ tức cao ngoài dự kiến, hoặc các cập nhật về kế hoạch thoái vốn nhà nước đều có thể hỗ trợ đáng kể cho giá cổ phiếu.
Trí Thức Trẻ