MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trong 4 tháng còn lại, lạm phát sẽ không 'vượt trần' nếu CPI tăng 1%/tháng

Trong 4 tháng còn lại, lạm phát sẽ không 'vượt trần' nếu CPI tăng 1%/tháng

Đây là đánh giá của Ban chỉ đạo điều hành giá tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Lê Minh Khái mới đây về việc đánh giá kết quả điều hành giá 7 tháng đầu năm 2021, dự báo và đề xuất các giải pháp điều hành giá trong các tháng cuối năm.

Mới đây, Ban Chỉ đạo điều hành giá đã có buổi làm việc với Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về việc đánh giá kết quả điều hành giá 7 tháng đầu năm 2021, dự báo và đề xuất các giải pháp điều hành giá trong các tháng cuối năm.

Tại buổi họp, báo cáo của Bộ Tài chính chỉ ra rằng, tình hình kinh tế thế giới nửa đầu năm 2021 nhìn chung có dấu hiệu tích cực. Tuy nhiên, nhiều nền kinh tế châu Á đang chứng kiến làn sóng dịch bệnh Covid-19 mới. Điều này gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, có nguy cơ đẩy giá cả leo thang và đe dọa sự phục hồi hậu đại dịch Covid-19 của kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Theo Bộ Công thương, giá cả hàng hóa thế giới có xu hướng tăng cao, đặc biệt là nguyên, nhiên vật liệu dùng trong sản xuất. So với thời điểm tháng 12/2020, giá dầu thô WTI tăng 53,1%, giá dầu thô Brent tăng 46,2%; giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi thế giới có xu hướng tăng ở hầu hết các mặt hàng. Đặc biệt là giá nguyên liệu sắt, thép tăng mạnh, bình quân 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm 2020, giá một số quặng sắt và thép phế, phôi thép nhập khẩu tăng từ 57-101%.

Tại Việt Nam, dữ liệu của Tổng cục thống kê cho thấy, CPI bình quân 7 tháng đầu năm 2021 tăng 1,64% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản bình quân 7 tháng đầu năm 2021 tăng 0,89% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong 4 tháng còn lại, lạm phát sẽ không vượt trần nếu CPI tăng 1%/tháng - Ảnh 1.

CPI 7 tháng đầu năm 2021. Nguồn: GSO

Một số nguyên nhân gây áp lực lên mặt bằng giá như: giá một vài mặt hàng thiết yếu có xu hướng tăng do chi phí nguyên liệu đầu vào cũng như nhu cầu trong nước tăng như thức ăn chăn nuôi, phân bón, vật liệu xây dựng; mặt hàng xăng dầu, LPG trong nước giá tăng do tác động từ thị trường thế giới; giá gạo trong nước có xu hướng tăng theo giá gạo xuất khẩu trong một số thời điểm đầu năm…

Thế nhưng cũng có một số nguyên nhân làm giảm áp lực lên mặt bằng giá như: tổng cầu nền kinh tế vẫn chưa hồi phục; giá các mặt hàng thực phẩm trong đó có thịt lợn, thịt gà giảm; các nhóm hàng trong danh mục nhà nước định giá về cơ bản được giữ ổn định hoặc không xem xét tăng giá…

Trong 4 tháng còn lại, nếu CPI tăng 1%/tháng thì lạm phát không 'vượt trần'

Theo Bộ Tài chính, trong thời gian còn lại của năm 2021, việc kiểm soát CPI bình quân cả năm 2021 ở mức khoảng 4% vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ.

Theo ước tính của Nhóm giúp việc Ban chỉ đạo điều hành giá, CPI ở những tháng còn lại có dư địa tăng trên 1%/tháng so với tháng trước để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4%. Tuy nhiên, ước tính này chỉ là tương đối vì công tác kiểm soát lạm phát vẫn có thể gặp rủi ro đến từ tình hình thế giới do xu hướng đầu cơ, tích trữ các mặt hàng chiến lược; giá cả một số mặt hàng biến động tại một số thời điểm tại địa phương bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.

Vì vậy, việc kiểm soát lạm phát cần hướng tới việc kiểm soát để tạo thuận lợi cho công tác kiểm soát lạm phát trong năm 2022. Trước đó vào 22/7, Chính phủ cũng nhấn mạnh việc kiên định theo đuổi “mục tiêu kép”, thực hiện linh hoạt sáng tạo, không máy móc, cứng nhắc. Thay vào đó, những chính sách sẽ thay đổi nhằm ưu tiên giữa phòng chống dịch và phát triển kinh tế- xã hội tùy từng thời điểm, từng nơi, từng địa phương, địa bàn, cơ quan, đơn vị.

Theo đó, thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục điều hành chính sách tài khóa chủ động phối hợp với chính sách tiền tệ linh hoạt để tạo sự hài hòa, hiệu quả, hợp lý với các chính sách kinh tế vĩ mô chung; hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân, kiểm soát lạm phát cơ bản và tạo cơ sở cho việc kiểm soát lạm phát chung.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cần theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu để có biện pháp điều hành phù hợp. Chủ động tháo gỡ khó khăn và có phương án điều tiết nguồn hàng để tăng lượng cung ứng cho các địa phương có dịch bệnh cần cách ly hoặc giãn cách xã hội, bảo đảm cung cấp đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân.

Đồng thời, chủ động tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, trong lưu thông để chuẩn bị các nguồn hàng dự trữ, bình ổn giá cả thị trường nhất là dịp cuối năm 2021. Tăng cường công tác tổng hợp, phân tích, dự báo thị trường giá cả và thực hiện chế độ báo cáo kịp thời theo quy định.

Trong bối cảnh dịch bệnh, các địa phương cũng cần đẩy mạnh thực hiện công tác kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá; kiểm soát chặt chẽ yếu tố hình thành giá đối với các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hàng hóa, dịch vụ mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước, hàng hóa, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công.

Quỳnh Anh

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên