Trông chờ ‘giải cứu’ nhà máy 7.000 tỉ đồng
Nhà máy “trùm mền” trong thời gian dài, đã lỗ gần 1.500 tỉ đồng nhưng vẫn chưa có phương án giải cứu.
Như chúng tôi đã phản ánh, Thanh tra Chính phủ vừa có kết luận, xác định hàng loạt sai phạm tại dự án Nhà máy xơ sợi Đình Vũ (Hải Phòng). Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ để điều tra, xử lý theo quy định vì vụ việc có dấu hiệu hình sự.
6,5 tỉ đồng/tháng cho nhà máy “trùm mền”
Theo kết luận này, năm 2007, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) thành lập Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Tổng hợp Dầu khí (PVTex). Năm 2008, PVTex đầu tư dự án với vốn ban đầu là 325 triệu USD.
Ngày 21-10, đại diện PVTex tại Hải Phòng cho hay tổng tài sản của PVTex vào cuối năm 2015 là hơn 6.456 tỉ đồng (tiền đầu tư tài sản cố định ban đầu). Như vậy, vốn chủ sở hữu bị âm hơn 528 tỉ đồng.
PVTex nhìn nhận các sản phẩm của nhà máy này đã không đạt chất lượng. Theo đó, sau khi chạy thử được công bố là thành công (ngày 20-7-2011), nhà máy vẫn không vận hành thương mại. Hàng chục đợt chạy thử cho ra lò hàng chục ngàn tấn sản phẩm đã được sản xuất nhưng không đạt yêu cầu chất lượng và Vinatex không tiêu thụ sản phẩm của PVTex. Tình trạng này đã kéo dài năm năm. Trong đó, suốt hơn ba năm vẫn chỉ... vận hành thử rồi “trùm mền” hơn một năm. Tổng thua lỗ đến nay đã gần 1.500 tỉ đồng.
“Hiện nay, dù nhà máy không hoạt động nhưng phải vận hành các chi tiết máy quan trọng để tránh hỏng hóc và trả lương cho công nhân… với tổng chi phí khoảng 6,5 tỉ đồng/tháng” - ông Phạm Văn Chất, Tổng Giám đốc PVTex, nói.
Trông chờ giải cứu
Ông Chất cho biết: Từ tháng 4-2016, ông Chất được điều về làm chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc PVTex. Sau đó ông đề xuất những giải pháp để cứu nhà máy như mời hợp tác đầu tư hoặc rót thêm vốn cho nhà máy chạy hoặc thanh lý nhà máy. “Nếu PVTex tự vận hành nhà máy thì không biết lấy đâu mấy trăm tỉ đồng nữa để đầu tư, trong khi không ngân hàng nào muốn cho PVTex vay vốn. Còn phương án tuyên bố phá sản cũng rất khó khăn vì mất nhiều thời gian làm thủ tục, xin chủ trương và cả chuyện kiện tụng nữa” - ông Chất phân tích thêm.
Ngày 2-8, Bộ Công Thương yêu cầu PVN khẩn trương đàm phán với các đối tác để thống nhất phương án hợp tác và báo cáo Bộ Công Thương kết quả trong tháng 8-2016. Sau đó, PVTex tìm được hai đối tác lớn là Tập đoàn Indorama (Ấn Độ) và Tập đoàn Fortrec Chemicals (Singapore). Trong đó, Fortrec Chemicals đưa ra điều kiện nếu máy móc trơn tru, họ sẽ cung cấp nguyên liệu chạy thử và sản phẩm chỉ cần đạt đủ công suất, còn kỹ thuật sẽ căn chỉnh cho phù hợp. Fortrec Chemicals đồng ý ký hợp đồng với PVTex hai năm, trong đó họ lo đầu ra sản phẩm, tiêu thụ sản phẩm tại Việt Nam với giá cạnh tranh.
“Khi đàm phán xong, gần 1.000 con người đang làm việc vất vưởng ở PVTex thấy phấn khởi. Nếu nhà máy đi vào hoạt động, chúng ta vẫn lỗ vì đối tác không chịu chi phí khấu hao máy móc nhưng tính về lợi ích quốc gia chúng ta vẫn lợi. Kỹ thuật bây giờ chúng ta kém, chúng ta cần học việc. Hai năm đó, công nhân có việc làm, nâng cao tay nghề, được trả lương và sau hai năm máy móc, con người vận hành công nghệ và quản lý, nhà xưởng mới có giá trị. Họ còn đóng thuế cho Nhà nước, bán sản phẩm với giá cạnh tranh. Đầu tháng 9-2016, PVTex trình phương án hợp tác cho PVN” - ông Chất nói.
Tuy nhiên, đến nay PVN vẫn chưa trả lời trong khi Fortrec Chemicals đã “có dấu hiệu mệt mỏi” và lãnh đạo, công nhân PVTex đang phập phồng.
Từng tuyên bố rất hoành tráng
Theo thuyết trình ban đầu, nhà máy sử dụng công nghệ hiện đại nhất thế giới, được xây dựng nhanh kỷ lục chỉ hai năm (thực tế là năm năm) với tổng mức đầu tư 359 triệu USD (tương đương 7.000 tỉ đồng), doanh thu 300 triệu USD/năm, đóng góp ngân sách khoảng 30 triệu USD/năm.
Năm 2011, khi chạy thử, PVTex khẳng định nhà máy đủ khả năng cung cấp 40% nhu cầu xơ sợi tổng hợp cho dệt vải. Ngoài ra, khi chạy hết công suất, nhà máy sẽ tiết kiệm ít nhất 40 triệu USD/năm nhờ việc giảm nhập khẩu xơ sợi.
Pháp luật TPHCM