MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trồng hồ tiêu ghép khiến nhiều nông dân thất thu

08-11-2016 - 09:06 AM | Thị trường

Cách đây vài năm, các hộ trồng hồ tiêu ở Bà Rịa-Vũng Tàu đã tìm và mua giống hồ tiêu ghép với gốc tiêu dại, về trồng trên vùng đất mà trước đó đã trồng các giống hồ tiêu khác nhưng bị bệnh chết nhanh.

Giống hồ tiêu này được nhiều người bán ở các tỉnh như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu quảng cáo là chống chọi dịch bệnh, phát triển tốt, năng suất cao. Tuy nhiên, sau một thời gian trồng kết quả cho thấy giống hồ tiêu này không như mong đợi của nhiều hộ nông dân.

Ông Trần Đức Sinh, ngụ ấp Phú Lộc, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc cho biết, cách đây 5 năm, vườn tiêu diện tích 1,1 ha của ông liên tục bị bệnh chết nhanh, trong khi thời điểm đó tiêu bắt đầu “sốt giá” khiến ông như “ngồi trên đống lửa”. Được người quen giới thiệu về giống hồ tiêu ghép gia đình ông đã quyết định mua 1.200 gốc tiêu ghép, với giá 25.000 đồng/gốc để trồng thay thế trên diện tích 1,1 ha nói trên.

Theo ông Trần Đức Sinh, sau khi trồng cây phát triển rất tốt, ít bệnh tật và không bị chết nhanh như các giống hồ tiêu khác mà trước đó ông đã trồng trên diện tích đất này. Tuy nhiên, năm đầu tiên cây ra hoa rất nhiều nhưng cứ sau 10 ngày hoa rụng đầy dưới gốc và kết quả năm đó quả ra rất ít. Các năm sau này, hoa cũng chỉ ra lác đác và cây cứ lụi dần, thậm chí còn không có quả. Trong khi đó, mỗi năm ông Sinh phải tốn đến hơn 50 triệu đồng chi phí chăm sóc vào vườn hồ tiêu nên đã phải quyết định chặt bỏ hết vườn tiêu này để thay thế bằng giống tiêu khác.

Gia đình ông Phạm Văn Bảo cùng ấp Phú Lộc, xã Hòa Hiệp cũng làm theo các hộ nông dân khác trong xã mua về 600 bầu tiêu ghép về trồng vào những trụ tiêu đã chết của gia đình mình. Cùng thời điểm này, ông Bảo cũng mua 1.000 bầu tiêu Vĩnh Linh về trồng xen với tiêu ghép trên diện tích 1,5 ha này. Vụ tiêu năm ngoái, 600 gốc tiêu ghép của ông chỉ thu về được 70 kg, trong khi đó, 1.000 gốc tiêu Vĩnh Linh ông thu về gần 2 tấn. Và vụ tiêu năm 2016 này, trong khi 1.000 gốc tiêu giống Vĩnh Linh của ông cho trái xum xuê thì 600 gốc tiêu ghép vẫn trong tình trạng lưa thưa vài trái thậm chí còn tệ hại hơn năm ngoái.

Theo Hội Nông dân huyện Xuyên Mộc, trên địa bàn huyện có nhiều hộ trồng giống tiêu ghép nhất, tập trung ở xã Hòa Hiệp với khoảng 20 hộ trồng giống tiêu này với diện tích gần 10 ha. Hộ nhiều nhất trồng 1.500 trụ, hộ ít nhất thì vài chục trụ. Đa số các hộ trồng tiêu ghép gốc tiêu dại đều xảy ra tình trạng cây tiêu ra bông nhưng không đậu trái hoặc cho trái rất ít. Ngoài huyện Xuyên Mộc, Châu Đức cũng là địa phương có nhiều hộ trồng tiêu ghép, tại các xã như: Kim Long, Láng Lớn, Xà Bang, Bàu Chinh là những địa phương có số hộ trồng tiêu ghép nhiều nhất của huyện.

Tiêu ghép là giống tiêu có gốc ghép từ cây tiêu dại Amazon (Nam Mỹ) với dây tiêu Vĩnh Linh (Quảng Trị) được các nông dân tại tỉnh Đồng Nai trồng thử nghiệm. Qua quảng cáo giống tiêu ghép này ít dịch bệnh, cho nên trước đó dù ngành nông nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chưa trồng khảo nghiệm, thậm chí đưa ra khuyến cáo không nên trồng khi chưa có kết quả kiểm nghiệm. Đây là bài học lớn đối với nhiều người trồng tiêu nên nông dân nên cẩn trọng, không quá tin vào những lời quảng cáo từ người bán cây giống kẻo rơi vào tình cảnh “tiền mất, tật mang”.

Theo Hoàng Nghị

Báo tin tức

Trở lên trên