Trong khi các nước như Thái Lan hướng tới nền kinh tế 4.0, quốc gia này đã hướng đến mô hình 5.0
Trong khi Thái Lan đang chật vật với mô hình 4.0 thì Estonia, một nước chỉ có 1,3 triệu người lại đang hướng đến mô hình 5.0. Thậm chí, chính phủ Thái Lan đang cử quan chức sang tham khảo mô hình của Estonia nhằm xây dựng chiến lược phát triển kinh tế cho tương lai.
Chính quyền Bangkok đang cố gắng quảng bá cho chiến lược kinh tế Thái Lan 4.0 như một công cụ nhằm đưa nền kinh tế này vào một đà tăng trưởng mới cũng như giúp người dân thoát khỏi cái bẫy thu nhập thấp.
Tuy nhiên, điều trớ trêu là hầu hết người dân nước này không hiểu Thái Lan 4.0 là cái gì cũng như tại sao lại có cái tên này. Khảo sát của trung tâm dự báo kinh tế CEBF cho thấy 55% số doanh nhân Thái không hiểu rõ về Thái Lan 4.0 và chỉ có 1% hoàn toàn hiểu rõ về khái niệm này, số còn lại thì khá mơ hồ.
Trên thực tế, mô hình phát triển kinh tế Thái Lan 1.0 được các chuyên gia dùng để gọi khi nước này phát triển mạnh ngành nông nghiệp, trong khi 2.0 là để chỉ khoảng thời gian chuyển đổi tập trung vào công nghiệp nhẹ, qua đó giúp người dân chuyển đổi từ thu nhập thấp lên trung bình.
Mô hình kinh tế từ 1.0 đến 4.0 của Thái Lan
Vào giai đoạn Thái Lan 3.0, quốc gia này tập trung chủ yếu vào các ngành công nghiệp nặng cho đến thời điểm chính quyền Bangkok kêu gọi chuyển đổi sang giai đoạn 4.0 như hiện nay. Theo đó, kinh tế Thái Lan sẽ tập trung phát triển công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, đẩy mạnh sáng tạo cũng như phát triển kỹ thuật cao.
Dẫu vậy, trong quá trình phát triển Thái Lan 3.0, quốc gia này đang lâm vào cái bẫy thu nhập trung bình khi tăng trưởng chậm dù thu nhập của người dân đã lên mức trung bình. Nói cách khác, Thái Lan đang bị kẹt giữa giai đoạn tăng trưởng nóng của các nước thu nhập thấp với các nước thu nhập cao có công nghệ phát triển.
Để có thể thực sự bứt phá lên nền kinh tế 4.0, Thái Lan cần có một động lực tăng trưởng mới thay vì chỉ tận dụng những lợi thế truyền thống về lúa gạo, du lịch hay nhân công giá rẻ. Đây là nguyên nhân chính khiến chính quyền Bangkok xác lập mục tiêu tập trung đầu tư vào các ngành công nghệ cao như sản xuất ô tô, máy bay cũng như xây dựng các trung tâm công nghệ cao trong thời gian tới.
Mô hình kinh tế 5.0
Trong khi Thái Lan đang chật vật với mô hình 4.0 thì Estonia, một nước chỉ có 1,3 triệu người lại đang hướng đến mô hình 5.0. Thậm chí, chính phủ Thái Lan đang cử quan chức sang tham khảo mô hình của Estonia nhằm xây dựng chiến lược phát triển kinh tế cho tương lai.
Tại Estonia, người dân có thể làm thủ tục thuế trực tuyến và hoàn thành trong vòng 5 phút. Tất cả các thủ tục về y tế, hợp đồng, giao dịch ngân hàng, bầu cử hay thậm chí là mua vé đi tàu đều được tích hợp mã nhận diện công dân điện tử.
Hầu như các thủ tục hành chính công tại Estonia không dùng đến giấy mà làm online. Hệ thống Wi Fi phủ khắp đất nước trong khi các luật sư tư vấn cho khách hàng qua các kênh trực tuyến. Tại đây, doanh nghiệp có thể dễ dàng đăng ký thủ tục mở công ty trực tuyến chỉ trong vòng 18 phút từ bất kỳ đâu trên thế giới.
Tất nhiên, để làm được điều này thì tinh thần chia sẻ thông tin và chấp nhận chuyển đổi sang mô hình kinh tế mới của mỗi người dân là rất quan trọng. Tại Thái Lan, người dân vẫn còn rất mẫn cảm với các thông tin cá nhân trong khi chính phủ muốn bảo mật nhiều dạng thông tin như một đặc quyền.
Một phụ nữ gửi hàng chuyển phát cho robot chống va đập và tự động dừng khi có đèn đỏ giao thông tại Estonia
Trái ngược lại, chính phủ Estonia buộc tất cả các quan chức phải cung cấp thông tin trong khi người dân cho rằng việc nhập thông tin cá nhân vào hệ thống điện tử là một quyền cơ bản của con người chứ không chỉ dành riêng cho ai cả.
Việc Estonia bước vào giai đoạn 5.0 là một điều gây sốc với nhiều chuyên gia. Trên thực tế, quốc gia này đã bắt đầu hướng đến phát triển công nghệ từ khi tách khỏi Liên Xô từ năm 1991 nhưng gặp rất nhiều khó khăn như thiếu nguồn lực, tài chính, kỹ thuật. Tuy nhiên, quốc gia này đã tận dụng chính những nhược điểm này để biến chúng thành thế mạnh.
Với việc không có nhiều cơ sở để phát triển công nghệ, chính phủ Estonia không có nhiều gánh nặng và sẵn sàng thử mọi biện pháp để đổi mới. Họ không có nhiều tiền để đầu tư cơ sở hạ tầng nên việc phát triển hệ thống đăng ký online là điều tất yếu và do không muốn tốn nhiều chi tiêu cho đi lại, người dân rất sẵn lòng đăng ký trực tuyến các thủ tục hành chính.
Tất nhiên, nền kinh tế 5.0 của Estonia vẫn còn nhiều kẽ hở khi hệ thống bảo mật nhiều lần bị các tin tặc tấn công. Dẫu vậy, chính phủ nơi đây vẫn đang tiếp tục hoàn thiện. Sắp tới đây, quốc gia này thậm chí cho phép các công dân trên toàn thế giới đăng ký trực tuyến để nhập quốc tịch thay vì mất thời gian tại các đại sứ quán nhằm thu hút thêm vốn đầu tư cũng như nhân lực.
Thời Đại