MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trong khi “đại gia” BĐS gập ghềnh biến cố, các “tay chơi” quản lý toà nhà Savills, CBRE, PMC, JLL… vẫn thu 400-700 tỷ/năm, lãi đều như vắt tranh

28-02-2024 - 07:33 AM | Doanh nghiệp

Trong khi “đại gia” BĐS gập ghềnh biến cố, các “tay chơi” quản lý toà nhà Savills, CBRE, PMC, JLL… vẫn thu 400-700 tỷ/năm, lãi đều như vắt tranh

Savills đang dẫn đầu với doanh thu thuần năm 2022 đạt gần 790 tỷ đồng – tăng hơn 21% so với năm ngoái.

Trên thế giới, quản lý tòa nhà là một thị trường màu mỡ được định giá 14,1 tỷ USD vào năm 2021 và dự kiến đạt 51,73 tỷ USD vào năm 2029. Tại Việt Nam, lĩnh vực quản lý, vận hành tòa nhà tuy còn khá mới mẻ nhưng không kém phần hấp dẫn, bởi tốc độ đô thị hóa nhanh và sự trưởng thành mạnh mẽ của thị trường bất động sản.

Thị trường màu mỡ sớm được Savills khai thác từ năm 1995

Thực tế, loạt tên tuổi quốc tế đã sớm gia nhập thị trường này từ năm 1995, đơn cử có Savills. Savills được biết đến là một trong các công ty quản lý tòa nhà có quy mô toàn cầu với hơn 600 văn phòng đại diện tại hơn 60 quốc gia. Gia nhập thị trường Việt Nam năm 1995, đến nay Savills đã có hơn 28 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn và quản lý đa dạng các loại hình bất động sản rộng khắp Việt Nam, bao gồm trung tâm thương mại, văn phòng, chung cư cao cấp tới khu đô thị.

Hiện, Savills Việt Nam quản lý hơn 8 triệu m2 diện tích bất động sản. Một số tòa nhà nổi tiếng như: BIDV Tower (Hà Nội), Saigon Pearl,... Ngoài ra, Savills cũng là một trong các công ty chuyên về lĩnh vực bất động sản với đội ngũ nhân viên hùng hậu, chuyên nghiệp sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng.

Đến giai đoạn 2003-2006, thị trường này có sự bùng nổ khi chứng kiến loạt thương hiệu quốc tế “đổ bộ” và chia phần.

Trong đó, CBRE - công ty đầu tư và kinh doanh dịch vụ bất động sản thương mại lớn nhất thế giới – chính thức gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 2003. Đến nay, sau 21 năm phát triển, CBRE sở hữu hơn 1.200 nhân viên làm việc tại 3 chi nhánh văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Dù đến sau, song theo số liệu từ Vietdata, CBRE Việt Nam đang là một trong số các đơn vị quản lý BĐS lớn nhất Việt Nam với khoảng 1,3 triệu m2 diện tích bất động sản.

Năm 2006, thị trường đón nhận thêm Jones Lang LaSalle - tập đoàn chuyên cung cấp các dịch vụ quản lý và đầu tư bất động sản chuyên nghiệp tại Mỹ. Hiện, JLL Việt Nam đã phát triển thành công ty tư vấn bất động sản hàng đầu tại Việt Nam, với hơn 450 nhân viên.

Thế lực trong nước cũng nhảy vào tranh phần

Thế lực trong nước cũng không bỏ qua “miếng bánh” này, năm 2009, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) “bắt tay” với Tập đoàn Biken Techno Nhật Bản thành lập CTCP Quản lý và Khai thác Tòa nhà PMC, được thành lập vào tháng 6/2009. Đây cũng là một đơn vị quản lý tòa nhà có tiếng tại Hà Nội, hiện đang quản lý các dự án lớn tại Hà Nội như Ruby GoldMark City, Winhomes Bắc Ninh, SaigonMia…

Năm 2019, CTCP Dịch vụ Quản lý tài sản & Đầu tư Asahi Japan ra mắt thị trường dựa trên cơ sở hợp tác giữa TOYO Group và CTCP dịch vụ và địa ốc Đất Xanh Miền Bắc. Hiện, Asahi Japan đang quản lý các dự án Flora Fuji, Golden Park Tower, Opal Boulevard…

100% vốn Việt Nam có My House - công ty quản lý bất động sản được xây dựng vào năm 2013 bởi đội ngũ luật sư, kỹ thuật viên… có chuyên môn cao. Trải qua hơn 10 năm kinh nghiệm trong việc tư vấn và tổ chức quản lý vận hành, My House đã và đang là đơn vị quản lý những dự án quy mô như: Riva Park, Tô Ký Tower, tòa nhà Sky Center, dự án Viva Riverside…

Doanh thu mỗi năm vài trăm tỷ, hầu hết đều có lãi

Trong khi “đại gia” BĐS gập ghềnh biến cố, các “tay chơi” quản lý toà nhà Savills, CBRE, PMC, JLL… vẫn thu 400-700 tỷ/năm, lãi đều như vắt tranh- Ảnh 1.

Số liệu thể hiện toàn bộ các hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bao gồm mảng quản lý BĐS trong đó

Trong khi “đại gia” BĐS gập ghềnh biến cố, các “tay chơi” quản lý toà nhà Savills, CBRE, PMC, JLL… vẫn thu 400-700 tỷ/năm, lãi đều như vắt tranh- Ảnh 2.

Số liệu thể hiện toàn bộ các hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bao gồm mảng quản lý BĐS trong đó

Sự hấp dẫn của thị trường này còn thể hiện qua tình hình kinh doanh. Theo số liệu từ Vietdata, bất chấp thị trường bất động sản có nhiều biến động, giai đoạn 2020-2022 các đơn vị trong ngành quản lý vẫn tăng trưởng đều đặn với doanh thu hàng trăm tỷ đồng/năm, hầu hết đều có lãi.

Trong đó, “người tiên phong” Savills đang dẫn đầu với doanh thu thuần năm 2022 đạt gần 790 tỷ đồng – tăng hơn 21% so với năm ngoái. Không tăng trưởng mạnh như doanh thu, lợi nhuận 3 năm thu về của Savills dao động nhẹ quanh mức lợi nhuận 22-23 tỷ đồng/năm, tương ứng mức sinh lời/doanh thu vào khoảng 3%.

Xếp vị thứ hai là PMC – liên danh của “ông lớn” VNPT và Tập đoàn Nhật Bản. Ghi nhận, doanh thu thuần thuần và lợi nhuận sau thuế của PMC có xu hướng phát triển khá ổn định trong giai đoạn 3 năm 2020-2022, với mức tăng trưởng dương mỗi năm. Năm 2022, PMC đạt hơn 760 tỷ doanh thu – suýt soát với Savills, lợi nhuận đạt gần 14 tỷ đồng.

Kế đến là CBRE Việt Nam với doanh thu thuần dao động nhẹ qua từng năm trong mức 510-550 tỷ đồng/năm. Ngược lại, lợi nhuận sau thuế của Công ty lại cho thấy sự biến động mạnh. Sau khi lợi nhuận tăng gần gấp 2 lần vào năm 2021, con số này có tín hiệu không mấy khả quan vào năm 2022, quay về mức lợi nhuận gần bằng năm 2020.

Cùng đạt mức 510 tỷ doanh thu năm 2022 còn có JLL. Đáng chú ý, lợi nhuận sau thuế đơn vị này ghi nhận một sự đột phá trong 2 năm 2021 - 2022, gấp 3-4 lần lợi nhuận năm 2020.

Tri Túc

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên