Trong khi nhiều người Việt ngại ăn, một DN Việt đã xuất khẩu thành công cà pháo mắm tôm sang Mỹ, đến Nhật cũng chịu chi 1,1 tỷ để được nhập sản phẩm
"Làm thế nào cô giữ được màu cà trắng dường này?", một nhà phân phối Việt Nam xuýt xoa, ngỏ ý muốn mua 1 hộp để kiểm định chất lượng coi sao. Nhưng hộp cà pháo này đã nằm trong đơn đặt hàng của một nhà phân phối, hộp cà kia lại đã có một doanh nghiệp Nhật Bản đăng ký mua độc quyền. "Họ bỏ 1,1 tỷ đồng để kiểm định sản phẩm này. Cô phải ưu ái cho họ", bà chủ của Công ty TNHH Ngọc Liên giãi bày.
- 19-01-2018Không chỉ có lá chuối, chổi chít Việt Nam cũng được bán đắt gấp 10 lần trên Amazon
- 12-11-2016Kiếm tiền tỷ từ chổi đót
Gian hàng mắm tôm, cà pháo của Công ty TNHH Sản xuất thương mại và Xuất nhập khẩu Ngọc Liên đặt gần cửa vào phòng hội thảo "Cơ hội thị trường cho doanh nghiệp Việt giai đoạn hội nhập mới và kết nối thị trường". Gian hàng bày toàn những món ăn dân dã và gần gũi như cà pháo, mắm tôm, tôm chua…
Ít ai biết những hộp cà pháo, mắm tôm ấy đã bay được sang Mỹ từ năm 1996, trước cả thời khắc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Lời kể từ người nhập hàng bên Mỹ: Muốn ăn ngon thì ăn đồ Ngọc Liên, muốn ăn tầm tầm thì ăn thử hàng của Thái
Ngọc Liên, theo giải thích của cô Phan Thị Liên – Giám đốc công ty, có nghĩa là "Bông sen tinh khiết". Cô Liên là Thạc sỹ chuyên ngành chế biến hải sản và nhiều năm giảng dạy tại một trường đại học chuyên về thủy sản, sau được doanh nghiệp Nhật Bản Kotobuki mời về làm giám đốc, phụ trách lĩnh vực ủ chua.
Trong quá trình làm việc, cô mày mò nghiên cứu ra công nghệ mới, đồng thời học hỏi được quy trình vận hành nhà máy. Đến năm 1995, cô đứng ra lập công ty Ngọc Liên, chuyên chế biến các sản phẩm muối và chua ngọt.
Những ngày đầu, Ngọc Liên chỉ có 10 công nhân. Bỗng một ngày có một đơn vị của Úc đến đặt 50 thùng hàng cà pháo mắm tôm.
"Năm ấy là năm 1995, họ chủ động đến đặt cà pháo mắm tôm. Bọn cô mừng quá, làm xong thì múa xung quanh 50 thùng hàng", cô Liên nhớ lại.
Sau chuyến hàng đầu tiên xuất ngoại, một công ty của Mỹ đưa Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đến kiểm tra. Họ ở lại xưởng của cô 3 ngày, lùng sục từ hệ thống nước thải cho đến nhà vệ sinh, kiểm tra các tiêu chuẩn mặt bằng xem có đảm bảo theo chuẩn FDA hay không. Sau đó, họ mới công nhận và cho phép doanh nghiệp này xuất khẩu cà pháo mắm tôm vào Mỹ.
Cà pháo mắm tôm Việt Nam được Ngọc Liên xuất khẩu lần đầu sang Mỹ vào năm 1996, trước cả thời điểm Việt Nam gia nhập WTO.
"Lúc Việt Nam gia nhập WTO, bên kia họ mừng quá! Họ điện thoại giữa đêm khuya cho cô, kể rằng: Chúng tôi nhập hàng của chị vào, lúc ấy hàng Thái Lan bành trướng thị trường Mỹ, khách hỏi mua thì chúng tôi bảo: Muốn ăn ngon thì đây, chúng tôi đặt hàng của Ngọc Liên lên, còn muốn ăn đồ vừa vừa thì đây, chúng tôi đưa hàng Thái Lan lên cho khách ăn thử".
"Người nhập hàng ấy kể ngày mới có hàng, con ông ấy ăn cả hũ cà liền, cứ 1 bữa cơm hết 1 hũ cà. Cứ thế ăn rầm rập", cô Liên kể.
Hiện hầu hết sản phẩm của Ngọc Liên đều có mã số vào Mỹ. Còn tại Việt Nam, hàng của Ngọc Liên được bày bán khá nhiều trên tại các chuỗi bán lẻ và các trang thương mại điện tử như Adayroi và Lotte.vn, với các sản phẩm đa dạng từ ớt tương xay, mắm tôm, dưa món, tôm chua… có giá từ 18.000 – 115.000 đồng/hũ.
Khi người Đài Loan, Nhật Bản nghiền mắm tôm, một doanh nghiệp Nhật sẵn sàng chi 1,1 tỷ đồng kiểm định để nhập mắm tôm Việt
"Làm thế nào cô giữ được màu cà trắng dường này?", một nhà phân phối Việt Nam xuýt xoa, ngỏ ý muốn mua 1 hộp để kiểm định chất lượng coi sao. Nhưng hộp cà này đã nằm trong đơn đặt hàng của một nhà phân phối, hộp cà kia lại đã có một doanh nghiệp Nhật Bản đăng ký mua độc quyền.
"Họ bỏ 1,1 tỷ để kiểm định sản phẩm này. Cô phải ưu ái cho họ", bà chủ của Ngọc Liên giãi bày.
Nhật Bản vốn là một thị trường khó tính. Khi đặt vấn đề với Ngọc Liên, phía Nhật Bản đã phải 2 lần sang Việt Nam để kiểm định chất lượng từ sản phẩm tới cung cách sản xuất. Lần 1 họ bỏ ra 600 triệu đồng, lần 2 bỏ ra 500 triệu đồng, mà mới nhập được 2 container, cô Liên kể.
"Bên cô cũng bỏ ra gần 100 triệu để chuyển mẫu tới lui cho họ kiểm định. Cô muốn vào thị trường Nhật quá nên khi họ đặt vấn đề độc quyền mình cũng gật luôn… Hàng cô đi được vào Nhật từ chai mắm tôm, đáp ứng được thị trường khó tính ấy là điều chính cô cũng không tưởng tượng nổi. Khi họ kiểm nghiệm xong và bảo "Được", cô cũng chóng mặt luôn", cô Liên bày tỏ.
Các sản phẩm giao thương với đối tác Nhật, phía Nhật Bản được độc quyền bán trong vòng trong 2 năm.
Khi tôi bày tỏ tâm lý e ngại vì nhiều người Việt còn không dám ăn mắm tôm, cô Liên cười bảo: Người Đài Loan, Nhật Bản rất nghiền món này.
Hiện ngoài Mỹ, Nhật, Đài Loan, các sản phẩm của Ngọc Liên đã xuất khẩu tới Đức, Anh, Pháp, Hàn Quốc, Singapore, Úc, New Zealand…
- Bí quyết gì để một doanh nghiệp nhỏ như Ngọc Liên xuất khẩu được hàng đến toàn thị trường lớn và khó tính như vậy?
- Nói thật, cô là người nghiên cứu sản phẩm nên chả có kinh nghiệm nhiều. Cái này là hữu xạ tự nhiên hương, chứ cô thì kỹ năng tiếp thị yếu lắm. Toàn người này mua rồi người khác mua, bên Tiệp mua, Đức qua Tiệp rồi Đức lại mua… xong rồi chuyền khắp các ngách.
Thực ra cô nghĩ thế này: Kinh doanh anh phải có tâm thì anh mới bền vững được. Cho nên, cô lấy phát triển bền vững làm gốc. Không bao giờ làm một cái gì trái với luật của mình hết, không vì cái gì mà lừa đảo khách hàng. Và phải lấy tâm mình làm gốc: Mình ăn được người ta mới ăn được. Cho nên, khách hàng luôn yêu quý cô. Chất lượng từ mấy chục năm nay chỉ có tốt hơn, chứ không hề tệ đi.
Thuận lợi ở nước ngoài, gặp khó tại Việt Nam
"Ở Việt Nam, tất cả siêu thị khi bắt đầu hoạt động đều mời bọn cô đến chào hàng và bán hàng. Siêu thị nào bọn cô cũng có mặt, nhưng hàng không chạy nhanh, chỉ vừa vừa. Chứ cô để ý các doanh nghiệp khác hàng chạy nhanh lắm", cô Liên bộc bạch.
Hiện trong cơ cấu thị trường của Ngọc Liên, thị trường xuất khẩu chiếm tới 70%, thị trường trong nước – tưởng như sẽ dễ dàng đánh chiếm – lại chỉ dừng ở mức 30%.
Tất cả vì câu chuyện giá.
Với tiêu chuẩn khắt khe của nước ngoài, Ngọc Liên đi trót lọt. Nhưng với tiêu chuẩn của Việt Nam, Ngọc Liên lại rất khó cạnh tranh...
Ví như nguyên liệu đầu vào, các bên khác có thể mua toàn bộ, nhưng xuất phát là một nhà nghiên cứu chú tâm vào sản phẩm, cô Liên lại mua tuyển lựa, nguyên liệu vừa phải đảm bảo tiêu chí sạch, mà 1 tấn nguyên liệu chỉ lựa dùng được 500 ký. Cho nên giá thành sản phẩm bị đội lên.
Với tiêu chuẩn khắt khe của nước ngoài, Ngọc Liên đi trót lọt. Nhưng với tiêu chuẩn của Việt Nam, một người mua hàng cầm hũ cà pháo của Ngọc Liên và một doanh nghiệp khác lên thì rất ít khi phân biệt quả cà nào to bé, đẹp xấu, hoặc có tinh ý nhìn ra độ chênh thì có khi vì giá cũng tặc lưỡi lấy hàng rẻ hơn.
Rồi như chuyện cái hũ, nắp đậy, nhìn tưởng đơn giản nhưng nhập đều tính bằng tiền USD. Nhắm tới việc xuất khẩu thì từng cái hũ, cái nắp cũng phải đạt đủ tiêu chí, mà các tiêu chí khắt khe của nước ngoài hiện ở Việt Nam chỉ có 2 nhà máy sản xuất hũ đạt được, một của doanh nghiệp Nhật Bản, một của Thái Lan.
"Các siêu thị cũng có chiến lược kinh doanh của họ. Họ tìm nguồn hàng tương đối nhẹ giá hơn để họ có lời hơn, nên ít chấp nhận các mặt hàng cao giá. Mà mình chất lượng cao lại không thể nào giảm giá xuống được", cô Liên giãi bày.
Một chiến lược cô Liên mới vạch ra cho Ngọc Liên là hợp tác phát triển vùng nguyên liệu sạch, hướng theo tiêu chuẩn VietGap, cho nên trong năm nay doanh nghiệp có thể giải tỏa bớt khó khăn về nguyên liệu.
Doanh nghiệp nhỏ của cô Liên giờ có 80 người, nhưng sau Tết nhân công nhảy việc, giờ chỉ còn tầm 60 người. May mắn là cô được sự giúp đỡ của cả gia đình trong kinh doanh, ngay cả cô cháu nội mới học lớp 3 cũng nghiền sản xuất.
"Nó mới được giải 3 Toán quốc tế, cũng xung phong là Giám đốc nhỏ. Nó nói sau này sẽ về làm với cô. Giờ ngày nào cũng vào nhà xưởng làm việc rất cần mẫn", cô khoe.
Trí thức trẻ