Trồng lúa nghèo nhất
70% thu nhập của người nông dân đến từ các hoạt động phi nông nghiệp. Người nông dân trồng lúa gạo lại chính là người nghèo nhất so với những người trồng hoa màu, thực phẩm khác. Tình trạng này diễn ra chung ở các miền.
- 21-03-2016Năm 2020 sẽ giảm thêm gần 93.000 ha đất trồng lúa
- 19-03-2016Xâm nhập mặn tấn công, ĐBSCL có nên trồng lúa bằng mọi giá?
- 13-03-2016Bớt trồng lúa để thúc đẩy nông nghiệp Việt phát triển?
Thông tin tại hội thảo “Đối thoại công- tư APEC về tạo thuận lợi cho việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng nhằm tăng cường an ninh lương thực” ngày 21-4, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết: Khảo sát cho thấy, 70% thu nhập của người nông dân đến từ các hoạt động phi nông nghiệp. Người nông dân trồng lúa gạo lại chính là người nghèo nhất so với những người trồng hoa màu, thực phẩm khác. Tình trạng này diễn ra chung ở các miền.
Chưa hết, một gia đình ít nhất phải có 2ha để có mức thu nhập vượt qua "ngưỡng" nghèo và ít nhất phải có 3ha mới có mức thu nhập trung bình.
Vì thế, trong tương lai chúng ta cần đa dạng hoá sản xuất nông nghiệp, tìm cách giúp người nông dân nâng cao thu nhập, thông qua khâu chế biến, hoạt động maketing để giảm chi phí sản xuất và có lợi nhuận cao hơn trong sản xuất lúa gạo.
Tuy nhiên, cho đến nay tổng đầu tư vào ngành nông nghiệp khá thấp so với những ngành khác trong nền kinh tế. Đầu tư cho dịch vụ lớn nhất, còn đầu tư cho nông nghiệp tăng rất chậm, chiếm chưa tới 6% tổng thu hút đầu tư của nền kinh tế, trong khi nông nghiệp chiếm 18% GDP. Hơn 50% các khoản đầu tư đến từ khối kinh tế nhà nước, còn tư nhân đầu tư chưa nhiều so với yêu cầu cần thiết. Nguồn vốn nhà nước chủ yếu là trái phiếu Chính phủ, vốn ODA, trong khi nguồn vốn ODA này sẽ giảm dần khi Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình.
Vậy nên, thu hút đầu tư tư nhân, nước ngoài để phát triển hạ tầng trong nông nghiệp là giải pháp được đưa ra.
Chia sẻ kinh nghiệm từ nước đi đầu trong sản xuất và xuất khẩu lúa gạo, ông Phanuwat Wanraway, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế Hợp tác xã Thái Lan chia sẻ, với việc đầu tư vào các cơ sở hạ tầng cho nông nghiệp, Thái Lan đã áp dụng hình thức đối tác công- tư. Nhà nước Thái Lan đóng góp 30% còn 70% đến từ các tổ chức kinh tế tư nhân dưới dạng hợp đồng ký kết giữa Chính phủ với công ty tư nhân.
Người dân cần tham gia vào khâu lập kế hoạch, thực hiện, giám sát, chia sẻ lợi ích từ các công trình hạ tầng. Thái Lan đang chuẩn bị các cơ chế, thể chế cấp địa phương với những dự án lớn khoảng nửa triệu USD và thúc đẩy phân cấp cho chính quyền địa phương.
“Hỗ trợ đầu tư cho hợp tác xã của Thái Lan từ Chính phủ là hỗ trợ gián tiếp như xây dựng các cơ sở hạ tầng bảo quản lúa gạo, còn các hợp tác xã cũng có nguồn quỹ riêng”, vị này cho biết.
Báo hải quan