Trong lúc chờ ngày Bách Hoá Xanh kiếm ra tiền, điều gì sẽ dẫn dắt tăng trưởng Thế giới Di động năm 2019?
Trong thời gian đợi chờ Bách Hoá Xanh chính thức hái ra tiền, hai mảng cốt lõi điện máy và điện thoại phải tiếp tục gồng mình nâng đỡ mục tiêu tăng trưởng cả Tập đoàn, mà trọng tâm là khai thác khách hàng mới cũng như sản phẩm mới trong bối cảnh thị trường chững lại.
Tăng trưởng đột phá luôn là vấn đề mà giới đầu tư, cổ đông đòi hỏi Đầu tư Thế giới Di động (MWG) nhiều năm liền, khi Tập đoàn đã đi đến quy mô đủ lớn để vấp phải khó khăn cho công tác tăng tốc, trong lúc những mảng cốt lõi bước vào giai đoạn bão hoà. Với tư duy "muốn có được cái chưa từng có thì phải làm những điều chưa từng làm", MWG của ông Nguyễn Đức Tài đã liên tục đi tìm những miền đất mới, tương ứng với đó là một vài deal bị hụt.
Những miền đất hứa
Đơn cử có việc ra đời trang thương mại điện tử Vuivui.com vào cuối năm 2016, lúc này cũng là giai đoạn thị trường B2C (Business to customer) bùng nổ với hàng loạt đơn vị gia nhập, MWG tuyên bố mạnh mẽ muốn trở thành số 1 tại Việt Nam. Tuy nhiên, tháng 11 năm nay cũng là điểm kết cho Vuivui.com chỉ sau chưa đầy 2 năm hoạt động. Trả lời cho hành động này tại ĐHĐCĐ thường niên mới đây, lãnh đạo MWG khẳng định "không muốn đốt tiền cho thương mại điện tử".
Bước sang năm 2017, cũng vật lộn với phép toán tăng trưởng, Công ty mạnh tay mua lại chuỗi dược Phúc An Khang cùng nhiều hứa hẹn về mảng dược phẩm. Bước đi này cũng theo xu hướng bấy giờ của thị trường, nhiều đại gia điện máy với lợi thế sẵn có về phân phối như Digiworld, FPT Retail, Nguyễn Kim… tiện thể mở rộng sản phẩm dược phẩm khi thị trường này được nhận định lên đến cả tỷ USD và còn nhiều dư địa tăng trưởng. Miền đất hứa này sau đó mau chóng phai nhoà, MWG dự kiến "để dành" phát triển sau vài năm nữa.
Theo nghiên cứu từ GFK, ngành hàng điện thoại và ITC nói chung 2019 dự báo là không tăng trưởng (chỉ khoảng 1%). Ngành hàng tivi tăng khoảng 10%, máy lạnh 11%, các ngành khác đều dưới 10%. So với dự báo của các năm trước là thấp hơn khá nhiều; đây cũng là năm đầu tiên dự báo của điện thoại thấp. Qua đó nói lên rằng hình như người tiêu dùng bão hoà với sản phẩm hi-tech.
Thay thế, chiến lược MWG đặt ra kể từ năm 2018 sẽ dốc toàn lực cho Bách Hoá Xanh – chuỗi bán lẻ thực phẩm – đây cũng được kỳ vọng là mũi nhọn tăng trưởng cho MWG giai đoạn ngành điện máy, điện thoại chững lại. Vấp phải sai lầm và nhận nhiều hoài nghi từ thị trường, đến nay Bách Hoá Xanh đã phát đi nhiều tín hiệu tích cực, song cả một năm 2018 chuỗi này theo MWG là những phép thử sai để đi đến kết luận cuối cùng cho tính hiệu quả.
Tại ĐHĐCĐ thường niên mới đây, ban lãnh đạo Công ty cũng không tự tin khẳng định tính thành công của Bách Hoá Xanh, phải đợi đến cuối năm 2019 khi lợi nhuận thu về đủ bù đắp tất cả các chi phí từ cửa hàng, nhân viên… cho đến chi phí vận hành kho trung tâm thì mới tính đến việc tăng tốc để kiếm tiền.
Vậy riêng năm 2019 câu hỏi đặt ra làm sao để MWG đạt được mức tăng trưởng 25%, khi mảng cốt lõi là điện thoại dự báo chững lại.
Sau chiêu bán đồng hồ, rổ rá… MWG sắp tung chiêu thứ hai để đẩy mạnh tăng trưởng
Câu trả lời nhận được là, muốn tăng doanh thu chỉ có 2 hướng đi:
+ Bán cái chưa từng bán – "Các bạn đã thấy đồng hồ xuất hiện chưa?", ông Tài đặt nghi vấn.
+ Tiếp cận được nhóm khách hàng chưa từng tiếp cận được hoặc chưa từng quan tâm đến hàng.
Trong đó, cái đầu tiên là bán đồng hồ MWG đã nhá hàng, còn cái thứ hai thời gian tới sẽ thực hiện song hành, đại diện MWG khẳng định.
Trên thực tế, không chỉ đồng hồ, thời gian gần đây Điện máy Xanh còn bày bán tủ lạnh kiêm thêm cả bát đĩa, rổ rá… Bổ sung cho chiêu tăng trưởng thứ nhất này, đại diện MWG cho biết còn bao gồm cả việc ĐMX mục tiêu mở thêm 150 cửa hàng mở mới và chuyển đổi từ TGDĐ, đồng thời liên tục cải tiến mô hình đang vận hành. Chẳng hạn trước đây máy giặt trưng bày 1 gian hàng, thì đổi thành 1 tầng, tivi cũng vậy... tức trong diện tích 1 cửa hàng mini 300m2 nhưng hàng hoá trưng bày như 1 cửa hàng 1.000m2; tương tự TGDĐ diện tích cũng chỉ 150m2, nhưng đưa thêm đồng hồ vào thì sẽ làm gia tăng giá trị.
Như vậy, năm 2019 tiếp tục là một năm đầu tư cho BHX, phải đến 2020 mới chính thức kiếm tiền từ chuỗi này. Chi tiết mục tiêu mà BHX hướng đến bao gồm:
(1) Năm 2018 phải đi đến điểm hòa vốn tại cửa hàng – tiền lời bù được chi phí cho chính cửa hàng đó, và đã đạt được vào tháng 12/2018.
(2) Bước sang 2019, BHX dự kiến bù đắp được cả phần phân phối, kho trung tâm, vận chuyển nữa... vậy nếu thực hiện được thì mô hình này đã chứng minh tính hiệu quả và quá trình tăng tốc sẽ diễn ra.
"Còn nói 2020 tăng tốc được hay không thì hơi sớm nhưng xác suất tăng tốc khá cao. Điện thoại, điện máy chúng tôi tăng tốc 650 cửa hàng/năm, thì cửa hàng BHX nhỏ nhoi này còn tăng nhanh hơn", ông Tài nói.
Và, trong thời gian đợi chờ BHX chính thức hái ra tiền, hai mảng cốt lõi điện máy và điện thoại phải tiếp tục gồng mình nâng đỡ mục tiêu tăng trưởng cả Tập đoàn, mà trọng tâm là khai thác khách hàng mới cũng như sản phẩm mới, không tìm kiếm những lĩnh vực khác như đã từng. Đặt kế hoạch kinh doanh 2019, MWG dự kiến doanh thu thuần tăng 25% lên 108.468 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tương ứng đạt 3.571 tỷ đồng, tăng 24%.
Nói là vậy, dường như cổ đông lại trông chờ vào BHX hơn là dựa vào mảng điện thoại di động. Theo đó, thị giá cổ phiếu MWG trên thị trường biến động khá mạnh, hiện đang quay đầu giảm về vùng giá 84.000 đồng/cp.
Trí Thức Trẻ