Trong thư gửi con, nữ bác sĩ nghẹn ngào kể về bệnh nhân trẻ vĩnh viễn mất đi đôi mắt vì lái xe khi say xỉn: Lúc nhận ra sai lầm thì đã quá muộn!
"Khi vui, các con rủ nhau uống rượu bia, con chỉ nghĩ là vui thôi, các con có thể thách đố nhau và hậu quả lại ảnh hưởng sâu sắc đến cả quãng đời còn lại", bác sĩ Thẩm Trương Khánh Vân đau lòng viết.
- 24-02-2020Học được gì từ Oslo, Na Uy: Chỉ duy nhất một người tử vong do tai nạn giao thông trong năm 2019, lý do là vì tự đâm vào hàng rào
- 15-10-2019Nhà báo Thu Hà: "Ở Hàn Quốc, tỷ lệ chết do tự tử ở thanh thiếu niên đứng hàng đầu cao hơn tai nạn giao thông, ung thư"
- 04-02-2019Tâm sự của người vợ mất chồng vì tai nạn giao thông do say rượu ngày Tết: Xin hỏi, những người ép rượu, các anh không có gia đình ư?
Kể từ ngày 1/1/2020, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đã chính thức có hiệu lực, nghiêm cấm toàn bộ hành vi điều khiển phương tiện giao thông khi có nồng độ cồn trong người. Thế nhưng, như ông bà ta vẫn nói: “Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”. Ở đâu đó, vẫn còn có những người vì niềm vui của bản thân, vì sự chủ quan của tuổi trẻ mà bất chấp cả tính mạng mình, lao ra ngoài đường khi hơi thở đã nhuốm men say. Chỉ đến khi tai họa ập đến, họ mới chợt nhận ra sai lầm của mình thì đã quá muộn rồi…
Đó cũng chính là trường hợp của chàng trai trẻ 21 tuổi được nhắc đến trong dòng trạng thái gần đây của nữ bác sĩ Thẩm Trương Khánh Vân - Phó Trưởng khoa Chấn thương Bệnh viện Mắt TW. Mượn lời người mẹ viết gửi con trai mình, chị đã kể lại câu chuyện thương tâm của một bệnh nhân trẻ mất đi đôi mắt vì tai nạn giao thông do say xỉn khi đang lái xe, khiến cho bao người phải nghẹn ngào.
Bác sĩ Thẩm Trương Khánh Vân - Phó Trưởng khoa Chấn thương Bệnh viện Mắt TW
"Hưng ơi, hôm qua mẹ vừa mổ cho 1 bạn 21 tuổi.
Một tuần trước, bạn ấy uống rượu say và lao thẳng vào máy xúc. Sau tai nạn, bạn ấy bị chấn thương sọ não, chấn thương hàm mặt và vỡ cả 2 mắt. Bạn ấy đã được nằm điều trị 1 tuần tại bệnh viện Việt Đức, được phẫu thuật hàm mặt, được khâu bảo tồn lại 2 mắt, theo dõi chấn thương sọ não trước khi chuyển đến Bệnh viện Mắt của mẹ. Chiều thứ 6 tuần trước, khi mẹ đang mổ thì cô phó khoa gọi điện hỏi mẹ: "Có bệnh nhân nặng lắm hội chẩn chị ạ. Bệnh nhân đã được điều trị theo dõi đa chấn thương và khâu bảo tồn nhãn cầu 2 mắt. Giờ chuyển sang mình. Em thấy 2 mắt đều có xu hướng teo, một mắt ST (-), một mắt ST(+). Nhưng bệnh nhân cũng ko hoàn toàn tỉnh táo đâu. Mắt chắc cũng chả làm được gì. Mà bệnh nhân đã cố định xương hàm nên nếu phẫu thuật tiếp chỉ gây tê và tiền mê thôi. Mê hẳn e là khó. Giờ làm gì hả chị". Mẹ nghĩ: " Trời ơi, bệnh nhân có 21 tuổi, trẻ quá. Cùng lứa tuổi như thằng Hưng nhà mình. Thôi, thì nếu toàn trạng ổn định rồi thì cho vào nhập khoa. Còn bùn cũng cố vét cho bệnh nhân. Nhìn lờ mờ được chút nào cũng là hạnh phúc".
Trước khi mổ, mẹ phải gọi cả bạn ý và bố mẹ bạn ý vào để giải thích tiên lượng. Mẹ không hy vọng nhiều nhưng sẽ cố hết sức cho bạn ấy. Vì bạn ấy còn quá trẻ. Bạn ấy còn cả tương lai phía trước.
Ngày hôm qua, bạn ấy là ca mổ đầu tiên của mẹ. Trước khi mổ, bạn ấy nói: "Cô Khánh Vân ơi, cô giúp con với. Con cầu xin cô, cô giúp con". Mẹ cũng chỉ đành an ủi là cô sẽ cố hết sức có thể cho con thôi. Buồn thay, khi mở ra, hầu như tất cả cả thành phần trong mắt đều đã bay ra ngoài. Và mắt đấy cũng không còn khả năng nhìn thấy được nữa. Mẹ ra ngoài phòng phẫu thuật để giải thích cho bố bạn ấy mà rơi nước mắt. Bạn ấy trẻ thế, tương lai bạn ấy sẽ đi đâu, về đâu? Bố bạn ấy cho mẹ xem ảnh bạn ấy. Trước chấn thương, bạn ấy thật sáng sủa đẹp trai. Bạn ấy còn là sinh viên năm 2 đại học. Mẹ thấy trái tim mình như nứt ra. Nỗi đau này bố mẹ bạn ấy phải chịu như thế nào đây? Sau khi đóng lại mép mổ, bạn ấy khóc và hỏi mẹ: "Cô ơi, con sẽ vĩnh viễn ko bao giờ nhìn thấy được nữa đúng ko". Mẹ ko dám trả lời bạn ấy.
Sáng nay khám lại, bạn ấy lại hỏi mẹ câu đó và mẹ cũng vẫn không dám trả lời cho bạn ấy. Làm sao mẹ có thể nói với một chàng trai 21 tuổi là chàng trai ấy sẽ không bao giờ còn có thể nhìn thấy được ánh sáng nữa?
Bố mẹ bạn ấy đều muốn hiến mắt cho bạn ấy nhưng than ôi, người ta có thể hiến giác mạc, có thể thay thể thủy tinh, nhưng với một chấn thương nặng như thế thì chả có gì có thể thay thế được. Mẹ ước gì có 1 nơi trên thế giới có thể điều trị được cho bạn ấy để mẹ chỉ cho gia đình bạn ấy đi.
Bây giờ, bạn ấy vẫn đang khóc và ước gì bạn ấy chết luôn khi tai nạn xảy ra, ước gì bạn ấy đã ko uống say...
Con ơi, con còn rất trẻ. Tương lại còn cả phía trước với con. Khi vui, các con rủ nhau uống rượu bia, con chỉ nghĩ là vui thôi, các con có thể thách đố nhau và hậu quả lại ảnh hưởng sâu sắc đến cả quãng đời còn lại. Con phải chịu trách nhiệm với cuộc sống không chỉ của một mình con đâu mà còn cả gia đình nữa. Vì vậy uống ít thôi và đã uống rượu bia thì đừng tham gia giao thông nữa. Khi viết những dòng này, mẹ vẫn như đang nhìn thấy những giọt nước mắt đang rơi của bố mẹ bạn ấy..."
Bài chia sẻ của bác sĩ Thẩm Trương Khánh Vân đã nhận được hơn 10.000 lượt thích, 6.900 lượt chia sẻ và hàng trăm bình luận trên mạng xã hội. Đa số cư dân mạng đều xót xa trước trường hợp thương tâm của chàng trai, cũng như nhắc nhở chính mình và người thân tuyệt đối không được lái xe khi đang tham gia giao thông.
Đây cũng chính là bài học cảnh tỉnh cho tất cả những người đang tham gia giao thông ngoài kia. Say xỉn lái xe chẳng khác nào một tội ác, khiến cho bao người ngã xuống, bao gia đình phải chia, bao số phận bị hủy hoại. Vậy nên, đừng vì một phút chủ quan mà đánh đổi bằng cả mạng sống của mình, để rồi cả đoạn đường đời trước mặt phải phụ thuộc vào người khác. Tương lai của chúng ta ra sao, tất cả đều do chính mỗi người tự quyết định.