MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

PVcomBank gặp mặt cư dân Tokyo Tower: Dự kiến 30/6/2019 sẽ nhận được nhà

08-10-2018 - 14:45 PM | Tài chính - ngân hàng

Ngân hàng cam kết sẽ đi đến cùng dự án, khi nào cư dân nhận được nhà mới thôi.

Chiều nay ngày 8/10, Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PvcomBank) tổ chức gặp mặt cư dân dự án Tokyo Tower – dự án vừa bị ngân hàng tiến hành thu giữ ngày 25/9 vừa qua do chủ đầu tư và đơn vị phân phối đã không thực hiện đúng trách nhiệm.

Dự án Tokyo Tower (tên cũ là Hanoi Land Mark 51) - có địa chỉ tại số 55 đường 430, P. Vạn Phúc, Q.Hà Đông - được khởi công từ tháng 4/2015 với 51 tầng, 688 căn hộ, diện tích khu đất là 4.557,3 m2. Dự án này được hứa hẹn là toà nhà cao thứ 3 trên địa bàn Hà Nội, do Công ty Cổ phần Xây dựng Sông Đà 101 làm chủ đầu tư, Công ty Cổ phần Thương mại Hoàng Vương là đơn vị phân phối dự án, còn PVcomBank là đơn vị bảo lãnh. 

Từ cuối năm 2015, Công ty Thương Mại Hoàng Vương đã thế chấp toàn bộ quyền tài sản phát sinh từ 552 hợp đồng mua bán căn hộ thuộc dự án tại PVcombank. Được biết đến thời điểm thu hồi dự án Công ty Thương Mại Hoàng Vương và Sông Đà 101 nợ PVcomBank hơn 600 tỷ đồng.

Đại diện ngân hàng cho biết, cuộc gặp là để tìm kiếm tiếng nói chung nhằm đảm bảo quyền lợi của cả ngân hàng lẫn cư dân – ngân hàng thu hồi được nợ còn cư dân thì sớm được nhận nhà.

Đại diện cư dân hỏi: Sau khi ngân hàng thu hồi thì tư cách pháp lý của dự án có gì thay đổi hay không?

Đại diện PVcomBank: Quyền lợi của khách hàng đã ký với chủ đầu tư là không thay đổi (những nội dung đã ký với Sông Đà và Hoàng Vương). Ngân hàng chỉ tiến hành thu các phần còn lại, bao gồm phần tiền chưa đóng để ngân hàng hoàn thiện dự án giao trả cho dân.

Cư dân hỏi: Vậy phương án xử lý tài sản thế nào?

Đại diện PVcomBank: Ngân hàng đã tiến hành thu hồi, xử lý nhiều dự án trên cả nước. Với các tài sản thu hồi đều xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Ngân hàng đã chuẩn bị đầy đủ các quy trình và phương án xử lý cụ thể.

Đối với Tokyo Tower, sẽ tiến hành theo quy định của pháp luật để thu hồi nợ. Nhưng bên cạnh đó, ngân hàng chỉ thu đối với phần tài sản của ngân hàng, còn quyền và tài sản của người mua nhà vẫn được bảo đảm nguyên vẹn. Khi ngân hàng làm việc với đối tác mới, chủ đầu tư mới sẽ đảm bảo vấn đề này.

Vị đại diện cho biết thêm trong số hơn 200 khách hàng mua nhà của dự án thì mới có hơn 150 khách hàng đối chiếu với ngân hàng rằng mua nhà dự án.

Về công nợ của các nhà thầu, ngân hàng đã gửi văn bản cho các nhà thầu liên quan để xác định công nợ, và dự kiến tuần sau sẽ có con số cụ thể để triển khai.

Cư dân hỏi: Phương án mà cư dân quan tâm là phương án xử lý thế nào sau thu hồi, khi nào dự án hoạt động trở lại, khi nào cư dân nhận nhà?

Đại diện PVcomBank: Để dự án sớm đi vào vận hành thì ngân hàng rất cần sự bắt tay của cư dân, ngân hàng và nhà đầu tư mới. 

Theo kế hoạch, sau khi chốt công nợ được 30 ngày, ngân hàng sẽ chọn đối tác. Sau khi chốt được, sẽ mất khoảng 4-6 tháng để hoàn thiện. Như vậy tổng cộng sẽ mất khoảng 6-7 tháng để cư dân nhận được nhà.

Đại diện ngân hàng bổ sung thêm, hiện công trình còn dở dang khoảng 269 tỷ, tức là sẽ phải bỏ ra khoảng 300 tỷ để hoàn thiện dự án. Tuy nhiên hiện Sông Đà 101 đang nợ ngân hàng hơn 300 tỷ.

"Ngân hàng cam kết bảo vệ tối đa quyền lợi của cư dân khi đàm phán với đối tác mới" - vị đại diện nói.

PVcomBank gặp mặt cư dân Tokyo Tower: Dự kiến 30/6/2019 sẽ nhận được nhà - Ảnh 1.

Dự án Tokyo Tower


Cư dân hỏi: -Theo đúng luật, bảo lãnh chỉ hết hạn khi bàn giao nhà cho cư dân, tức là bảo lãnh hiện nay vẫn còn hiệu lực. Vậy ngân hàng có trách nhiệm gì với cư dân? Cam kết bảo lãnh của ngân hàng với chủ đầu tư trong đó cam kết rằng nếu không hoàn thiện dự án thì sẽ hoàn trả tiền, tuy nhiên bản bảo lãnh gốc này cư dân không có. Vì sao ngân hàng không phát hành bảo lãnh cho cư dân? Vai trò trách nhiệm của ngân hàng ra sao?

Đại diện PVcomBank: Về vấn đề thư bảo lãnh, theo quy định tại thời điểm 2015 thì chủ đầu tư phải cung cấp thư bảo lãnh cho cư dân, nhưng họ đã không cung cấp. Với những người ký hợp đồng mua nhà khi thông tư mới về bảo lãnh có hiệu lực, thì theo quy định hợp đồng khung sẽ phải được ký lại để bổ sung các điều khoản, tuy nhiên Sông Đà 101 cũng không ký.

Theo hợp đồng đã cung cấp giữa hai bên thì đến nay bảo lãnh đã hết hiệu lực. Bên Sông Đà 101 đã không có phản hồi gì.

Hiện nay với vấn đề của cư dân liên quan đến bảo lãnh như vậy, ngân hàng sẽ phải gửi văn bản lên Ngân hàng Nhà nước để xin ý kiến. Cư dân nào có nhu cầu phát hành bảo lãnh thì gửi tới ngân hàng để ngân hàng xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Cư dân hỏi: Tôi đã đóng 30% qua ngân hàng, 70% cho chủ đầu tư. Vậy nếu đã đóng hết tiền rồi thì làm thế nào?

Đại diện PVcomBank: Hiện ngân hàng chưa chốt được hết công nợ với các bên. Ví dụ như trường hợp của vị khách hàng này, rằng anh đã nộp 30% vào tài khoản ngân hàng và 70% cho chủ đầu tư thì phải chốt lại và đảm bảo quyền lợi hai bên.

Tuy nhiên theo quy định thì các khách hàng phải trả tiền qua ngân hàng. Do đó vấn đề dòng tiền sẽ phải chốt lại.

Cư dân hỏi: Số phận nhà ở của chúng tôi thế nào nếu như ngân hàng tìm chủ đầu tư mới rồi lại bán đi cho chủ đầu tư mới?

Đại diện PVcomBank: PVcomBank cam kết sẽ theo đến khi nào dự án hoàn thiện và cư dân nhận được nhà. Chúng tôi không tìm chủ đầu tư mới để họ muốn làm thế nào thì làm, mà đơn vị có năng lực do ngân hàng lựa chọn chỉ là người triển khai các nội dung còn lại của dự án để giao nhà cho cư dân. 

Cư dân: Chúng tôi muốn xác định rõ lại khi nào thì nhận được nhà?

Đại diện PVcomBank: Dự án muốn triển khai tiếp phải có 2 nguồn: Nguồn tiền cư dân tiếp tục đóng tiếp phần còn lại và phần thu hồi nợ, chính vì thế ngân hàng mong muốn cư dân bắt tay cùng ngân hàng để tiến hành sớm và cư dân sớm nhận được nhà.

Theo lộ trình dự kiến thì khoảng 30/6 năm sau cư dân sẽ được nhận nhà.

Cư dân hỏi: Ngân hàng tính lãi thế nào với các khoản vay mua dự án? Nếu sau 30/6/2019 không trả nhà thì làm sao?

Đại diện PVcomBank: Ngân hàng đang trình các cấp có thẩm quyền để cơ cấu lại khoản nợ, điều chỉnh lại phần lãi và miễn một số phần lãi theo quy định. 

"Trên cơ sở nhằm bảo vệ tối đa quyền lợi cho cư dân thì sẽ xem xét các phần phạt, phí lãi quá hạn, sau đó cơ cấu lại phần nợ để cơ cấu lại khoản nợ sao cho khách hàng không bị phạt quá hạn".

Sau này nếu trường hợp cư dân có nhu cầu mua thêm thì sẽ có chính sách phù hợp hơn, đồng bộ hơn với cả cư dân cũ và mới để mua nhà. Cư dân đã mua nhưng chưa vay cũng có thể được xem xét vay vốn để được hỗ trợ.

Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên