MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trump dọa tăng thuế lên 45% nhưng đây là lý do Trung Quốc không sợ hãi

30-11-2016 - 10:01 AM | Tài chính quốc tế

Trung Quốc đang truyền đi một thông điệp hết sức rõ ràng rằng bất cứ động thái khiêu chiến nào cũng sẽ khiến kinh tế Mỹ phải chịu thiệt hại và làm tổn hại cả đến quan hệ thương mại của Mỹ với châu Á.

Người Trung Quốc có một câu nói bắt nguồn từ những triết lý trong Binh pháp Tôn Tử: bạn có thể giết 1.000 kẻ địch, nhưng làm như vậy cũng sẽ thiệt hại 800 binh lính.

Hàng trăm năm sau, triết lý này lại nổi lên, thường xuyên được nhắc đến trong những cuộc thảo luận ở Bắc Kinh trong những ngày này. Câu nói cổ được dùng để ám chỉ những thiệt hại mà Tổng thống mới đắc cử của nước Mỹ, Donald Trump, có thể phải gánh chịu nếu như ông khơi mào một cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Cho đến thời điểm này, vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn sau khi nhậm chức Trump sẽ dựng lên những hàng rào thuế quan cao ngất ngưởng nhằm vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Bắc Kinh cũng đưa ra một số nhận định lạc quan rằng ông sẽ thực tế hơn sau khi bước vào Nhà Trắng. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn truyền đi một thông điệp hết sức rõ ràng rằng bất cứ động thái khiêu chiến nào cũng sẽ khiến kinh tế Mỹ phải chịu thiệt hại và làm tổn hại cả đến quan hệ thương mại của Mỹ với châu Á.

“Trung Quốc không muốn nhìn thấy điều đó xảy ra, nhưng nếu Mỹ tấn công thì đó không phải là mối quan hệ một chiều’, Fu Ying – Chủ tịch Ủy ban kinh tế đối ngoại và từng là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc – nói.

“Toàn cầu hóa là xu hướng của thế giới. Mỹ đã khởi động toàn cầu hóa, hưởng lợi từ nó và bây giờ lại muốn chấm dứt nó. Vậy thì tiếp theo sẽ là gì? Mỹ có thứ để thay thế hay có một lựa chọn nào tốt hơn không? Xu hướng chẳng chờ đợi ai và có lẽ Trung Quốc sẽ làm tốt hơn Mỹ”, bà Fu Ying nói.

Bà Fu cũng bổ sung thêm rằng Trung Quốc – chủ nợ và đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ - có thể tăng thuế đánh vào hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ và chuyển sang giao thương với các quốc gia khác. Thậm chí, bà còn quan niệm đây chính là cơ hội để Trung Quốc kiềm chế làn sóng hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.

Ví dụ điển hình mà bà Fu đưa ra là đậu tương, mặt hàng mà các doanh nghiệp Trung Quốc đã để mất thị trường nội địa vào tay Mỹ. Hiện Trung Quốc là nước nhập khẩu đậu tương từ Mỹ lớn nhất. Tổng cộng trong năm ngoái Trung Quốc cũng nhập khẩu 20,3 tỷ USD các mặt hàng nông sản từ Mỹ.

Cây gậy và củ cà rốt

Các biện pháp trả đũa từ Trung Quốc là một chuyện, nhưng điều nguy hiểm hơn đối với Mỹ là chính sách bảo hộ của nước này sẽ tạo ra cơ hội rất lớn để Trung Quốc bành trướng ở châu Á.

Cho đến thời điểm này, Trung Quốc đang sử dụng hai cách để phản ứng với những tuyên bố của Trump: cảnh báo về những hậu quả mà Mỹ có thể phải gánh nếu như khơi mào một cuộc chiến thương mại, đồng thời đẩy mạnh nỗ lực theo đuổi một hiệp định tự do thương mại bao trùm châu Á và không có Mỹ.

Bắc Kinh đang muốn hoàn tất RCEP (Regional Comprehensive Economic Partnership), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực với sự tham gia của 10 nước Đông Nam Á và 6 nước mà ASEAN đã ký hiệp định thương mại tự do (Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand). Vòng đàm phán tiếp theo của hiệp định này sẽ diễn ra vào ngày 2/12 tới tại Indonesia.

Wang Wen – giáo sư đến từ đại học Renmin (Bắc Kinh) cho rằng nước Mỹ đang sử dụng cách tiếp cận cây gậy và củ cà rốt, kiểu chính sách ngoại giao thường được dùng bởi các nước lớn mạnh nhằm làm thay đổi hành vi của các nước nhỏ hơn. Trong khi đó Trung Quốc sử dụng chính sách đặt lợi ích kinh tế và thương mại lên trước nhất ở châu Á, chính sách ưu điểm hơn so với Mỹ.

Tuy nhiên Yan Xuetong, một thành viên của Ủy ban tư vấn cho Bộ Thương mại Trung Quốc, nhận định Trung Quốc vẫn thiếu kinh nghiệm và cần phải học hỏi thêm nhiều trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế. Trong tương lai, đồng hành cùng với tầm ảnh hưởng và quy mô nền kinh tế ngày càng lớn cũng là những thách thức lớn hơn. Trung Quốc phải đứng trước nhiều lựa chọn khó khăn trước các vấn đề quốc tế nhạy cảm như thương mại hay biến đổi khí hậu.

Thu Hương

Bloomberg

Trở lên trên