Trung bình mỗi năm, Tp.HCM có 7 vụ cháy tòa nhà cao tầng
Từ năm 2012 cho đến tháng 9/2016, Tp.HCM đã xảy ra 34 vụ cháy tại các tòa nhà cao tầng. Trong đó, có 26 vụ cháy tại các chung cư...
- 01-04-2018Chung cư cháy liên tục, HoREA kiến nghị chỗ xe cần tách biệt với chỗ ở
- 01-04-2018Cháy chung cư quận 2, thầy trò OnlyC cùng hàng trăm cư dân ôm thú cưng bỏ chạy
- 01-04-2018Lại cháy chung cư ở Sài Gòn, cư dân hoảng loạn tháo chạy
Theo Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA), hơn 15 năm qua tốc độ đô thị hóa phát triển rất nhanh, đi đôi với xu thế phát triển các chung cư và đã có hàng chục ngàn hộ gia đình lựa chọn sống trong căn hộ. Chung cư đang được phát triển tại tất cả các quận, kể cả một số huyện giáp ranh như Nhà Bè, Bình Chánh.
Các tòa nhà cao tầng đang tiếp tục được xây dựng với xu thế ngày càng cao hơn và ngày càng có nhiều tòa nhà chung cư cao trên 30 tầng tại Tp.HCM. Trong đó, có một số khu vực tập trung dày đặc nhiều dự án căn hộ cao tầng.
Thống kê của HoREA đến tháng 9/2016 cũng cho thấy, Tp.HCM có 1.037 chung cư. Trong đó có 474 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975 đã hết niên hạn sử dụng. Từ năm 2012 cho đến tháng 9/2016, Tp.HCM đã xảy ra 34 vụ cháy tại các tòa nhà cao tầng. Trong đó, có 26 vụ cháy tại các chung cư nhà ở. Như vậy, tính trung bình mỗi năm, tại Tp.HCM xảy ra ít nhất 7 vụ cháy tòa nhà cao tầng.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nhận định, sai phạm điển hình có thể dẫn đến mất an toàn phòng cháy chữa cháy chung cư là 474 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975 không có hệ thống phòng cháy chữa cháy. Nhiều căn hộ chung cư bị cơi nới, không có lối thoát hiểm, nguy cơ cháy tiềm ẩn rất đáng quan ngại.
Nhiều chung cư nhà được cấp phép xây dựng trong hẻm nên tiềm ẩn nguy cơ về an toàn thoát hiểm cho cư dân khi xảy cháy. Có trường hợp cơ quan chức năng duyệt quy hoạch tổng mặt bằng chung cư nhưng thiếu dành đường vào cho xe chữa cháy phòng khi xảy ra sự cố. Chủ đầu tư dự án chừa đường vào cho xe chữa cháy nhưng tải trọng mặt đường không đáp ứng theo quy định của Luật Phòng cháy chữa cháy nên xe chữa cháy hạng nặng không thể vào được.
Có tình trạng tại một số chung cư, nhà ở thương mại hệ thống báo cháy kém chất lượng, liên tục báo cháy giả nên cư dân có thói quen bình thản khi nghe báo cháy. Có nơi tắt luôn hệ thống báo cháy để khỏi bị làm phiền, lối thoát hiểm ở một số chung cư bị chiếm dụng, không có tác dụng thoát hiểm khi xảy ra cháy.
"Một số chủ đầu tư chưa hoặc không thi công hệ thống phòng cháy chữa cháy đã đưa dân vào ở như chung cư Bảy Hiền Tower số 9 Phạm Phú Thứ, phường 11, quận Tân Bình năm 2016 đã đưa hơn 20 hộ dân vào ở trong tình trạng chung cư đang thi công dở dang, thi công sai phép xây dựng, không có hệ thống phòng cháy chữa cháy", ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA, cảnh báo.
Theo pháp luật quy định, chung cư, nhà cao tầng chỉ được đưa vào sử dụng sau khi đã được nghiệm thu bàn giao đạt yêu cầu, trong đó, có hạng mục công trình phòng cháy chữa cháy, và phải được bảo hành, bảo dưỡng, bảo trì theo định kỳ.
Nhưng có một số chủ đầu tư, Ban quản trị chung cư, đơn vị quản lý vận hành chung cư chưa làm đầy đủ trách nhiệm trong công tác thường xuyên bảo dưỡng, bảo trì hệ thống phòng cháy chữa cháy để đảm bảo vận hành bình thường, đúng công suất theo thiết kế đã được thẩm duyệt. Nhất là các trường hợp đã được cơ quan phòng cháy chữa cháy kiểm tra, lập biên bản khuyến nghị, yêu cầu, như trường hợp Chung cư Carina Plaza.
Trước đó, vào lúc 1 giờ 30 phút ngày 23/3, tầng thấp ở chung cư Carina ở số 1648 Võ Văn Kiệt (quận 8, Tp. HCM) bất ngờ xảy ra hỏa hoạn. Sự việc đã khiến ít nhất 14 người thiệt mạng và 91 người bị thương.
Vụ việc đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo các chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc quy định phòng cháy chữa cháy tại các dự án, công trình nhà ở cao tầng, cho thuê.
Vneconomy