MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc can thiệp vào thị trường than có thực sự làm giá hàng hóa toàn cầu hạ nhiệt?

21-10-2021 - 07:11 AM | Thị trường

Trung Quốc can thiệp vào thị trường than có thực sự làm giá hàng hóa toàn cầu hạ nhiệt?

Thị trường hàng hóa Trung Quốc lao dốc trong ngày 20/10, dẫn đầu là giá than nhiệt, sau khi cơ quan hoạch định chính sách nhà nước Trung Quốc thông báo việc đang xem xét can thiệp để hạ nhiệt giá than đá. Thị trường than đá đang tái hiện câu chuyện tương tự như thị trường quặng sắt. Liệu động thái của Trung Quốc có thể giúp hạ nhiệt giá than đang "nóng bỏng" hiện nay?

Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) – cơ quan hoạch định chính sách của nước này – hôm 19/10 cho biết họ đang nghiên cứu các giải pháp can thiệp vào thị trường than đá. NDRC sẽ thực hiện tất cả các giải pháp có thể để đưa giá than về mức hợp lý, sau khi tổ chức một cuộc họp để kêu gọi các công ty khai thác than chủ chốt, hiệp hội than gia tăng sản lượng, đồng thời mở bán một phần kho than dự trữ. Họ cũng yêu cầu các công ty năng lượng phải đảm bảo đủ than để cung cấp điện cho mùa đông bằng mọi giá.

Than là một chỉ số hàng đầu của hoạt động kinh tế Trung Quốc, bởi khoáng sản này được sử dụng để cung cấp nhiên liệu cho khoảng 60% các nhà máy điện của Trung Quốc - vốn đã chật vật để bắt kịp nhu cầu về điện. Do thiếu điện, Trung Quốc đã phải phân bổ mức tiêu thụ năng lượng, một phần các hộ gia đình và một số nhà máy chỉ được cung cấp điện gián đoạn.

Giá than nhiệt kỳ hạn tương lai trên Sàn giao dịch hàng hóa Trịnh Châu và than cốc cùng than luyện cốc trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên dừng tăng trong phiên giao dịch 19/10, sau tuyên bố của Chính phủ Trung Quốc, sau đó giảm mạnh trong phiên 20/10.

Kết thúc phiên 20/10, trên thị trường Châu Á, giá than nhiệt giảm 8% xuống 1.755,40 nhân dân tệ (274,71 USD)/tấn, than luyện cốc và than cốc đều giảm 9% - mức giảm tối đa cho phép, xuống lần lượt 3.442 nhân dân tệ (538,58 USD)/tấn và 4.039 nhân dân tệ/tấn.

Giá nhôm và kẽm kỳ hạn tương lai trên sàn Thượng Hải (ShFE) đều giảm hơn 6%, trong khi giá sản phẩm hóa dầu, như methanol, ethylene glycol và urê – những mặt hàng sử dụng than làm nguyên liệu, giảm từ 8% đến 9%.

Giá hàng hóa ở Trung Quốc giảm ngay lập tức đã tác động mạnh đến thị trường toàn cầu, khiến giá kim loại cơ bản – dùng trong sản xuất và xây dựng, như đồng, nhôm, kẽm… trên Sàn kim loại London (LME) cũng giảm theo. Giá các hợp đồng dầu mỏ tham chiếu cũng cùng chung xu hướng đi xuống này.

Trung Quốc can thiệp vào thị trường than có thực sự làm giá hàng hóa toàn cầu hạ nhiệt? - Ảnh 1.

Giá hàng hóa tại thị trường Trung Quốc đồng loạt giảm sau khi Chính phủ can thiệp vào thị trường than.

NDRC cho biết luật pháp Trung Quốc cho phép Hội đồng Nhà nước, nội các Trung Quốc và các chính quyền khu vực hạn chế tỷ lệ lợi nhuận và đặt giới hạn giá khi giá các hàng hóa hoặc dịch vụ quan trọng tăng mạnh, đồng thời hứa hẹn sẽ ngăn chặn bất kỳ hành vi bất thường nào và duy trì trật tự thị trường.

NDRC cho biết họ sẽ đảm bảo các mỏ than hoạt động hết công suất để sản xuất ít nhất 12 triệu tấn mỗi ngày.

Trung Quốc sản xuất 11,14 triệu tấn mỗi ngày trong tháng 9, theo tính toán của Reuters dựa trên số liệu chính thức hàng tháng. Các số liệu chính thức được công bố trong tuần trước cho thấy sản lượng vẫn chỉ đạt 11,2 triệu tấn một ngày.

Câu chuyện về thị trường than đá ngày hôm nay khiến nhiều người liên tưởng đến câu chuyện của thị trường quặng sắt cách đây vài tháng. Tháng 5/2021, giá quặng sắt đã tăng lên mức cao kỷ lục lịch sử sau nhiều tháng liên tiếp tăng, khiến cơ quan chức năng Trung Quốc cũng tìm mọi cách can thiệp để hạ nhiệt nguyên liệu sản xuất thép này.

Tuy nhiên, mặc dù giá hàng hóa toàn cầu quay đầu giảm sau khi Trung Quốc thông báo kế hoạch hạ nhiệt giá than, song xu hướng giảm giá bên ngoài Trung Quốc không kéo dài, chỉ diễn ra trong vài giờ, kết thúc phiên 20/10 giá kim loại trên sàn LME và dầu Brent cũng như dầu WTI đều nhanh chóng hồi phục trở lại mức cao.

Nhiều nhà phân tích nhận định rằng đây chỉ là giai đoạn thị trường ‘tạm nghỉ’ trong bối cảnh các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đều vô cùng lo ngại về tình hình lạm phát, khi Trung Quốc và các nền kinh tế lớn khác ‘hút’ nhiên liệu và nhiều hàng hóa khác, giữa lúc kinh tế hồi phục mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19.

Nhà phân tích của Commerzbank, Daniel Briesemann, cho biết: "Chúng tôi không tin rằng mức giảm giá hiện tại sẽ đánh dấu sự khởi đầu của xu hướng đảo ngược". Ngân hàng có trụ sở tại Frankfurt này đã nâng dự báo kim loại cơ bản do nhận định rằng giá điện cao sẽ dẫn đến việc cắt giảm sản lượng hơn nữa.

Thực tế cho thấy, nguồn cung kim loại trên thế giới đang rất khan hiếm. Lượng đồng lưu kho trên Sàn giao dịch Kim loại London (LME) tuần qua đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ 1998, là 17.875 tấn, sau đó nhích tăng thêm 2.650 tấn, nhưng vẫn là mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ. Lượng đồng lưu kho trên sàn ShFE cũng đang ở mức thấp nhất kể từ 2009, là 41.668 tấn.

Xiao Fu, người phụ trách mảng chiến lược thị trường hàng hóa thuộc Ngân hàng Quốc tế Trung Quốc (Bank of China International (BOCI) ở London cho biết: "Hiện nay lượng đồng dự trữ trong kho rất hạn hẹp vẫn là một mối lo ngại, nhưng giá (đang) chậm lại chủ yếu do các tín hiệu kỹ thuật cho thấy đồng đã bị mua quá mức".

"Ngọn lửa" vẫn âm ỉ trên thị trường hàng hóa

Giá than giảm xuống và nguồn cung dồi dào hơn có thể làm giảm lạm phát giá ở các nhà máy Trung Quốc – vốn đạt mức cao kỷ lục trong tháng 9 do tình trạng suy thoái nguồn điện và giá hàng hóa tăng vọt.

Frederic Neumann, đồng trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế châu Á của HSBC, cho biết: "Sự can thiệp chính thức cuối cùng đã dội một gáo nước lạnh vào giá năng lượng đang bùng cháy… Tuy nhiên, các biện pháp kiểm soát giá địa phương đến nay chỉ có tác động được chừng đó".

Ông nói: "Trung tâm của vấn đề là sự thiếu hụt nguồn cung năng lượng trên toàn cầu khi Bắc bán cầu sắp bước vào mùa lạnh".

Trung Quốc không đơn độc trong việc cố gắng hạ nhiệt một thị trường năng lượng đang ‘rực cháy’. Cơ quan quản lý năng lượng của Singapore cho biết họ sẽ thực hiện các biện pháp quyết liệt hiếm thấy để bảo vệ hệ thống năng lượng quốc gia. Cơ quan quản lý của Đức cắt giảm thu nhập từ lưới điện và khí đốt của liên bang để giúp giảm chi phí cho người tiêu dùng.

Bắc Kinh cũng đã tìm cách giải quyết nguồn cung khi chỉ thị cho hai khu vực than hàng đầu của mình tăng sản lượng và phê duyệt các dự án khai thác than mới.

Một số nhà sản xuất than lớn của Trung Quốc cho biết họ sẽ tăng sản lượng và giới hạn giá trong mùa đông năm nay và mùa xuân tới sau khi chính phủ kêu gọi các công ty lưới điện tối đa hóa việc mua điện từ các nguồn tái tạo.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng điều đó không thúc đẩy đủ nguồn cung và giá than cao có thể vẫn duy trì khi hoạt động công nghiệp phát triển, khiến lạm phát có khả năng vẫn tiếp diễn.

Alex Whitworth, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu năng lượng và năng lượng tái tạo khu vực Châu Á Thái Bình Dương của Wood Mackenzie, cho rằng "chi phí năng lượng, nhân công và các chi phí khác tăng lên sẽ được chuyển sang vai người tiêu dùng cuối cùng và làm gia tăng lạm phát hơn nữa."

Ông nói thêm: "Các biện pháp đã có tác động đến việc tăng cung cấp điện, nhưng sẽ là một cuộc chiến khó khăn để kiềm chế giá trên thị trường than trước cuối năm nay".

Tham khảo: Reuters, Asiafinancial

Vũ Ngọc Diệp

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên