MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc đang diễn ra cuộc đại chiến 1,4 triệu người vì "bát cơm sắt"

26-11-2019 - 15:57 PM | Tài chính quốc tế

Mới đây, khoảng 1,4 triệu người Trung Quốc đã tham gia cuộc thi cạnh tranh 24.000 suất làm việc cho chính phủ, một tỷ lệ chọi 1/60.

Nghe có vẻ kỳ nhưng nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, thị trường số 1 toàn cầu lại vẫn đang nóng những suất làm công chức nhà nước. Trên thực tế, hàng năm các kỳ thi công chức nhà nước tại Trung Quốc đều thu hút lượng lớn người tham gia bất chấp việc cải thiện thu nhập và đời sống người dân những năm gần đây. Câu chuyện "bát cơm sắt" với mức lương ổn định dù thấp trong chính phủ vẫn thu hút được người lao động dù kinh tế đi lên.

Năm nay, kỳ thi công chức sẽ tuyển lao động cho 86 trung tâm nhân sự trực thuộc chính phủ và 23 tổ chức nằm dưới quyền quản lý của họ. Những trung tâm như Cục lưu trữ quốc gia hay Cục quản lý và điều tiết thị trường là nơi đang trống việc nhiều nhất trong đợt tuyển công chức lần này. Những ứng viên trúng cử sẽ bắt đầu đi làm từ đầu năm sau.

Theo thống kê, con số 1,44 triệu người tham gia cuộc thi năm nay tăng 4% so với năm trước nhưng thấp hơn mức 1,66 triệu của năm 2017. Con số này chính thức vượt mức 1 triệu người tham gia vào năm 2009 khi khủng hoảng kinh tế diễn ra và ngày càng nhiều người Trung Quốc tìm kiếm những công việc ổn định.

Trong những bài thi công chức, hay còn gọi là guokao tại Trung Quốc, các thí sinh sẽ phải thi viết về các bộ môn như chính trị, đối ngoại, ngoại ngữ và logic học. Những ứng cử viên muốn vào làm các vị trí liên quan đến kỹ thuật như mảng tài chính, an ninh hay ngoại giao sẽ phải có thêm những bài kiểm tra năng lực và kỹ năng.

Trung Quốc những năm gần đây gặp áp lực cực lớn trong việc duy trì số lượng công việc cho xã hội do dân số ngày một đông và lượng cử nhân ngày một nhiều. Tính đến tháng 10/2019, tỷ lệ thất nghiệp tại các thành thị của Trung Quốc ở mức 5,1%, giảm nhẹ so với mức 5,2% của tháng trước đó. Trong 10 tháng đầu năm, Trung Quốc đã tạo ra hơn 11 triệu công việc mới nhằm đáp ứng được nhu cầu lao động của giới trẻ.

Theo AB

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên