Trung Quốc đang "khai tử" tiền giấy thế nào và Việt Nam có cơ hội gì trên con đường hướng tới không tiền mặt?
Là quốc gia khai sinh ra tiền giấy, Trung Quốc cũng gặp rất nhiều thách thức trong việc đang khai tử hình thức thanh toán này vì tâm lý "tiền mặt là vua" đã ăn sâu trong tâm trí người dân.
Trung Quốc: "Khai sinh, khai tử" tiền giấy
Thực tế, Trung Quốc chính là nơi đầu tiên sử dụng tiền giấy. Tiền giấy xuất hiện lần đầu tiên vào thế kỷ VII dưới triều đại nhà Đường. Xuất phát từ hoạt động của các hiệu cầm đồ, kim hoàn nhận giữ tiền hộ khách hàng, người ta nghĩ ra cách thanh toán bằng những tờ giấy chứng nhận gửi tiền để dễ vận chuyển và an toàn trong sử dụng. Trước đó, hệ thống tiền tệ chính của Trung Quốc vẫn là tiền xu tròn lỗ vuông và tiền vàng, bạc. Tiền giấy ngày ấy được gọi là "phi tệ", vì nó nhẹ.
Chính vì là quốc gia khai sinh ra tiền giấy, nên Trung Quốc cũng gặp rất nhiều thách thức trong việc đang khai tử hình thức thanh toán này bởi tâm lý "tiền mặt là vua" đã ăn sâu trong tâm trí người dân. Thế nên, xã hội không tiền mặt ở Trung Quốc hiện nay – đến mức ăn xin cũng có QR Code - có thể coi là một thành công lớn đến khó tin.
Vào năm 2017, hơn ba phần tư người dân Trung Quốc đã ưu tiên sử dụng thanh toán kỹ thuật số thay vì tiền mặt và con số này hiện vẫn đang tăng nhanh. Nếu xét trên toàn cầu, Trung Quốc vẫn đứng sau Thụy Điển trong mục tiêu hoàn toàn không sử dụng tiền mặt vào đầu năm 2023. Tuy nhiên, sự tăng trưởng trong thanh toán không dùng tiền mặt ở Trung Quốc được đánh giá cao hơn nhiều với quy mô dân số của Trung Quốc.
Trên nhiều phương diện, thành công của xã hội không tiền mặt Trung Quốc thể hiện rõ rệt nhất trong sự lớn mạnh hai "gã khổng lồ" công nghệ Trung Quốc, những thương hiệu hiện đang gây tiếng vang trên toàn thế giới: công ty thương mại điện tử Alibaba và công ty game Tencent, với nền tảng truyền thông xã hội WeChat. Báo cáo của Worldpay lưu ý rằng gần 2/3 doanh số bán hàng trực tuyến và hơn 1/3 thanh toán tại các cửa hàng ở Trung Quốc hiện được thực hiện thông qua Alipay và WeChat Pay.
Theo CGAP (Nhóm tư vấn hỗ trợ người nghèo về dịch vụ tài chính), có hai yếu tố chính làm nên thành công này của Trung Quốc. Thứ nhất là mức độ sở hữu tài khoản ngân hàng cao (79 %). Thứ hai là tỷ lệ sở hữu điện thoại thông minh lớn, chỉ trong 3 năm từ 2013 đến 2016, tỷ lệ này đã tăng từ 29% lên tới 71% và vẫn còn tiếp tục tăng ở thời điểm hiện tại. Vì dòng tiền vào và ra thông qua các tài khoản ngân hàng được quy định, nên Alipay và WeChat Pay có thể tận dụng cơ sở khách hàng hiện có của ngân hàng.
Alibaba ra đời vào năm 1999 với tư cách là một nền tảng thương mại điện tử. Thời điểm đó, một trong những thách thức mà họ phải đối mặt là sự thiếu tin tưởng, thiếu đảm bảo của các giao dịch trực tuyến giữa những người lạ với nhau. Để giải quyết vấn đề đó, năm 2003, công ty này đã cho ra mắt Alipay, một giải pháp thanh toán kỹ thuật số trực tuyến dựa trên ký quỹ. Năm 2008, Alipay chính thức giới thiệu ví điện tử di động của mình. Mặc dù phải mất tới 5 năm để đạt được 100 triệu khách hàng trước năm 2008, nhưng Alipay đã có thêm 20 triệu người dùng mới trong 2 tháng đầu năm 2009. Ngày nay, họ có 700 triệu người dùng.
Tencent lại đi một con đường khác. Được thành lập vào năm 1998, họ nhanh chóng trở thành công ty hàng đầu của Trung Quốc về nhắn tin trực tuyến thông qua sản phẩm trò chuyện bom tấn QQ. Dựa trên thành công đó, công ty đã tham gia vào lĩnh vực trò chơi trực tuyến, từ đó trở thành một trong những công ty game lớn nhất thế giới. Để hỗ trợ hoạt động kinh doanh ở thời điểm này, Tencent đã giới thiệu thương hiệu thanh toán trực tuyến Tenpay vào năm 2005. Năm 2013, họ đã tích hợp Tenpay vào WeChat, tạo ra WeChat Pay, một sản phẩm cho phép người dùng gửi tiền trực tiếp cho nhau thông qua nền việc nhắn tin.
Mobile money và tương lai không tiền mặt cho Việt Nam
Có sự gần gũi với văn hóa Trung Quốc, Việt Nam cũng đối mặt với không ít khó khăn trong việc xây dựng một xã hội không tiền mặt. Theo thống kê mới nhất vào cuối năm 2019, 63% người ở độ tuổi trưởng thành có tài khoản ngân hàng, 72% dân số Việt Nam sử dụng smartphone. Những con số này không phải là quá thấp so với Trung Quốc, song tỷ lệ thanh toán không tiền mặt của Việt Nam vẫn còn rất thấp.
Trên thực tế, khi sử dụng các loại hình dịch vụ, mua sắm, phần đông người tiêu dùng vẫn giữ thói quen chi tiêu bằng tiền mặt, kể cả với thương mại điện tử, người dùng cũng ưa chuộng hình thức thanh toán COD (nhận hàng rồi trả tiền mặt). Đặc biệt, ở các khu vực nông thôn, số lượng người không có tài khoản tại ngân hàng còn nhiều nên hình thức thanh toán không dùng tiền mặt vẫn còn chưa phổ biến, dẫn đến việc thanh toán tiền mặt chiếm tới 90%.
Vì lẽ đó, trên thị trường có rất nhiều ví điện tử đang nỗ lực, thậm chí là "đốt tiền" để thay đổi thói quen thanh toán của người tiêu dùng. Sắp tới, mobile money cũng được kỳ vọng sẽ thay đổi thói quen thanh toán ở Việt Nam, bởi đây sẽ trở thành "cửa ngõ không tiền mặt" cho người nghèo, người ở vùng nông thôn, những người không có smartphone hay tài khoản ngân hàng. Điểm khác của Mobile Money với ví điện tử là không phải liên kết với ngân hàng.
Theo Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, tỷ lệ người dùng thẻ tín dụng ở Việt Nam còn thấp, nhưng mật độ thuê bao di động thì đã đạt trên 100%. Ở Việt Nam, trên 90% các giao dịch dưới 100.000 đồng là bằng tiền mặt, vì thế mobile money sẽ là giải pháp mạnh mẽ để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Với việc gần 40% dân số chưa có tài khoản ngân hàng, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, trong trường hợp mobile money thành công ở các giao dịch có giá trị nhỏ và thị trường nông thôn, thì miếng bánh thị phần của các hình thức thanh toán sẽ được phân chia rõ rệt giữa ngân hàng, ví điện tử và mobile money chứ không cạnh tranh trực tiếp lẫn nhau.