Trung Quốc đang nỗ lực "khoanh vùng" thay vì cứu Evergrande, đẩy những người này vào cảnh trắng tay vì "chúa nợ"
Những động thái gần đây cho thấy Trung Quốc sẽ làm mọi thứ có thể để "khoanh vùng" các rủi ro nảy sinh từ Evergrande nhưng quyết tâm tránh phải tung ra 1 gói cứu trợ trực tiếp dành cho tập đoàn bất động sản nặng nợ nhất thế giới.
- 04-10-2021Nước đi bất ngờ của "chúa nợ" Evergrande: Tuyên bố tái khởi động hàng loạt dự án bất động sản trên khắp Trung Quốc
- 01-10-2021Hỗn loạn trong cuộc họp của Evergrande: Một phụ nữ rút dao dọa tự tử, tuyệt vọng vì sợ mất trắng tiền tiết kiệm cả đời
- 01-10-2021Tượng đài Evergrande sụp đổ vì nghiện nợ, những lỗ hổng của nền kinh tế Trung Quốc cũng bắt đầu lộ diện
Trong lúc China Evergrande tiến gần hơn đến công cuộc tái cấu trúc, Bắc Kinh vẫn đang rất nỗ lực để hạn chế 1 cuộc sụp đổ trên diện rộng. Tuy nhiên, có nhiều tín hiệu cho thấy Trung Quốc sẵn sàng hỗ trợ các nhà phát triển bất động sản lành mạnh, các chủ sở hữu nhà và thị trường bất động sản nước này nhưng những nhà đầu tư quốc tế đang sở hữu trái phiếu Evergrande sẽ là bên phải "hi sinh" và bị thiệt hại nhiều nhất.
Trong tuần trước, các ngân hàng Trung Quốc đã được chỉ đạo nới lỏng điều kiện cấp tín dụng cho người mua nhà và có các chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản. Tổng cộng 10 ngày qua, 123 tỷ USD đã được PBOC bơm vào hệ thống tài chính trong nỗ lực tăng thanh khoản. Để hạn chế khủng hoảng lây lan, nhà nước cũng mua lại số cổ phần mà Evergrande đang sở hữu ở một ngân hàng quốc doanh đang gặp nhiều khó khăn.
Những động thái nói trên cho thấy Trung Quốc sẽ làm mọi thứ có thể để "khoanh vùng" các rủi ro có thể nảy sinh từ Evergrande nhưng quyết tâm tránh phải tung ra 1 gói cứu trợ trực tiếp dành cho tập đoàn bất động sản nặng nợ nhất thế giới. Đây là điều bất lợi đối với các trái chủ (cả trong nước và quốc tế) vốn đang hi vọng sẽ được chính phủ Trung Quốc giải cứu.
Đối với Trung Quốc, khủng hoảng lây lan sẽ tạo ra những hậu quả khủng khiếp hơn so với việc chỉ Evergrande sụp đổ. Mặc dù là một trong những tập đoàn bất động sản lớn nhất nước, Evergrande cũng chỉ chiếm 4% tổng doanh thu của thị trường bất động sản Trung Quốc. Trong khi đó nếu toàn bộ lĩnh vực bất động sản bị kéo theo thì kinh tế Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi tỷ trọng đóng góp trong GDP của ngành này lên tới 29%.
Cổ phiếu của các công ty bất động sản khác như Sunac China và Quảng Châu R&F Properties đã lao dốc mạnh trong khi lợi suất trái phiếu do họ phát hành tăng vọt. Theo dữ liệu của Moody’s, khoảng 12 công ty bất động sản bị vỡ nợ trái phiếu trong nửa đầu năm nay, với tổng giá trị trái phiếu không được thanh toán đúng hạn là 19 tỷ nhân dân tệ.
Trung Quốc cũng phải đối mặt với nguy cơ 1,6 triệu người mua nhà đã nộp tiền cho Evergrande nhưng đến nay vẫn chưa được nhận căn hộ của họ. Trong tháng trước, các nhà đầu tư nhỏ lẻ đã tổ chức biểu tình để yêu cầu được hoàn trả 40 tỷ nhân dân tệ từ các sản phẩm đầu tư lợi suất cao mà Evergrande phát hành. Nếu không muốn xảy ra tình trạng bất ổn xã hội, các dự án nhà ở đang dang dở phải nhanh chóng được hoàn thành.
Theo Moody’s, người mua nhà ở Trung Quốc vốn đang phải đối mặt với rủi ro giá giảm sau nhiều năm thị trường nhà đất tăng trưởng quá nóng. Các thước đo gồm mức độ tăng giá, số nhà xây mới và doanh thu đều sụt giảm mạnh trong những tháng gần đây
James Feng, người sáng lập Poseidon Capital Group, thứ tự ưu tiên của Bắc Kinh khi tái cấu trúc Evergrande sẽ là: các công nhân xây dựng tại công trường, người mua nhà, các nhà cung ứng và sau đó mới là các chủ nợ.
Trung Quốc đã có nhiều kinh nghiệm xử lý các vụ sụp đổ của những tập đoàn lớn như Evergrande. Nhìn vào ví dụ tập đoàn HNA, có lẽ Bắc Kinh sẽ chia tách các mảng kinh doanh của Evergrande và bán tài sản cho các nhà đầu tư chiến lược. Theo kịch bản đó, các trái chủ sẽ thua lỗ nặng trong khi nhà đầu tư cổ phiếu gần như mất trắng. Kể cả sau khi đã tăng mạnh trong tuần trước, cổ phiếu Evergrande vẫn giảm 80% kể từ đầu năm đến nay.
Tham khảo Bloomberg