MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc đau đầu vì lao động trình độ thấp: Những uẩn khúc đằng sau tỷ lệ nhảy việc cao, không chịu đào tạo nâng cao trình độ

01-05-2023 - 16:00 PM | Tài chính quốc tế

Trung Quốc đau đầu vì lao động trình độ thấp: Những uẩn khúc đằng sau tỷ lệ nhảy việc cao, không chịu đào tạo nâng cao trình độ

Xây dựng thiết bị hiện đại hay phát triển robot, tự động hóa để vươn lên trong chuỗi giá trị cung ứng là không đủ, Trung Quốc vẫn cần lượng lớn lao động có tay nghề.

Trung Quốc đau đầu vì lao động trình độ thấp: Những uẩn khúc đằng sau tỷ lệ nhảy việc cao, không chịu đào tạo nâng cao trình độ - Ảnh 1.

Theo Sixth Tone, nền kinh tế Trung Quốc đã bùng nổ hàng thập niên qua nhờ lao động giá rẻ, biến quốc gia này thành công xưởng của thế giới với vô số công nghệ sản xuất phát triển vượt bậc.

Giờ đây khi chi phí nhân công tăng, dân số già đi nhanh chóng và chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy vì dịch bệnh và xung đột địa chính trị, Trung Quốc đang phải cố gắng vươn lên cấp cao hơn trong chuỗi giá trị cung ứng. Thế nhưng họ gặp phải thách thức cực kỳ to lớn: lao động trình độ thấp.

Phần lớn các chuyên gia phân tích hiện nay nhắm đến trình độ công nghệ, máy móc, tự động hóa, trí thông minh nhân tạo...thế nhưng hiếm có ai để ý đến điểm yếu chết người này của Trung Quốc.

Trung Quốc đau đầu vì lao động trình độ thấp: Những uẩn khúc đằng sau tỷ lệ nhảy việc cao, không chịu đào tạo nâng cao trình độ - Ảnh 2.

Tờ Sixth Tone cho biết Trung Quốc có nhân tài cũng như chiến lược phát triển nguồn lao động, nhưng như vậy là chưa đủ để nền kinh tế này duy trì vị thế công xưởng của thế giới cũng như đối mặt các áp lực lớn hiện nay chứ chưa nói gì dịch chuyển lên cao hơn trong chuỗi giá trị cung ứng.

Việc thiếu nguồn lao động có trình độ đủ để đáp ứng các mục tiêu phát triển của Trung Quốc hiện nay đến từ chính môi trường làm việc của công nhân khi tỷ lệ bỏ việc cao và sự thiếu đầu tư của chủ doanh nghiệp.

Mang tiếng là công xưởng thế giới nhưng cuộc sống của người lao động các nhà máy tại Trung Quốc trong nhiều thập niên qua khá bấp bênh. Họ liên tục phải nhảy việc, chuyển công tác hay thậm chí đi qua nhiều thành phố kiếm việc làm.

Tồi tệ hơn, mối quan hệ giữa công nhân và chủ nhà máy cũng không được thân thiết khi mọi thứ chỉ xoay quanh lợi nhuận. Hậu quả là nhân viên không hết mình học hỏi kinh nghiệm làm việc mới, tự phát triển bản thân mà chỉ chăm chú và lương thưởng, phúc lợi. Doanh nghiệp thì chỉ quan tâm nhiều đến chi phí, hiệu quả lao động hơn là đào tạo thêm trình độ cho nhân viên.

Cách đây 10 năm, tỷ lệ bỏ việc trong 3 tháng đầu của lao động nhà máy vùng đồng bằng Châu Giang, vốn là trung tâm sản xuất của Trung Quốc thời đó, đã là 20-30% và hiện nay con số này đang ngày càng tăng mạnh.

Nay đây mai đó

Tờ Sixth Tone nhận định tỷ lệ người lao động nhà máy Trung Quốc nhảy việc quá cao khiến họ không có đủ thời gian để học việc và nâng cao kỹ năng một cách hiệu quả.

Thế rồi chính sách Hộ khẩu (Hukou) loại bỏ các lao động nhập cư từ các miền quê lên thành phố làm việc khỏi những dịch vụ phúc lợi công càng khiến tình hình trở nên khó khăn. Chính vì vậy đến việc thuê nhà ở cũng là vấn đề lớn với nhiều lao động miền quê.

Khoảng 60% số lao động nhà máy nhập cư tỉnh lẻ của Trung Quốc phải sống trong điều kiện vật chất tồi tàn, chen chúc và khó để phát triển kỹ năng cho phù hợp với mục tiêu vươn lên chuỗi giá trị cung ứng.

Trung Quốc đau đầu vì lao động trình độ thấp: Những uẩn khúc đằng sau tỷ lệ nhảy việc cao, không chịu đào tạo nâng cao trình độ - Ảnh 3.

Giá nhà ở tại các đô thị thì tăng chóng mặt do tình trạng đầu cơ tích trữ, còn các vùng nông thôn vốn thừa sức nuôi sống lao động tỉnh lẻ thì lại đang bị suy sụp dần do thanh thiếu niên bỏ lên thành phố hết.

Với những yếu tố trên, người lao động tỉnh lẻ Trung Quốc không còn cách nào khác ngoài việc phải chọn cuộc sống nhảy việc, nay đây mai đó. Không kiếm được chỗ ở ổn định cùng một chế độ phúc lợi công hoàn thiện khiến những lao động này chẳng thể nhận được sự đào tạo nào tử tế cho dù các doanh nghiệp có muốn đi chăng nữa.

Thậm chí để tiết kiệm chi phí, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc còn ưa thích dùng lao động thời vụ, hợp đồng hoặc thuê môi giới bên thứ 3 để né tránh trách nhiệm. Nhiều công ty còn dùng chung lao động để tiết kiệm ngân sách.

Mặc dù những chiêu trò này giúp doanh nghiệp tiết kiệm ngân sách nhưng về tổng thể dài hạn, chúng lại đem lại nhiều bất cập. Theo một nghiên cứu, khoảng 67,1% số lao động nhà máy Trung Quốc nhận được đào tạo kỹ năng nhờ chủ doanh nghiệp tạo điều kiện, trong khi chỉ có 19,9% là tự học qua trường lớp.

Rõ ràng việc doanh nghiệp đào tạo lao động là cực kỳ quan trọng nhưng nhiều công ty vừa và nhỏ lại sợ bị lộ bí mật công nghệ, sợ nhân viên không trung thành hoặc bỏ đi khi đã học việc xong nên không muốn tốn thêm chi phí đầu tư. Một số khác thì muốn giữ bộ khung nhân viên đơn giản và tuyển lao động mùa vụ để dễ dàng sa thải khi ít việc.

Tờ Sixth Tone cho biết khoảng 61% số nhà máy Trung Quốc hiện nay không có chương trình đào tạo nội bộ cho lao động tay nghề thấp.

Trung Quốc đau đầu vì lao động trình độ thấp: Những uẩn khúc đằng sau tỷ lệ nhảy việc cao, không chịu đào tạo nâng cao trình độ - Ảnh 4.

Tương lai u ám

Theo Sixth Tone, một nguyên nhân nữa khiến người lao động không chịu đào tạo chuyên sâu nâng cao trình độ là do sự bất tương xứng giữa doanh nghiệp với chính phủ, đồng thời tỷ lệ cơ hội thăng tiến thấp khiến mọi người nản lòng.

Thông thường các cơ quan chính phủ Trung Quốc có mở lớp đào tạo hay tổ chức chiến lược phát triển nhân sự nhưng lại đặt quá nặng vào lý thuyết và văn hóa làm việc, khiến lao động tốt nghiệp chẳng thể đáp ứng nổi nhu cầu doanh nghiệp hoặc không được trọng dụng.

Trái lại, những lớp đào tạo nghề của doanh nghiệp lại bị nhiều cơ quan nhà nước nghi ngờ về tính xác thực, động cơ “mua bằng” không trong sáng...

Thế rồi ngay cả khi lao động đã có tay nghề, chứng chỉ... thì họ cũng không được xã hội tôn trọng đúng mức. Tờ Sixth Tone cho biết ngay cả những công nhân nhà máy lành nghề cũng thiệt thòi khi so sánh về mức lương với giới lao động văn phòng cũng như khả năng tiếp xúc các dịch vụ công cơ bản hay đăng ký hộ khẩu.

Tồi tệ hơn, nấc thang thăng tiến trong nghề lao động nhà máy rất thấp. Bởi vậy nhiều công nhân thay vì nâng cao tay nghề lại đi học thêm về quản trị kinh doanh hay các văn bằng “có tiếng” hơn để chuyển nghề văn phòng, vốn là những công việc có cơ hội sự nghiệp tốt hơn, được tôn trọng trong xã hội hơn.

Trung Quốc đau đầu vì lao động trình độ thấp: Những uẩn khúc đằng sau tỷ lệ nhảy việc cao, không chịu đào tạo nâng cao trình độ - Ảnh 5.

Rõ ràng, xây dựng thiết bị hiện đại hay phát triển robot, tự động hóa để vươn lên trong chuỗi giá trị cung ứng là không đủ, Trung Quốc vẫn cần lượng lớn lao động có tay nghề.

Tờ Sixth Tone cho biết nhân lực mới là yếu tố quan trọng nhất đem lại thành công hay thất bại của bất kỳ nỗ lực cải cách kinh tế nào.

*Nguồn: Sixth Tone

Theo Băng Băng

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên