MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc để mặc làn sóng vỡ nợ trái phiếu nổ ra?

27-12-2019 - 19:20 PM | Tài chính quốc tế

Các nhà đầu tư từ lâu đã cho rằng nhà nước Trung Quốc sẽ dang tay cứu nhiều công ty trước nguy cơ vỡ nợ trái phiếu nhưng điều này đang ngày càng trở nên không chắc chắn.

Một thập kỷ trước, vỡ nợ trái phiếu được mặc định là điều không bao giờ xảy ra dù đó không phải vì các công ty Trung Quốc luôn khỏe mạnh. Nó chỉ phản ánh một hệ thống tài chính được kiểm soát chặt chẽ, nơi các công ty thường liên kết với chính phủ và trái phiếu chủ yếu được mua bởi các quỹ thuộc sở hữu nhà nước.

Nhà nước cũng thường bước vào để đảm bảo rằng các doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính sẽ không sụp đổ vì lo ngại tình trạng người lao động mất việc làm hay doanh nghiệp không thể trả lương cho người lao động sẽ làm bất ổn trong xã hội.

Hệ thống này có những kỷ luật với người vay. Tuy nhiên, bây giờ các nhà đầu tư toàn cầu đang đến với thị trường trái phiếu Trung Quốc. Mặc dù nhiều công ty vẫn được nhà nước hậu thuẫn nhưng các nhà hoạch định chính sách đang dần thoải mái hơn trong việc để các doanh nghiệp trong môi trường kinh tế thị trường. Vắng đi sự bảo hộ của nhà nước, người mua trái phiếu sẽ phải đánh giá cẩn thận về tín dụng của doanh nghiệp.

Việc hạn chế sự can thiệp của chính phủ Trung Quốc cũng đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư toàn cầu phải bỏ đi quan niệm cố hữu về việc các doanh nghiệp không thể vỡ nợ. Danh sách dài các doanh nghiệp, vốn từng được coi là không thể sụp đổ, đang đối mặt với nguy cơ vỡ nợ hoặc trái phiếu lao dốc.

Một trong số đó là ngân hàng đầu tư theo phong cách phố Wall được chính Thủ tướng Trung Quốc dự lễ khai trương và hai công ty công nghệ có liên kết với các trường đại học hàng đầu của Trung Quốc. Tháng 12, Tewoo Group Corp thuộc sở hữu của chính quyền tỉnh Thiên Tân, đã công bố kết quả tái cơ cấu nợ chưa từng có, trong đó phần lớn các nhà đầu tư phải chấp nhận thua lỗ nặng. Những vụ đổ vỡ gần đây có thể minh chứng cho một bước ngoặt trên thị trường trái phiếu Trung Quốc.

Tewoo hoạt động trong nhiều lĩnh vực, từ khai mỏ, vận tải tới cơ sở hạ tầng. Nằm ở thành phố công nghiệp Thiên Tân, phía đông nam Bắc Kinh, Tewoo đã chính thức vỡ nợ và khoản nợ của nó buộc phải cơ cấu lại. Sau vụ vỡ nợ của Tewoo, Dịch vụ đầu tư của Moody’s đã phải phát tín hiệu cảnh báo với các nhà đầu tư về khả năng Chính phủ Trung Quốc sẽ không ra tay cứu trợ các doanh nghiệp, bao gồm cả các doanh nghiệp quốc doanh.

Trong khi đó, tìm ra được doanh nghiệp nào sẽ tiếp tục được Chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn không phải việc dễ dàng. Andrew Collier, giám đốc của Orient Capital Research, cho rằng: "Chính phủ Trung Quốc chọn bỏ mặc ở mức độ nào sẽ là câu hỏi làm đau đầu các nhà lãnh đạo vào năm 2020".

Theo Collier, hàng trăm tỷ USD nợ có tiềm năng trở thành vấn đề. Nó bao gồm tín dụng mở rộng dành cho việc phát triển bất động sản và các phương tiện tài chính của chính quyền địa phương, vốn chủ yếu được dùng cho các dự án cơ sở hạ tầng. Thiếu nguồn doanh thu bền vũng cũng như sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc với tốc độ chỉ vào khoảng 6% mỗi năm khiến mọi việc trở nên tệ hơn.

Michel Lowy, CEO của SC Lowy có trụ sở tại Hồng Kông, nhận định: "Sẽ rất khó để phân tích tình hình sức khỏe của các doanh nghiệp phát hành trái phiếu ở Trung Quốc. Nó chẳng mấy liên quan đến chất lượng của các doanh nghiệp mà chủ yếu lại liên quan tới ai là người đứng phía sau, ai sở hữu hay thậm chí là mục tiêu của doanh nghiệp đó là gì".

Những bài học trong tháng 12/2019 được coi là đắt giá cho các nhà đầu tư. Việc chọn "ngôi sao hy vọng" với việc mua trái phiếu từ các doanh nghiệp được nhà nước hỗ trợ đã không còn đúng. Ngoài Tewoo, trái phiếu của hai công ty công nghệ lớn được nhà nước hậu thuẫn cũng đang sụt giảm giá trị dù chúng còn chưa bị thả trôi.

Tsinghua Unigroup Co. là nhà sản xuất Chip hàng đầu của Trung Quốc trong tham vọng thống trị toàn cầu về công nghệ. Tuy nhiên, tài chính của nó đã gặp nhiều sóng gió trong 3 năm qua bởi vay tiền cho các thương vụ mua bán và sáp nhập. Nó được liên kế với Đại học Thanh Hoa, nơi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào từng theo học. Trường hợp khác là Peking University Founder Group, một tập đoàn lớn hoạt động trong lĩnh vực y tế và Internet. Tên tuổi của nó gắn liền với Đại học Peking, một trường tinh hoa khác ở Trung Quốc.

Hiện tại, Chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực tách các tổ chức học thuật khỏi các liên kết kinh doanh. Chính sự không chắc chắn về quyền sở hữu trong tương lai với các doanh nghiệp loại này làm dấy lên những nghi ngờ vì tình hình tài chính của họ bởi đây đều là doanh nghiệp thâm dụng vốn với sự không chắc chắn về lợi nhuận rất cao.

Linh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên