Trung Quốc dừng nhập khẩu than từ Úc, ngành thép chịu tác động ra sao?
Những người dùng cuối cùng tại các thị trường bên ngoài Trung Quốc – như châu Âu và Ấn Độ - đang được hưởng lợi thế giá rẻ.
- 26-11-202050 con tàu chất đầy than đá mắc kẹt ở cảng biển Trung Quốc, Australia tìm cách phá băng căng thẳng
- 26-05-2020Trung Quốc tiếp tục trả đũa vì truy tìm nguồn gốc Covid-19: Cấm nhập khẩu than từ Australia
- 24-03-2020Thế giới đình trệ vì Covid-19, cuộc chiến giá dầu tạo ra nghịch lý: Than là nhiên liệu hóa thạch đắt đỏ nhất hành tinh
Trong kỳ nghỉ lễ Tuần lễ vàng vừa qua (1-8/10), các nhà máy thép và công ty dịch vụ công ích của Trung Quốc được thông báo bằng miệng về việc dừng nhập khẩu than đá từ Australia. Chỉ sau vài ngày, các nhà máy thép ở Ấn Độ và Đông Nam Á đã chứng kiến các tàu chở than của Australia cập bến nhiều hơn. Giá than cốc của Australia cũng ngay lập tức sụt giảm trên thị trường giao ngay.
Theo số liệu của Fastmarkets, hôm 9/10 giá FOB vẫn ở mức 132,82 USD/tấn nhưng đến ngày 13/11 đã giảm xuống còn 104,40 USD/tấn. Ngày 4/12, giá là 102,62 USD/tấn.
Đến nay, sau 2 tháng, lệnh cấm của Trung Quốc đã gây ra những tác động sâu rộng đến thị trường. Những người dùng cuối cùng tại các thị trường bên ngoài Trung Quốc – như châu Âu và Ấn Độ - đang được hưởng lợi thế giá rẻ.
Trái ngược với giá than Úc, giá than cốc nội địa Trung Quốc và giá than cốc Mông Cổ đã giữ đà tăng giá từ đầu tháng 10 đến nay. Than cốc của Canada và Mỹ - những lựa chọn thay thế cho than Úc – cũng tăng giá.
Hầu hết các chuyên gia đều nhận định lệnh cấm nhập khẩu than Úc của Trung Quốc xuất phát từ căng thẳng trong quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia, đồng thời dự đoán lệnh cấm này sẽ không thể sớm được dỡ bỏ.
"Trong bối cảnh quan hệ Trung – Úc xấu đi như hiện nay, sẽ không có gì nhạc nhiên nếu như trong quý I hoặc thậm chí cả nửa đầu năm 2021 lệnh cấm vẫn được duy trì. Mặc dù Australia cung cấp than cốc ở mức giá thấp hơn so với các công ty than đá Trung Quốc, Trung Quốc vẫn có những lựa chọn thay thế", một chuyên gia nhận định.
Đầu tiên, Trung Quốc vẫn chủ yếu dựa vào than cốc do trong nước sản xuất, chỉ khoảng 10% là than nhập khẩu. Thứ hai, các nhà máy thép có thể chuyển sang nhập khẩu than từ những nước khác thay vì Australia, ví dụ như Canada và Mỹ dù giá có cao hơn. Thứ ba, hầu hết các nhà máy thép đều có thể điều chỉnh để đối phó với việc thiếu hụt than cốc nhập khẩu từ Australia.
"Trừ khi căng thẳng giữa Trung Quốc và Australia giảm xuống, lệnh cấm sẽ không được dỡ bỏ. Không ai biết rằng khi nào chúng ta có thể nhập khẩu lại", lãnh đạo 1 nhà máy thép ở miền Đông Trung Quốc nói.
Trong khi đó, các thị trường bên ngoài Trung Quốc đưa ra những nhận định khác một chút. Lãnh đạo 1 nhà máy theo ở Đông Á cho rằng vẫn có hi vọng quan hệ Trung – Úc sẽ cải thiện. Sau khi ông Biden nhậm chức vào ngày 20/1/2021, nhiều khả năng Mỹ sẽ có những động thái thiện chí hơn đối với Trung Quốc và Australia cũng sẽ làm điều tương tự.
Một trader ở Singapore dự đoán Trung Quốc sẽ trở lại nhập khẩu than cốc từ Úc trở lại ngay trong quý I năm sau bởi vì Trung Quốc rất cần than cốc chất lượng cao.
Tuy nhiên quan điểm phổ biến nhất là lệnh cấm sẽ không sớm được dỡ bỏ. Dẫu vậy phía Trung Quốc cần phải tính đến 1 điều là lệnh cấm sẽ ảnh hưởng lên lợi nhuận của các nhà máy thép trong nước mà vốn đang khá yếu.
Tình cảnh hiện nay đang gây hại cho cả người tiêu dùng cuối cùng ở Trung Quốc và các công ty khai mỏ của Australia, trong khi các bên như các nhà xuất khẩu của Mỹ và Canada lại đang hưởng lợi vì giá tăng. Sự thật là Úc và Trung Quốc đã phụ thuộc vào nhau quá nhiều – 1 bên là nước xuất khẩu lớn nhất, 1 bên là nước tiêu thụ nhiều nhất thế giới, vì thế tìm kiếm lựa chọn thay thế sẽ là mục tiêu dài hạn mà Trung Quốc hướng tới chứ không phải là 1 lựa chọn cần kíp phù hợp với tình hình hiện tại.
Tham khảo Fastmarkets